Sốc phản vệ được xem là trường hợp nặng và đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng thuốc, vì có thể dẫn đến tử vong cho người sử dụng. Ngoài ra, do tính chất đặc biệt của sốc phản vệ là diễn ra trong một thời gian ngắn nên việc hiểu biết về các thuốc gây sốc phản vệ và danh mục thuốc chống sốc phản vệ là điều đặc biệt quan trọng.
1. Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ được các tổ chức y học định nghĩa là phản ứng dị ứng cấp tính và có tính chất nguy kịch nhất có nguy cơ gây tử vong. Đây tình trạng gia tăng sự quá mẫn xảy ra tức thì khi cơ thể tiếp xúc với một dị nguyên ở một người đã có sẵn tiền sử mẫn cảm và dẫn đến tình trạng giải phóng ồ ạt các chất trung gian hóa học gây tác động nhiều tới các cơ quan đích.
Đặc biệt, sốc phản vệ có khả năng gây dị ứng và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và tình trạng này được xem là một cấp cứu y tế do phản ứng đe dọa tính mạng của bệnh nhân trong thời gian ngắn sau khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Sốc phản vệ có thể gây tụt huyết áp nghiêm trọng và làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến suy hô hấp cấp.
Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng sốc phản vệ như:
- Thuốc: Đây là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho bệnh nhân. Bất kỳ loại thuốc nào khi đưa và cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da đều có thể làm xuất hiện tình trạng sốc phản vệ. Trong đó, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất và có tỷ lệ gây sốc phản vệ cao nhất. Một số loại thuốc thường gây ra tình trạng nguy hiểm này như thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, thuốc cản quang, thuốc gây tê, gây mê...
- Thức ăn: Một số loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật lẫn thực vật cũng có thể gây ra sốc phản vệ như: Cá thu, cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, dứa, khoai tây, đậu nành, lạc, các loại hạt và các chất phụ gia....
Thời gian diễn ra sốc phản vệ rất đa dạng. Có thể xảy ra sau vài giây khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc đôi khi muộn hơn sau một vài giờ. Nhưng một khi cơ thể đã xảy ra tình trạng sốc phản vệ thì sẽ diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1–2 phút và lập tức chuyển sang trạng thái nguy kịch. Bệnh nhân cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút để hạn chế hậu quả xấu nhất.
2. Một số thuốc gây sốc phản vệ
Một số thuốc gây sốc phản vệ thường gặp như:
- Kháng sinh: Penicillin, ampicillin, streptomycin, vancomycin, chloramphenicol, amoxycillin, cephalosporin, tetracycline, sulfamethoxazol + Trimethoprim, cefotaxime, neomycin, kanamycin, erythromycin, gentamycin, lincomycin, polymycin B.
- Thuốc kháng viêm không steroid: salicylat, colchicin, indomethacin, ibuprofen.
- Nhóm các vitamin: Vitamin C truyền đường tĩnh mạch được xem là nguyên nhân gây sốc phản vệ thường gặp ở nước ta, xếp sau là vitamin B1, vitamin B12 dạng tiêm.
- Các loại dung dịch truyền: Glucose, alvesin, nutrisol, bestamin, tryphosan.
- Thuốc tê: Procain, lidocain, novocain, thiopental.
- Thuốc cản quang có iod như visotrat.
- Các hormon như insulin, vasopressin, ACTH.
- Các loại vacxin, huyết thanh: Vaccin phòng dại, phòng uốn ván, uốn ván, huyết thanh kháng bạch cầu,.
- Các thuốc có phân tử lượng thấp: Dextran, dịch chiết phủ tạng, gamma globulin.
- Các enzym: Chymotrypsin, trypsin,.
3. Biểu hiện của tình trạng sốc phản vệ
Bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ diễn ra khá đa dạng. Mức độ nặng nhẹ còn phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các dị nguyên vào cơ thể. Một số biểu hiện sớm cần nhận biết được như bồn chồn, khó thở, hốt hoảng, phù nề thanh khí quản, nhịp tim nhanh, suy tim, trụy mạch.
Các triệu chứng của sốc phản vệ được chia theo các mức độ nhẹ, trung bình, nặng:
- Diễn biến nhẹ: Sốc phản vệ với các biểu hiện lo lắng, sợ hãi, chóng mặt, đau đầu. Ngoài ra có thể xuất hiện các biểu hiện dị ứng như mày đay, phù Quincke , mẩn ngứa, buồn nôn, hoặc nôn, ho, khó thở, tê ngón tay, đau quặn vùng bụng, người mệt mỏi, tiểu tiện không tự chủ. Nghe phổi có tình trạng giống như hen phế quản với ran rít, ran ngáy. Tụt huyết áp, nhịp tim nhanh từ 130-150 lần /phút và đôi khi có ngoại tâm thu.
- Diễn biến trung bình: Bệnh nhân có tình trạng hoảng hốt, choáng váng, mày đay khắp người, ngứa ran, khó thở, co giật, có thể hôn mê, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, da tái nhợt, niêm mạc tím tái, môi thâm, đồng tử dãn, tim đập chậm, mạch nhanh nhỏ khó bắt, không đo được huyết áp.
