Các thói quen nên làm trước khi đi ngủ với người bị tiểu đường

Nếu mắc bệnh tiểu đường, bạn phải duy trì thói quen kiểm tra đường huyết, uống thuốc, tập thể dục và ăn uống cả ngày để kiểm soát bệnh. Trên thực tế, cho đến trước khi đi ngủ, bạn nên lưu ý đến bệnh tiểu đường của mình. Dưới đây là một số việc cần làm trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn bệnh tiểu đường và ngủ ngon hơn.

1. Kiểm tra lượng đường trong máu

Kiểm tra lượng đường trong máu định kỳ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Bạn và bác sĩ sẽ biết liệu thuốc và các phương pháp điều trị khác có kiểm soát được lượng đường trong máu của bạn qua đêm hay không khi thực hiện kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ. Mục tiêu mức đường huyết lý tưởng phải nằm trong khoảng 90 đến 150 miligam mỗi decilit (mg / dL) trước khi bạn đi ngủ.

2. Ăn một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ

Khi bạn sống chung với bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, bạn có thể được bác sĩ nhắc tới thuật ngữ “hiện tượng bình minh” hoặc “hiệu ứng bình minh”. Vào sáng sớm - thường trong khoảng từ 2 giờ đến 8 giờ sáng, lượng đường trong máu của bạn có thể tăng đột biến. Sự gia tăng lượng đường trong máu này có thể là kết quả của các yếu tố như: Sự giải phóng hormone vào sáng sớm làm tăng đề kháng insulin, không đủ insulin hoặc dùng thuốc vào đêm hôm trước, ăn vặt nhiều carbohydrate trước khi đi ngủ hoặc gan của bạn phải giải phóng một lượng glucose qua đêm.

Để khắc phục hiện tượng này, hãy ăn một bữa ăn nhẹ giàu chất xơ, ít chất béo trước khi đi ngủ. Bánh quy làm từ lúa mì nguyên cám với pho mát hoặc táo với bơ đậu phộng là hai lựa chọn tốt dành cho bạn. Những thực phẩm này sẽ giữ cho lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định và ngăn gan giải phóng quá nhiều glucose. Bạn chỉ cần tiêu thụ khẩu phần nhỏ để không vượt quá lượng calo hoặc carbohydrate được khuyến nghị trong ngày. Việc tiêu thụ quá nhiều trước khi ngủ có thể góp phần làm tăng cân, phản tác dụng khi bạn mắc bệnh tiểu đường.

Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của mỗi người heo những cách khác nhau. Theo dõi lượng đường trong máu của bạn vào buổi sáng để giúp xác định mức lượng và loại đồ ăn nhẹ tốt nhất cho bạn.


Người bệnh tiểu đường làm gì trước ngủ: Nên ăn một bữa ăn nhẹ.
Người bệnh tiểu đường làm gì trước ngủ: Nên ăn một bữa ăn nhẹ.

3. Tránh xa các chất kích thích

Tránh caffeine, cà phê, sô cô la và soda trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Những thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine này kích thích não và có thể làm bạn tỉnh táo hơn. Ngoài ra, hãy hạn chế uống rượu, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy nó làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn.

4. Đi dạo

Insulin hoạt động hiệu quả hơn khi bạn luyện tập thể dục. Đi bộ ngay sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu cho đến sáng hôm sau. Theo National Sleep Foundation, tốc độ đi vào giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu bạn tập thể dục quá gần giờ đi ngủ. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả mọi người, một số người lại cảm thấy ngủ ngon hơn khi tập luyện trước khi đi ngủ. Hãy tìm hiểu cơ thể của mình và xác định xem đâu là phương án phù hợp nhất.

5. Chuẩn bị phòng ngủ

Phòng ngủ của bạn cần yên tĩnh, mát mẻ, tối và thoải mái nhằm tối ưu hóa khả năng đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ ngon suốt đêm. Bạn nên đặt nhiệt độ trong phòng ngủ từ 15 đến 19 độ C - nhiệt độ tối ưu cho giấc ngủ.

Giảm ánh sáng, đóng rèm và cửa sổ để ánh sáng mặt trời không đánh thức bạn vào buổi sáng. Nếu ánh sáng làm phiền đến giấc ngủ của bạn, hãy cân nhắc việc lắp rèm che tối hoặc rèm cản sáng trong phòng.

Nên để điện thoại của bạn sang phòng khác hoặc đặt nó trong ngăn kéo để các tin nhắn và cuộc gọi đến không đánh thức hay làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Để chặn mọi âm thanh không mong muốn, nếu bạn nhạy cảm với tiếng ồn, hãy mua quạt hoặc máy tạo tiếng ồn trắng hoặc sử dụng nút tai nếu bạn nhạy cảm với tiếng ồn. Tất cả những điều này có thể giúp bạn có được một giấc ngủ tốt hơn.


Chuẩn bị không gian phòng ngủ là một trong những điều người bị tiểu đường nên chuẩn bị trước khi ngủ.
Chuẩn bị không gian phòng ngủ là một trong những điều người bị tiểu đường nên chuẩn bị trước khi ngủ.

6. Tập thói quen trước khi đi ngủ

Khoảng 40 đến 50% những người mắc bệnh tiểu đường gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc trằn trọc suốt đêm. Đau dây thần kinh, thường xuyên khát nước, đi tiểu và đói đều có thể khiến bạn khó có được một giấc ngủ trọn vẹn. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để kiểm soát những vấn đề này nhưng một cách để tối đa hóa số giờ ngủ của bạn là tạo thói quen đi ngủ.

Ngay trước khi đi ngủ, hãy làm điều gì đó để thư giãn cơ thể và tĩnh tâm để chuẩn bị cho giấc ngủ, chẳng hạn như: Tập yoga nhẹ nhàng, tắm nước ấm hoặc đọc sách; để đèn ngủ ở cường độ vừa phải; tắt tất cả máy tính, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác vì chúng phát ra một loại ánh sáng xanh có thể kích thích não của bạn. Nếu bạn không thể chìm vào giấc ngủ ngay lập tức, hãy rời khỏi phòng và đọc sách hoặc làm một hoạt động nhẹ nhàng nào đó khác trong 15 phút, sau đó, trở lại giường và thử lại.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe