Hình thành cục máu đông trong não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, có một số loại thuốc có công dụng làm tan cục máu đông trong não như Streptokinase, Urokinase, Tenecteplase và Alteplase,...
1. Nguyên nhân hình thành cục máu đông trong não
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới hình thành cục máu đông như di truyền, xơ vữa động mạch, ung thư, rung nhĩ (nhịp tim không đều), tiểu đường, béo phì, mang thai, lười vận động, hút thuốc, phẫu thuật,...Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cholesterol tăng cao trong máu chính là nguyên nhân phổ biến gây ra cục máu đông vì tạo ra các mảng xơ vữa bám trong động mạch. Khi những mảng xơ vữa vỡ sẽ hình thành nên cục máu đông. Hầu hết, các trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ não xảy ra có liên quan đến sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa trong động mạch.
Ngoài ra, có một số loại thuốc ví dụ như thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở phụ nữ. Nhiễm Covid-19 cũng là yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể và nguy cơ hình thành cục máu đông ở những bệnh nhân nặng.
2. Ai có nguy có xuất hiện cục máu đông trong não?
Cục máu đông trong não có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai trong mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, những người mắc bệnh mạch vành và có sự hình thành của mảng xơ vữa trong lòng mạch là những đối tượng có nguy cơ cao mắc cao hơn. Ngoài ra, có một số yếu tố sau khiến nguy cơ gây ra cục máu đông:
- Tuổi cao;
- Thường ăn nhiều đồ ăn giàu chất béo, đồ ăn nhanh;
- Hút thuốc lá thường xuyên;
- Uống quá nhiều rượu (quá 3 – 4 đơn vị rượu mỗi ngày với nam và 2 – 3 đơn vị rượu mỗi ngày với nữ);
- Bệnh nhân thừa cân, béo phì;
- Người lười vận động;
- Người mắc bệnh đái tháo đường;
- Người mắc bệnh tăng huyết áp;
- Bệnh nhân có tiền sử nhồi máu não, cơn thiếu máu não thoáng qua;
- Người mắc các bệnh lý về mạch máu;
- Bệnh nhân tăng cholesterol, tăng triglyceride.
3. Thuốc làm tan cục máu đông trong não
Có một số loại thuốc được sử dụng để làm tiêu cục máu đông như Streptokinase, Urokinase, Tenecteplase, Alteplase... Tất cả các thuốc này đều có chung một cơ chế hoạt động là hoạt hóa plasminogen thành plasmin và chất này có tác dụng như một enzym làm tiêu fibrin, làm tiêu cục máu đông. Bình thường trong cơ thể, plasminogen luôn sẵn có. Chúng giúp điều hòa sự đông chảy máu. Tuy nhiên, quá trình chuyển plasminogen thành plasmin không dễ dàng. Chúng chỉ được hoạt hóa khi có điều kiện kích thích hoặc có sự hỗ trợ của thuốc.
Trong các thuốc trên, Urokinase và Streptokinase có tác dụng rất mạnh, có thể làm tiêu cục máu đông nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng lại có nhược điểm đó là để lại tác dụng tồn dư nên dễ gây ra biến chứng nghiêm trọng sau điều trị như chảy máu thứ phát. Chính vì thế, một số nước trên thế giới không cho lưu hành 2 loại thuốc này và không chấp nhận chúng trong điều trị nhồi máu não. Urokinase và Streptokinase thường được dùng để điều trị tắc mạch máu phổi và tắc mạch vành ở tim.
2 thuốc khác có khả năng làm tan máu đông là Tenecteplase, Desmoteplase đang được tiếp tục thử nghiệm và đánh giá trong điều trị. Hai thuốc này có hoạt lực điều trị thấp hơn, khả năng làm tan cục máu đông chậm hơn các thuốc khác. Tuy nhiên, chúng lại ít có nguy cơ gây ra biến chứng do tác dụng tồn dư để lại.
Ngoài ra, còn có một loại thuốc thường được sử dụng nhất chính là Alteplase. Alteplase là một chất hoạt hóa plasminogen của mô và có tác dụng tốt trong điều trị nhồi máu não. Sau khi tiêm thuốc này vào mạch máu, tỷ lệ người bệnh cải thiện triệu chứng và phục hồi tốt trong khoảng 31-50%.
4. Nên sử dụng thuốc làm tan máu đông trong não khi nào?
Theo các nghiên cứu, không phải trường hợp nhồi máu não nào dùng thuốc tiêu cục máu đông cũng cho tác dụng như mong muốn. Tác dụng của thuốc đến đâu còn phụ thuộc vào thời gian điều trị tính từ khi bệnh khởi phát. Người ta thấy rằng, trong vòng 3-4 giờ tính từ khi khởi phát bệnh, liệu pháp tan cục máu đông sẽ thể hiện tác dụng rõ ràng nhất. Tỷ lệ người bệnh cải thiện triệu chứng rõ rệt là khoảng 45-50%. Đây là một tỷ lệ rất cao trong điều trị các bệnh lý liên quan đến não.
Nếu dùng thuốc sau khi bệnh xuất hiện 3-4 giờ, thuốc vẫn có tác dụng làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, vấn đề làm tan cục máu đông lúc này thực sự cần phải cân nhắn vì thời điểm này cục máu đông đã bắt đầu bước vào giai đoạn giáng hóa. Ngoài ra, dùng thuốc sau thời điểm này cũng dễ gây ra biến chứng chảy máu thứ phát và một số tác dụng phụ khác. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, người ta đều không ưu tiên dùng thuốc tiêu cục máu đông nếu người bệnh đến bệnh viện muộn.
Bên cạnh đó, thuốc làm tan máu đông không thích hợp cho người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ chảy máu não. Người bệnh có thể chưa tử vong do bệnh lý nhồi máu não mà lại gặp nguy hiểm vì biến chứng chảy máu não do thuốc gây ra. Vì thế, những đối tượng sau bị chống chỉ định dùng liệu pháp tan cục máu đông: thể bệnh kết hợp vừa xuất huyết não và nhồi máu não, có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện, huyết áp tăng quá cao trên 185/110mmHg, tiền sử chấn thương sọ não trong 3 tháng gần đây, bệnh nhân bị các chứng bệnh liên quan đến rối loạn đông máu, bị giảm tiểu cầu.
5. Phòng ngừa cục máu đông trong não như thế nào?
Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn sự hình thành cục máu đông trong não. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ như sử dụng một số loại thuốc kết hợp với lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh, có khoa học:
- Các loại thuốc chống huyết khối chẳng hạn như warfarin, dabigatran, apixaban, rivaroxaban hoặc các thuốc kháng tiểu cầu như aspirin liều thấp hoặc clopidogrel có thể làm giảm nguy cơ đông máu. Ngoài ra, sử dụng thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp, sử dụng statin để làm giảm nồng độ cholesterol trong máu cũng giúp kiểm soát tốt các bệnh lý nền và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, các loại thuốc trên cần được sử dụng với sự chỉ định của bác sĩ.
- Xây dựng một lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng để phòng ngừa cục máu đông và đột quỵ não. Bệnh nhân cần duy trì các thói quen có lợi như không hút thuốc lá, ăn nhạt, ăn ít chất béo, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, ăn nhiều rau củ quả tươi và nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần bằng các hình thức như đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục nhịp điệu dưới nước...
Tóm lại, các loại thuốc làm tan cục máu đông cần được sử dụng thận trọng, đúng thời điểm để cho hiệu quả tốt nhất và giảm thiểu tác dụng phụ. Khi có các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ đột quỵ não do cục máu đông, bệnh nhân cần liên hệ với cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.