- Diễn biến nặng: Sốc phản vệ có thể chuyển sang giai đoạn nặng chỉ trong chốc lát. Bệnh nhân hôn mê, da tím tái, nghẹt thở, co giật, không đo được huyết áp và tử vong sau ít phút. Áp lực động mạch phổi và áp lực tĩnh mạch trung tâm đều thấp. Nghiêm trọng hơn là thiếu oxy máu, thể tích tuần hoàn giảm gây ra toan lactic và giảm co bóp cơ tim là giai đoạn nặng của sốc phản vệ. Đặc biệt tình trạng sốc giảm thể tích chính là sự giãn mạch, mất máu vào trong các khoang chứa ngoài thành mạch và giảm co bóp cơ tim. Do đó, cần ưu tiên cấp cứu sốc giảm thể tích trong sốc phản vệ.
Thăm khám bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như sung huyết vùng da, phát ban, nổi mày đay, phù nề mi mắt và vành tai, viêm mũi, viêm kết mạc dị ứng, ran ngáy khắp phổi, ran rít, tiếng tim đập nhỏ, huyết áp tụt, mạch nhanh. Bệnh nhân có thể mất ý thức hoặc hôn mê, soi đồng tử không có phản ứng với ánh sáng.
Ngoài ra, sau khi diễn ra sốc phản vệ cũng có thể xuất hiện những biến chứng muộn như viêm cơ tim dị ứng, viêm thận, viêm cầu thận và những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong. Một số trường hợp được ghi nhận rằng, sau khi điều trị sốc phản vệ sau 1-2 tuần có xuất hiện hen phế quản, mày đay tái đi tái lại, phù Quincke.
4. Chẩn đoán sốc phản vệ như thế nào?
Sốc phản vệ được chẩn đoán khi xuất hiện bất kỳ 1 trong 3 tiêu chuẩn sau đây:
Tiêu chuẩn 1
Các triệu chứng khởi phát cấp tính từ vài phút tới vài giờ với các biểu hiện ở niêm mạc, da hoặc cả hai với tình trạng mẩn ngứa, nóng bừng, phù nề môi, lưỡi, hầu họng và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
- Khó thở: Co thắt phế quản, thở khò khè, thở rít.
- Trụy mạch: Các dấu hiệu thiếu máu các cơ quan như giảm hoặc mất trương lực cơ, ngất hoặc hạ huyết áp.
Tiêu chuẩn 2
Bệnh nhân xuất hiện hai hoặc nhiều hơn các biểu hiện sau đây nhanh chóng sau khi tiếp xúc với dị nguyên:
- Da và niêm mạc với tình trạng mẩn ngứa, phù nề lưỡi, nóng bừng, môi.
- Biểu hiện hô hấp bao gồm khó thở, co thắt phế quản, thở khò khè.
- Trụy mạch: Các dấu hiệu thiếu máu các cơ quan như giảm hoặc mất trương lực cơ, ngất hoặc hạ huyết áp
- Đường tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, đau quặn bụng.
Tiêu chuẩn 3
- Tụt huyết áp nhanh từ vài phút tới vài giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên
- Ở trẻ em và trẻ nhũ nhi: Huyết áp tâm thu thấp (Theo lứa tuổi) hoặc giảm trên 30% huyết áp khi bình thường.
5.Danh mục thuốc chống sốc phản vệ theo quy định của Bộ y tế
STT | NỘI DUNG | Đơn vị | Số lượng |
1 | Phác đồ, sơ đồ xử trí cấp cứu phản vệ | Bản | 01 |
2 |
Bơm kim tiêm vô khuẩn: - Loại 10ml - Loại 5ml - Loại 1ml - Kim tiêm 14-16G |
cái cái cái cái |
02 02 02 02 |
3 | Bông tiệt trùng tẩm cồn | gói/hộp | 01 |
4 | Dây garo | Cái | 02 |
5 | Adrenalin 1mg/ 1ml | ống | 05 |
5 | Methylprednisolon 40mg | lọ | 02 |
6 | Diphenhydramin 10mg | ống | 05 |
7 | Nước cất 5ml | ống | 06 |
6. Cần làm gì để phòng ngừa sốc phản vệ?
Sốc phản vệ là tình trạng cực kỳ nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, cần thực hiện một số biện pháp dưới đây để phòng ngừa tình trạng này:
- Hỏi bệnh nhân kỹ càng về tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi kê đơn thuốc bao gồm cả tiền sử dị ứng về thuốc lẫn ăn uống để tránh sốc phản vệ do thuốc.
- Thực hiện đúng quy trình test trước khi sử dụng một số loại thuốc theo đúng quy định của Bộ y tế.
- Thường xuyên kiểm tra hộp thuốc cấp cứu chống sốc phản vệ để đảm bảo hộp luôn có đủ số lượng, còn hạn dùng và luôn để ở xe tiêm truyền khi chăm sóc hoặc tiêm thuốc cho bệnh nhân.
- Tập huấn trau dồi kỹ năng xử trí sốc phản vệ thường xuyên cho nhân viên y tế.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các thuốc gây sốc phản vệ. Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào hãy liên hệ với bác sĩ Vinmec để được tư vấn, hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.