Túi phình mạch não là một trong những vấn đề sức khỏe có diễn biến âm thầm là “trái bom nổ chậm” cho bất kỳ ai. Trung bình, bệnh lý này xảy ra ở khoảng 2% - 8% dân số trên toàn thế giới. Việc biết rõ các vị trí thường gặp của túi phình mạch máu não sẽ hỗ trợ cho việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
1. Thế nào là túi phình mạch não?
Phình mạch não là một bệnh lý thần kinh mà trong đó các mạch máu não phình to lên tương tự như một “quả mọng”. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ máu não bị rò rỉ hoặc vỡ mạch máu gây xuất huyết não.
Các túi phình mạch não thường xuất hiện đồng thời ở nhiều mạch máu não và ít khi xuất hiện đơn mạch. Các túi phình này có khả năng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là khi chúng nằm ở động mạch não.
Theo Quỹ hỗ trợ bệnh nhân bị phình mạch máu não, không phải mọi túi phình đều sẽ gây vỡ mạch máu. Tuy nhiên, khi động mạch não vỡ, bệnh nhân sẽ dễ dàng bị đột quỵ và có khả năng cao để lại các tổn thương nghiêm trọng ở não, thậm chí là tử vong.
2. Một số vị trí thường gặp của túi phình mạch máu não
Loại túi phình mạch não phổ biến nhất là phình động mạch máu não, xảy ra ở 90% số ca bị phình mạch máu não. Phình động mạch máu não thường có hình dạng tương tự như “quả mọng” với thân hẹp. Thông thường, một bệnh nhân có thể có nhiều hơn một túi phình mạch não.
Phình động mạch não thường xảy ra ở trước não, vị trí mạch máu chia nhánh. Đây cũng là nhóm động mạch cung cấp máu giàu oxy cho mô não. Tuy nhiên, trên thực tế, bất kì vùng động mạch nào trong não đều có thể phát triển phình mạch não.
Nguyên nhân hình thành các túi phình mạch này có liên quan đến động lực máu đã gây ra áp lực đối với các nhánh mạch não khu vực rẽ nhánh, vì vậy khu vực này gần như không đủ khả năng chống chịu. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như cấu trúc thành mạch, do nhiễm trùng, chấn thương, phóng xạ, u... cũng gây ra phình động mạch não.
Ngoài phình động mạch não, hai loại khác của phình mạch não là phình mạch hình thoi và phình mạch bóc tách.
Phình mạch bóc tách là khái niệm dùng để chỉ phần máu tụ trong thành mạch, thường có liên quan đến chấn thương hoặc tăng huyết áp. Còn phình mạch hình thoi là các đoạn mạch bị giãn. Các đoạn mạch này thường rất dài và có độ gấp khúc cao. Phình mạch não hình thoi được xem là hậu quả của các tổn thương từ xơ vữa nghiêm trọng, có vị trí thường gặp ở mạch thân nền.
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra túi phình mạch não
Về nguyên nhân, các túi phình mạch máu não có thể hình thành do động mạch mỏng hay các vị trí phân nhánh yếu hơn so với các vị trí khác. Một số yếu tố sau làm tăng nguy cơ hình thành túi phình mạch trong não:
- Tiền sử gia đình hoặc tiền sử bệnh của cá nhân;
- Giới tính: nữ thường có nhiều khả năng mắc phải bệnh hơn so với nam;
- Huyết áp cao;
- Thuốc lá;
- Do chấn thương hoặc do di truyền...
Cùng với đó, sự nguy hiểm của các túi phình mạch não nằm ở việc khi mạch máu bị vỡ sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Một số nguyên nhân sau có khả năng thúc đẩy sự vỡ túi phình:
- Tập thể dục quá độ;
- Hội chứng co thắt ruột;
- Cảm xúc thái quá như đau buồn, giận dữ, ngạc nhiên...;
- Quan hệ tình dục;
4. Những triệu chứng phổ biến của bệnh phình mạch não
Sau khi tìm hiểu các vị trí thường gặp của túi phình mạch máu não, có thể thấy các túi phình ở động mạch não có tỷ lệ lớn và cũng là trường hợp nguy hiểm nhất. Tùy theo từng giai đoạn bệnh và dựa trên trạng thái của các túi phình mạch máu não, các triệu chứng của bệnh phình mạch não có thể khác nhau.
4.1 Trường hợp túi phình mạch não bị vỡ
Bệnh nhân sẽ cảm thấy cơn đau đầu đột ngột, mãnh liệt và dữ dội. Bên cạnh đó, túi phình động mạch não vỡ có thể gây ra các dấu hiệu rõ nét hơn bao gồm:
- Cứng cổ, không thể xoay;
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Hiện tượng rối loạn thị giác, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, có sự nhạy cảm đặc biệt với ánh sáng;
- Mất ý thức, co giật.
4.2 Trường hợp túi phình mạch não chỉ bị rò rỉ
Một số trường hợp, máu trong động mạch tại vị trí phình có thể rò rỉ một lượng nhỏ ra ngoài. Khi đó, bệnh nhân có thể bị các đợt đau đầu đột ngột dữ dội. Tuy nhiên không xảy ra nhiều triệu chứng như trường hợp túi phình bị vỡ.
4.3 Trường hợp túi phình mạch máu não chưa bị vỡ
Trong trường hợp không vỡ, hầu như các túi phình này sẽ không gây ra các biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, đối với một số túi phình có kích thước lớn sẽ chèn ép lên mô não và dây thần kinh, từ đó gây ra:
- Giãn đồng tử;
- Đau nhức phía trên và sau mắt;
- Thị lực rối loạn, dễ nhìn đôi;
- Một bên mặt bị tê yếu hoặc thậm chí là liệt.
Như vậy, việc biết rõ về túi phình mạch não và các vị trí thường gặp của túi phình mạch máu não sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn khi điều trị. Ngoài ra, bạn cần phải thăm khám thường xuyên theo dõi tình trạng của túi phình để có các chỉ định phù hợp từ bác sĩ.
Bạn nên xây dựng một lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và tránh để stress. Đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để có những điều chỉnh thích hợp.
Nguồn tham khảo: columbianeurology.org