Các thuốc làm loãng đờm cho người lớn

Đờm được biết là chất này tiết ra từ tế bào đường hô hấp dưới. Thành phần của đờm bao gồm bạch cầu mủ, hồng cầu, tế bào miễn dịch, đồng thời có thể bao gồm cả những hợp chất hít vào trong phổi. Việc sử dụng thuốc loãng đờm như nào cho phù hợp là điều mà bất kỳ ai cũng cần biết,

1. Nguyên nhân khiến cơ thể tiết dịch đờm và sử dụng thuốc long đờm

Cơ thể tiết dịch đờm có thể do các nguyên nhân:

  • Hút thuốc lá - nguyên nhân khá phổ biến khiến cơ thể sản xuất nhiều đờm hơn bình thường và khiến cho đờm trở nên dày đặc hơn. Đờm của những đối tượng này thường có màu vàng hoặc xanh. Trong một số trường hợp hút thuốc quá nhiều đờm có thể có lẫn máu do niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương.
  • Hen suyễn thường gặp ở những người có đường thở khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi nhiễm trùng đường hô hấp hoặc do dị ứng với môi trường. Nguyên nhân chính khiến đường hô hấp nhiều đờm do đường thở viêm nặng.
  • Cảm cúm là căn bệnh khá phổ biến và một trong những triệu chứng của bệnh có xu hướng tiết ra nhiều đờm xanh hơn bình thường.
  • Viêm phế quản thường có dấu hiệu tiết ra nhiều đờm hơn so với người bình thường. Đờm thường có màu xanh lục hoặc vàng xám.
  • Viêm phổi do các mô phổi bị sưng lên bởi nhiễm trùng từ các loại vi khuẩn, người bệnh có thể ho ra đờm có màu xanh lá, nâu, vàng hoặc đờm có thể dính máu.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường do tổn thương các đường thở trung tâm, có thâm nhiễm các tế bào viêm ở bề mặt biểu mô đường thở. Đồng thời các tuyến tiết nhầy dưới niêm mạc to ra, tăng số lượng tế bào dẫn tới tăng tiết chất nhầy và làm cho đờm nhiều hơn bình thường.

Thuốc long đờm có thể được sử dụng như một cách làm loãng đờm hay dịch tiết từ niêm mạc phế quản, khí quản. Thuốc còn có tác dụng giúp làm thay đổi cấu trúc, giảm độ quánh nhớt của đờm nhầy và khiến cho đờm có thể được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hoạt động khạc nhổ...

Thuốc long đờm thường chứa các loại hoạt chất như eprazinon, bromhexin, carbocistein, acetylcystein, ambroxol...

