Đau cơ lưng hay còn gọi là đau thắt lưng, là một triệu chứng phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi lứa tuổi. Cảm giác bị căng cơ lưng có thể từ âm ỉ đến dữ dội, thường tập trung ở vùng dưới lưng và có thể lan rộng ra các vùng khác như mông, hông hoặc chân. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh ngay bên dưới!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Đau cơ lưng do bị căng cơ lưng và bong gân
Đau cơ lưng hầu hết là do bị căng cơ lưng hoặc bong gân. Căng cơ là khi các sợi cơ bị kéo căng, trong khi bong gân xảy ra khi dây chằng bị kéo giãn hoặc rách. Nếu bị bong gân và đau cơ lưng, chúng ta có thể nghe thấy một tiếng "bốp" khi cơn đau xảy đến.
Các cơn đau cơ lưng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, từ lưng trên đến lưng dưới, cả bên trái lẫn bên phải. Trong đó, đau cơ thắt lưng là tình trạng phổ biến nhất, thường xảy ra khi nhóm cơ ở vùng thắt lưng bị tác động mạnh, gây tổn thương lưng và co thắt.

Bị căng cơ lưng và bong gân lưng có thể do các nguyên nhân sau:
- Tăng cường sử dụng cơ lưng khi liên tục nâng đồ vật hoặc nâng vật quá nặng.
- Di chuyển bất ngờ, uốn mình hoặc xoắn theo những động tác ít khi thực hiện.
- Thể chất không tốt.
Khi cơ lưng và cơ bụng yếu, việc thực hiện các công việc hằng ngày có thể khiến chúng ta dễ bị căng cơ lưng hoặc bong gân lưng, gây sưng và viêm, dẫn đến:
- Co thắt cơ.
- Cứng cơ.
- Đau cơ lưng và mông.
Đau thắt lưng có thể khiến chúng ta gặp khó khăn trong các hoạt động di chuyển và sinh hoạt thường ngày. Nếu cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến bác sĩ để kiểm tra. Mọi người cũng nên khám ngay trong các trường hợp sau:
- Cơn đau bắt nguồn từ một chấn thương gần đây.
- Đau lưng kèm theo triệu chứng sốt.
- Đau lưng kết hợp với các vấn đề về đường tiểu hoặc tiêu hóa.
- Đau trở nên nghiêm trọng và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau lưng lan xuống chân hoặc người bệnh có cảm giác tê bì, ngứa ran.
- Sụt cân liên quan với đau cơ lưng.

Ngoài ra, bệnh nhân nên đến khám nếu trên 50 tuổi và có những tình trạng sau:
- Chưa từng bị đau lưng.
- Có tiền sử mắc ung thư hoặc loãng xương.
- Thường xuyên sử dụng chất kích thích hoặc uống rượu.
2. Điều trị đau cơ lưng
Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng để điều trị tình trạng đau cơ lưng:
- Chườm lạnh và nóng cho vùng thắt lưng: Sử dụng đệm sưởi ấm hoặc túi chườm lạnh để giảm đau. Chúng ta nên chườm lạnh trong vòng 48 giờ đầu tiên, rồi sau đó chuyển sang chườm nóng. Lưu ý không để đệm nóng hoặc túi lạnh tiếp xúc trực tiếp với da hoặc dùng quá 20 phút.
- Các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen, có thể giảm đau lưng, tuy nhiên, người bệnh không nên dùng quá 10 ngày nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Để cố định cột sống lưng và hỗ trợ điều chỉnh tư thế trong các hoạt động hàng ngày, người bệnh có thể lựa chọn đeo đai hoặc nịt lưng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại dụng cụ hỗ trợ nào, việc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu là vô cùng cần thiết để chọn được loại phù hợp và hướng dẫn cụ thể về tần suất đeo.
- Bên cạnh đó, phương pháp Chiropractic – nắn chỉnh cột sống cũng được xem là một giải pháp hiệu quả và an toàn để giảm đau cơ lưng. Nguyên nhân khiến chúng ta bị căng cơ lưng chủ yếu là do xương cột sống bị lệch khỏi vị trí. Các chuyên gia sẽ nắn xương khớp trở về vị trí ban đầu, giải phóng chèn ép dây thần kinh và kích hoạt cơ chế tự phục hồi của cơ thể. Nhờ vậy, tình trạng đau cơ lưng sẽ dần được cải thiện và biến mất theo thời gian.
- Tập luyện nhẹ nhàng: Vào những ngày đầu khi bị căng cơ lưng, người bệnh nên hạn chế hoạt động mạnh. Sau đó, hãy thực hiện các bài tập nhẹ như đi bộ hoặc tập yoga để kích thích tuần hoàn máu, giúp xương chắc khỏe hơn.
Các bài tập trị liệu giúp giảm đau lưng nghiêm trọng và cung cấp kiến thức về cách vận động an toàn.

3. Làm gì để ngăn đau lưng tái phát?
Đau lưng tái phát là vấn đề phổ biến ở nhiều người. Để giảm thiểu nguy cơ này, chúng ta có thể thử những phương pháp sau:
- Giữ tư thế đúng: Khi đứng hay ngồi, hãy đảm bảo cột sống luôn thẳng từ đầu đến xương cụt. Việc cong lưng quá mức có thể dẫn đến đau lưng.
- Tập thể dục đều đặn: Luyện tập thể dục giúp củng cố cơ lưng, cơ bụng và gân kheo. Mọi người nên tham gia các bài tập tim mạch như đi bộ hoặc đạp xe kết hợp với các bài tập tăng cường sức mạnh như Pilates hoặc tập tạ và kéo giãn cơ.
- Giữ cân nặng ổn định: Thừa cân béo phì có thể làm tăng áp lực lên lưng dưới và khớp, dẫn đến đau lưng.
- Chú ý khi nâng vật nặng: Khi nâng vật, hãy sử dụng đầu gối để làm trụ thay vì dùng lưng dưới. Hãy giữ cơ bụng siết chặt và giữ đầu thẳng hàng với cột sống, tránh cúi xuống hoặc ngửa người.
Đau cơ lưng có thể do cơ bị căng cơ lưng hoặc vùng lưng bị bong gân. Tùy vào tình trạng, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Nếu tình trạng không thuyên giảm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com