Giải phẫu khớp gối bao gồm nhiều cấu trúc thành phần khác nhau, trong số đó sụn chêm đóng vai trò rất quan trọng nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Tình trạng rách sụn chêm hay xảy ra trong các vụ tai nạn giao thông hoặc chấn thương khi thi đấu thể thao... với nhiều hình thái, vị trí rách sụn chêm và phương pháp điều trị khác nhau.
1. Cấu tạo khớp gối và sụn chêm
Khớp gối cấu tạo rất phức tạp, là một trong những khớp lớn của cơ thể với nhiệm vụ chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Cấu tạo phức tạo của khớp gối thể hiện qua nhiều thành phần cấu trúc khác nhau, tầm vận động lớn, do đó đây là một khớp rất dễ bị tổn thương. Trong đó, rách sụn chêm khớp gối là hình thái tổn thương hay gặp nhất, đặc biệt là trong tai nạn giao thông hoặc chấn thương khi thi đấu thể thao...
Về mặt cấu tạo, khớp gối cấu tạo bởi 3 xương chính là đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và xương bánh chè. Sụn chêm nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, có đặc điểm rất bền bỉ, có độ dai và độ đàn hồi cao.
Mỗi khớp gối sẽ bao gồm 2 sụn chêm nằm ở phía trong gọi là sụn chêm trong và phía ngoài gọi là sụn chêm ngoài, đây là một đặc điểm quan trọng trong việc phân loại vị trí rách sụn chêm. Mỗi sụn chêm cấu tạo gồm 3 phần (sừng trước, sừng sau, thân giữa) và 2 bờ là bờ bao khớp bám vào bao khớp (hay gọi là bờ ngoại vi) và bờ tự do (hay gọi là bờ trung tâm). Hình dạng của sụn chêm trong giống chữ C còn sụn chêm ngoài có hình chữ O.
Bên cạnh đó, chẩn đoán vị trí rách sụn chêm và lựa chọn phác đồ điều trị còn phụ thuộc vào việc phân vùng dựa vào tính chất cấp máu cho sụn. Khi đó, sụn chêm được chia làm 3 vùng, bao gồm:
- Vùng giàu mạch máu nuôi: Nằm ở 1/3 ngoài (ở bờ bao khớp) với đặc điểm giàu mạch máu nuôi dưỡng nên vị trí rách sụn chêm này tiên lượng phục hồi rất tốt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời;
- Vùng trung gian: Nằm ở 1/3 giữa, số lượng mạch máu xu hướng giảm dần nên những tổn thương vùng này có tỷ lệ phục hồi kém hơn vùng 1/3 ngoài, đặc biệt là ở người lớn tuổi;
- Vùng vô mạch: Nằm ở 1/3 trong (ở bờ tự do), hoàn toàn không có mạch máu nuôi dưỡng nên vị trí rách sụn chêm ở đây không thể phục hồi và thường điều trị bằng cách cắt bỏ.
2. Vai trò của sụn chêm khớp gối
Khớp gối có khả năng chịu lực gấp 5-6 lần trọng lượng cơ thể khi chúng ta bước đi. Lực tác động lên sụn chêm khớp gối thay đổi tùy theo tư thế của chúng ta, trong đó một nửa lực tác động truyền qua sụn chêm ở tư thế gối duỗi thẳng và tăng lên 85% ở tư thế gối gập. Khi còn sụn chêm, khả năng hấp thụ lực và giảm mức độ xóc của sụn chêm cao hơn so với khi đã cắt bỏ sụn chêm khoảng 20%.
Vai trò của sụn chêm khớp gối bao gồm:
- Phân phối lực tác động đều lên khớp gối;
- Góp phần tạo sự vững chắc cho khớp;
- Phân bố đều lớp hoạt dịch bôi trơn và duy trì dinh dưỡng cho sụn khớp;
Hạn chế tình trạng bao khớp và màng hoạt dịch kẹt vào khe khớp.
3. Hình thái, cơ chế và vị trí rách sụn chêm
Tổn thương rách sụn chêm khớp gối rất đa dạng về mặt hình thái, cơ chế và vị trí rách. Thông thường, mỗi khi mô tả tổn thương bác sĩ thường dựa vào hình thái và vị trí rách sụn chêm.
- Về mặt hình thái, rách sụn chêm thường gặp là đường rách dọc hoặc ngang, đôi khi rách hình dạng khác nhau như nan hoa, hình vạt và vết rách phức tạp;
- Về mặt vị trí rách sụn chêm có thể bao gồm rách ở sừng trước, sừng sau hoặc ở thân; rách sụn chêm trong hoặc rách sụn chêm ngoài; vết rách ở vùng vô mạch, trung gian hoặc vùng giàu mạch máu.
Cơ chế rách sụn chêm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân, bao gồm:
- Ở người trẻ tuổi: Rách sụn chêm đa phần xảy ra sau một chấn thương đột ngột ở trạng thái gối gấp (ngồi xổm), kèm theo đó chân người bệnh bị vặn xoắn. Do đó, đa số trường hợp xảy ra trong chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông;
- Ở người cao tuổi: Rách sụn chêm đa phần là do quá trình thoái hóa xương khớp. Tình huống hay gặp là người bệnh đang ngồi ghế và đột ngột đứng dậy ở tư thế bất lợi, chân hơi vặn. Các trường hợp rách sụn chêm ở người cao tuổi thường kèm theo tổn thương khác như bong hoặc mòn sụn khớp.
4. Chẩn đoán rách sụn chêm khớp gối
Triệu chứng của rách sụn chêm khớp gối thường không đặc hiệu. Một số trường hợp có thể nghe thấy một tiếng "nổ" khi sụn chêm rách và đa số vẫn có thể tiếp tục đi lại bình thường, vận động viên thể thao như bóng đá vẫn có thể chơi hết trận khi sụn chêm mới rách. Sau đó khoảng 2-3 ngày mới xuất hiện các dấu hiệu khác như khớp gối sưng phù dần dần, xuất hiện cảm giác gối mất linh hoạt.
Một số triệu chứng thường gặp của rách sụn chêm khớp gối, bao gồm:
- Đau nhức khớp gối;
- Sưng phù, hạn chế vận động vùng gối;
- Khớp gối có thể bị kẹt hoặc xuất hiện tiếng lục khục khi vận động khớp;
- Hạn chế tầm vận động khớp, không thể gấp duỗi gối hết mức.
Một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong rách sụn chêm khớp gối:
- X Quang thường quy: Hình ảnh X Quang có thể giúp đánh giá sơ bộ tình trạng xương vùng khớp gối;
- Cộng hưởng từ MRI: Ưu điểm của hình ảnh MRI là chẩn đoán khá chính xác vị trí rách sụn chêm và hình thái tổn thương;
- Nội soi khớp gối chẩn đoán: Nội soi cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ khớp gối, qua đó đánh giá chính xác tình trạng, mức độ, vị trí rách sụn chêm. Đồng thời đánh giá tổn thương kèm theo như dây chằng, màng hoạt dịch và từ đó giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng trường hợp.
Rách sụn chêm là chấn thương thường gặp và cũng là bộ phận dễ bị tổn thương nhất của khớp gối. Theo đó, cần biết được các vị trí rách sụn chêm qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để sớm có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.