2. Các loại thuốc loãng đờm cho người lớn

  • Thuốc làm loãng dịch mũi có chứa hỗn hợp carbocystein có tác dụng tiêu đờm thường sử dụng cho người bệnh bị hô hấp mãn tính như COPD. Thuốc có tác dụng làm đờm bớt dầy và dính để người bệnh có thể thống đờm ra ngoài một cách dễ dàng. Hơn nữa, thuốc còn có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm trùng lồng ngực.
  • Thuốc chứa thành phần acetylcystein dùng để long đờm ở các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Sau khi sử dụng thuốc chứa thành phần này có thể làm loãng đờm nhầy, di chuyển đến phổi dễ dàng và có thể tống đờm ra ngoài bằng hành động ho. Hơn nữa, thuốc còn có tác dụng giải độc khi sử dụng quá liều paracetamol. Thuốc Acemuc có thành phần acetylcystein có tác dụng tiêu đờm cho người lớn khác tốt. Thuốc có tác dụng lên chất nhầy thông qua việc cắt đứt cầu nối disulfit của các glycoprotein cao phân tử. Từ đó làm giảm độ nhớt của chất này, làm loãng chất nhầy và thông thoáng đường thở.
  • Thuốc chứa bromhexin, bao gồm dạng đơn chất và cả dạng phối hợp giúp điều trị nhiễm khuẩn, loãng đờm trong bài tiết phế quản, đồng thời giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Thuốc bisolvon thuộc nhóm thuốc tiêu đờm cho người lớn khá tốt hiện nay và có chứa hợp chất bromhexin. Đây là hợp chất của dẫn xuất tổng hợp từ các hoạt chất thảo dược allicin có tác dụng làm tăng tỷ lệ tiết thanh dịch phế quản, tăng sự vận chuyển của chất nhờn bằng cách giảm độ quánh của chất nhầy và hoạt hóa biểu mô có nhung mao. Vì vậy thuốc bisolvon có tác dụng làm loãng đờm và vận chuyển chất này ở đường phế quản giúp thuận lợi cho việc khạc đờm ra ngoài cơ thể.
  • Thuốc Mucosolvan là 1 trong những thuốc làm loãng đờm hiệu quả ở người lớn. Thuốc có thành phần chính là ambroxol hydroclorid. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lý đường hô hấp có tăng tiết đờm bất thường và khó long đờm như: Viêm phế quản cấp và mãn tính hoặc các dạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm hô hấp mãn tính và bụi phổi, giãn phế quản... Về mặt tiền lâm sàng thì thuốc mucosolvan được chứng minh làm tăng bài tiết đường hô hấp nhờ tăng sản xuất chất có hoạt tính bề mặt ở phổi đồng thời kích thích hoạt động của các vi nhung mao. Từ đó giúp cải thiện lưu lượng cũng như sự vận chuyển của đờm nhầy. Sự tăng tiết dịch cùng với tác dụng thanh thải của chất nhầy bằng nhung mao tạo điều kiện ho và tống đờm ra ngoài.
  • Prospan là 1 loại thuốc tiêu đờm ở người lớn có dạng siro. Thuốc có thành phần chính từ các loại dược liệu thiên nhiên bao gồm cao lá thường xuân. Tác dụng chính của thuốc prospan giúp tiêu đờm, chống co thắt và giảm ho. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp điều trị viêm đường hô hấp cấp có kèm theo ho, hoặc điều trị triệu chứng trong bệnh lý viêm phế quản mãn tính.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm cho người lớn

Thuốc long đờm có thể khiến cho chất nhầy bảo vệ dày loãng ra và dễ gây viêm loét dạ dày cho người sử dụng. Bên cạnh đó, thuốc loãng đờm còn có thể gây khởi phát các cơn co thắt phế quản và các các tác dụng phụ như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tăng men gan và buồn ngủ...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc loãng đờm cho người lớn gồm:

  • Các loại thuốc loãng đờm có thể làm tăng tiết dịch đờm trong cổ họng trong một thời gian. Vì vậy người bệnh không nên quá lo lắng về điều này.
  • Ho là yếu tố cơ bản giúp bảo vệ phế quản và phổi, đồng thời giúp tống đờm ra ngoài. Vì vậy, nếu người bệnh giảm khả năng ho hoặc không thể ho, khạc đờm ra ngoài được thì cần báo với bác sĩ để có phương pháp hỗ trợ phù hợp.
  • Thuốc loãng đờm có thể làm cho dịch dạ dày loãng ra nên cần thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng người bệnh bị loét dạ dày tá tràng. Nôn và buồn do thuốc loãng đờm có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa trên những bệnh nhân đã mắc các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa trước đó.
  • Người bệnh cần sử dụng thuốc loãng đờm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc quá 10 ngày nếu không được chỉ định từ bác sĩ.
  • Những người mắc bệnh hen suyễn nên thận trọng khi sử dụng thuốc làm loãng đờm. Do thuốc có thể khiến cho người bệnh gặp tình trạng co thắt phế quản. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ.
  • Những người suy nhược sức khỏe không nên sử dụng thuốc làm loãng đờm khi cơ thể yếu và không thể khạc đờm ra ngoài được. Điều này có thể làm cho đờm ứ đọng trong cơ thể và gây ra tình trạng bệnh lý nặng hơn.
  • Trường hợp người bệnh muốn giảm ho mà phế quản có nhiều đờm loãng thì phải thực hiện hút đờm nhầy để hết dịch.
  • Nếu đang sử dụng thuốc giảm khả năng bài tiết dịch phế quản hoặc thuốc trị ho thì không nên sử dụng chung với thuốc loãng đờm.

Tóm lại, thuốc loãng đờm có thể mang lại tác dụng thông đường thở khi bị viêm hoặc do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu và giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe