Túi phình mạch máu não là bệnh lý mạch máu nằm trong não có nguy cơ vỡ, gây xuất huyết nội sọ và có thể gây tử vong nếu túi phình vỡ đột ngột. Phẫu thuật phình mạch não là thủ thuật được sử dụng để điều trị bệnh lý này. Sau phẫu thuật phình mạch não có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm.
1. Túi phình mạch não là gì?
Túi phình mạch máu não là bệnh lý mạch máu phình to bên trong não. Bệnh khiến cho mạch não có thể bị rò rỉ hoặc vỡ gây xuất huyết não. Bệnh phình mạch máu não có thể đe dọa tính mạng khi động mạch não bị vỡ, có thể dẫn đến đột quỵ, tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, không phải tất cả mạch phình sẽ bị vỡ.
Nguyên nhân dẫn đến túi phình mạch máu não là do thành động mạch mỏng và nó thường xảy ra ở ngã ba hay chỗ chia của động mạch vì những phần mạch máu này yếu hơn.
Khi người bệnh bị túi phình mạch máu não, nếu tập thể dục quá sức; dùng chất kích thích; giận dữ hay ngạc nhiên thì có thể làm túi phình bị vỡ. Các triệu chứng thường gặp của bệnh túi phình mạch máu não bao gồm:
- Khi túi phình bị vỡ: Người bệnh đột ngột đau đầu dữ dội; buồn nôn và nôn; cổ cứng; hoa mắt chóng mặt; co giật; mất ý thức; sụp mí,...
- Túi phình bị rò: Đột ngột đau đầu dữ dội. Tình trạng vỡ túi phình sẽ nặng hơn sau khi bị rò.
- Túi phình chưa vỡ: Trong một số trường hợp có thể không biểu hiện triệu chứng. Một số trường hợp khác có thể gây ra đau ở trên và phía sau mắt; giãn đồng tử; mờ mắt; tê, yếu hoặc liệt một bên mặt; sụp mí.
2. Phẫu thuật túi phình mạch não
2.1. Khi nào cần phẫu thuật túi phình mạch não?
Túi phình động mạch não có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tổn thương não nếu nó không được điều trị. Mổ phình mạch não là một thủ thuật được sử dụng để điều trị mạch máu phồng lên trong não có nguy cơ bị vỡ hoặc rách. Tuy nhiên, không phải tất cả các chứng phình động mạch não cần được phẫu thuật ngay lập tức. Khả năng phình động mạch não phụ thuộc vào tuổi tác, tiền sử bệnh, kích thước và vị trí chỗ phình động mạch.
Còn các phình động mạch nhỏ và các phình động mạch ở các động mạch nằm phía trước não ít có khả năng bị vỡ. Những phình động mạch nhỏ hơn 7mm ít có khả năng bị vỡ thì có thể theo dõi để đảm bảo động mạch bị phình không lớn hơn.
2.2. Các bước phẫu thuật túi phình mạch não
- Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ chuyên dụng để mổ phình mạch não.
- Bước 2: Khám tổng quát bệnh nhân.
- Bước 3: Kẹp: Người làm thủ thuật rạch một vết trên da đầu để tạo một lỗ nhỏ trong hộp sọ; đặt một kẹp kim loại nhỏ ở đáy phình động mạch để ngăn chặn nó vỡ ra, sau đó đóng hộp sọ và khâu da đầu lại. Trường hợp mổ trong lòng mạch, người làm thủ thuật chèn một dây nhỏ vào động mạch ở háng, điều khiển sợi dây nhỏ qua vết rạch đó đi theo động mạch đến chỗ túi phình mạch não. Một ống thông sẽ đi theo dây và luồn các dây kim loại mỏng vào trong chỗ phình để ngăn chặn phình động mạch bị vỡ.
3. Biến chứng sau phẫu thuật túi phình não và cách xử trí
Tất cả các ca phẫu thuật đều có thể gặp biến chứng từ nhẹ đến nặng. Đối với sau phẫu thuật túi phình não, tai biến hay gặp nhất bao gồm: Vỡ túi phình, dập não, chảy máu, kẹp vào mạch máu, chảy máu tái phát, nhiễm trùng hay phù não sau phẫu thuật.
Xử trí:
- Vỡ túi phình: Chuẩn bị chu đáo phương pháp cầm máu như kẹp tạm thời, ấn động mạch cảnh trong, kẹp động mạch cảnh trong hay xung quanh túi phình
- Dập não: Tránh tì đè trực tiếp lên vỏ não. Sử dụng bông, mảnh cao su bảo vệ não tránh tổn thương.
- Máu tụ trong sọ: Máu tụ trong sọ bao gồm máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, trong não. Chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính. Phẫu thuật lấy khối máu tụ, cầm máu nếu khối máu tụ lớn, chèn ép gây tăng áp lực trong sọ và tri giác xấu dần.
- Rò nước não tủy: Rò nước não tủy là biến chứng đáng sợ vì khi rò nước não tủy gây nguy cơ nhiễm trùng, viêm màng não cao. Xử trí rò nước não tủy bằng phương pháp bảo tồn chọc tháo liên tục nước não tủy ở lưng-thắt lưng, thuốc Diamox. Nếu không kết quả phải mổ vá rò.
- Viêm màng não: Viêm màng não thường xuất hiện sau rò nước não tủy. Phân lập vi khuẩn xác định kháng sinh đồ để điều trị viêm màng não là phương pháp hiệu quả nhất.
- Nhiễm trùng vết thương, viêm xương: phẫu thuật cắt lọc tổ chức viêm, xương viêm, điều trị kháng sinh (phân lập vi khuẩn từ ổ nhiễm trùng, kháng sinh đồ).
Một số vấn đề về thần kinh như ảnh hưởng đến trí nhớ, phối hợp hoặc các chức năng khác có thể xuất hiện sau phẫu thuật. Chúng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong hầu hết các trường hợp, nguy cơ khi không phẫu thuật sẽ lớn hơn nhiều so với những rủi ro liên quan đến phẫu thuật.
4. Thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến bệnh
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Bỏ hút thuốc và các chất kích thích.
- Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít chất béo;
- Tập luyện thể dục thường xuyên nhưng không quá sức;
- Theo dõi huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
XEM THÊM