Vi phẫu kẹp túi phình động mạch não là một phẫu thuật được thực hiện để điều trị chứng phình động mạch. Khi túi phình động mạch não hình thành, nó có thể trở nên mỏng đến mức rất dễ vỡ, gây chảy máu tràn vào nhu mô não. Tuy nhiên, mặc dù vi phẫu kẹp túi phình động mạch não làm hạn chế xảy ra biến cố này, chúng vẫn không thể hoàn toàn tránh khỏi một số tai biến nhất định.
1. Vi phẫu kẹp túi phình động mạch não là gì?
Kẹp túi phình động mạch não là phẫu thuật dùng clip cắt đứt lưu lượng máu đến túi phình động mạch não. Điều này nhằm giúp ngăn ngừa túi phình bị vỡ và sẽ làm xuất huyết não.
Để thực hiện, người bệnh sẽ được các bác sĩ ngoại thần kinh cưa mở nắp sọ, dẫn dắt theo đường mạch máu để tìm đến túi phình. Tại đây, các clip bằng kim loại có tính trơ cao như bằng titan sẽ được đặt ngay cổ túi và tồn tại vĩnh viễn.
Đối với bệnh cảnh túi phình chưa vỡ, việc chủ động kẹp túi sẽ giúp dự phòng cho nguy cơ này. Ngược lại, đối với bệnh cảnh túi phình đã vỡ, người bệnh vẫn có chỉ định phẫu thuật kẹp clip nhằm giảm thiểu khả năng vỡ túi phình tái phát. Tuy nhiên, dù là với chỉ định trong bệnh cảnh nào, tương tự như các can thiệp ngoại khoa khác, song song với những lợi ích đem lại, vi phẫu kẹp túi phình động mạch não vẫn có thể xảy ra một số tai biến nhất định.
2. Các thủ tục cần chuẩn bị như thế nào trước khi thực hiện vi phẫu kẹp túi phình động mạch não?
Nhằm giúp cuộc mổ diễn ra thuận lợi và giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra, người bệnh cần được chuẩn bị tiền phẫu kỹ lưỡng với các yêu cầu sau:
- Khám sức khỏe tổng quát
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm hình ảnh học: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp động mạch não
- Khai báo về các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn và thảo dược bổ sung
- Khai báo về các bệnh cấp tính gần đây hoặc các bệnh lý mạn tính, tiền căn từng phẫu thuật, dị ứng thuốc..
- Thảo luận về rủi ro và lợi ích của quyết định điều trị, ký giấy đồng thuận
3. Quy trình vi phẫu kẹp túi phình động mạch não được thực hiện như thế nào?
Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật mở nắp sọ bằng cách loại bỏ một phần nhỏ của hộp sọ để có thể tiếp cận vào nhu mô não. Chụp cộng hưởng từ ngay trên bàn phẫu thuật cùng với việc quan sát bằng kính hiển vi có thể giúp bác sĩ xác định vị trí các túi phình động mạch não.
Tại đây, các túi phình sẽ được bóc tách ra khỏi các mô liên kết xung quanh, nhất là vùng cổ nhằm đạt clip tại đây. Các clip kẹp có bản chất là kim loại có tính trơ cao như bằng titan để kẹp toàn bộ túi phình, tách chúng ra khỏi dòng tuần hoàn não.
Sau khi kiểm tra lại vị trí của clip là chuẩn xác, bác sĩ sẽ đóng nắp sọ lại và các clip sẽ tồn tại giữ nguyên vị trí vĩnh viễn, ngăn chặn khả năng vỡ túi phình và xảy ra xuất huyết não trong tương lai.
Để kết thúc cuộc mổ, bác sĩ sẽ khâu lại da đầu và dán băng vết thương. Toàn bộ quy trình này mất khoảng 3 đến 5 giờ đồng hồ. Người bệnh cần theo dõi nội trú trong khoảng từ 4 đến 6 ngày trước khi được xuất việc cùng lời hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ tại nhà và hẹn tái khám định kỳ.
4. Các tai biến hay gặp nhất trong nội soi vi phẫu kẹp túi phình động mạch não là gì?
Ngay sau khi cuộc mổ kết thúc, người bệnh sẽ được rút ống thở, chuyển sang khoa hồi sức thần kinh để được tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn.
Tiếp theo đó, trong thời gian theo dõi nội trú cũng như khi ra viện, người bệnh luôn cần được theo dõi tình trạng của vết mổ, sự hồi phục chức năng thần kinh cũng như nhằm phát hiện sớm các tai biến hay gặp nhất trong nội soi vi phẫu kẹp túi phình động mạch não:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng vết thương bề mặt da hoặc nhiễm trùng sâu hơn bao gồm viêm màng não, viêm não hay viêm não - tủy.
- Xuất huyết: Chảy máu có thể nông hoặc sâu khi tiếp cận túi phình, gây ra tụ máu nội sọ và các triệu chứng giống như đột quỵ như yếu, tê một bên cơ thể và rối loạn ngôn ngữ.
- Động kinh: Người bệnh xuất hiện các cơn co giật, mất ý thức và có thể cần dùng thuốc tiêm truyền hay thuốc uống để kiểm soát lâu dài.
- Di chứng não: Các tổn thương thần kinh vĩnh viễn ở dạng yếu, tê, liệt như các triệu chứng của đột quỵ.
- Suy giảm nhận thức: Biểu hiện đa dạng, có thể chỉ là những thay đổi tinh tế trong tính cách, trí nhớ và xử lý suy nghĩ... cho đến tình trạng ngủ gà, lừ đừ, lú lẫn và hôn mê.
- Não úng thủy hay tràn dịch não: sự lưu thông dịch não tủy bị ứ trệ, có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn và đòi hỏi cần có lần phẫu thuật sửa chữa lần thứ hai.
- Rò rỉ dịch não tủy qua đường mổ
- Giảm hay mất khứu giác do tình trạng rò rỉ dịch não tủy qua xoang mũi
- Giảm hay mất thị lực hoặc nhìn đôi.
- Mất máu cấp và cần phải truyền máu trong hoặc sau khi phẫu thuật
- Các biến chứng liên quan đến gây mê, thở máy
- Hôn mê và tử vong
Do phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não là một can thiệp kinh điển trong điều trị bệnh lý này, các tai biến liệt kê như trên xảy ra với tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh có chỉ định, những nguy cơ này không thể trở thành rào cản để tiến hành can thiệp sớm cho bệnh nhân. Mặc dù vậy, đây cũng là những điều cần được theo dõi trong những ngày hậu phẫu, phát hiện sớm và chỉnh sửa kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng cuộc mổ.
Tóm lại, nguy cơ xảy ra đột quỵ xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch não sẽ được cải thiện với vi phẫu kẹp túi phình động mạch não. Mặc dù vậy, tương tự các can thiệp ngoại khoa khác, kỹ thuật này cũng ẩn chứa các tai biến không mong muốn. Vậy nên, việc hiểu biết kỹ lưỡng những lợi ích và nguy cơ của can thiệp được trình bày trên đây là điều cần thiết để củng cố cho quyết định điều trị bệnh lý này.
Nguồn tham khảo: uvahealth.com, svphm.org.au, sciencedirect.com
XEM THÊM