Uống thuốc lợi tiểu là cách thức lấy bớt nước và muối dư thừa ra khỏi cơ thể, tuy nhiên nếu dùng quá mức có thể gây giảm thể tích dịch cơ thể dẫn đến tụt huyết áp gây ra nhiều tác dụng phụ trong đó có các triệu chứng toàn thân như chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê.
1. Uống thuốc lợi tiểu có hại không?
Cơ chế của thuốc lợi tiểu tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Đồng thời, thuốc lợi tiểu giúp thành động mạch co giãn nhiều hơn và máu lưu thông một cách dễ dàng hơn. Nhờ hai yếu tố trên, áp lực lên động mạch sẽ giảm xuống đáng kể, đưa mức huyết áp trở về ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, khi bạn uống thuốc lợi tiểu quá mức có thể gây giảm thể tích dịch cơ thể dẫn đến tụt huyết áp làm chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê. Hơn nữa, do làm tăng bài tiết nước trong cơ thể nên uống thuốc lợi tiểu có thể gây mất cân bằng hóa học trong máu, như làm tăng thải trừ những chất điện giải, giảm canxi, magie và đặc biệt là gây giảm kali huyết.
Ngoài ra, thuốc lợi tiểu có thể làm tăng acid uric trong máu, làm tăng nguy cơ bị bệnh gút (bệnh thống phong).
2. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu
2.1 Rối loạn nước, điện giải
Hạ natri, tăng hoặc giảm kali quá mức, hạ canxi và magie máu. Các chất này có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, nhất là cho hệ thần kinh - cơ. Khi bị rối loạn nặng có thể dẫn đến tình trạng yếu cơ, tê, co quắp chân tay, rối loạn nhịp tim, hôn mê, co giật hoặc gây tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Khi gặp tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu này, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chuột rút, trướng bụng. Khi K+ máu giảm dễ gây nguy cơ nhiễm độc digoxin.
2.2 Tăng đường máu
Đối với người bệnh đái tháo đường, do tác hại của thuốc lợi tiểu gây tăng đường trong máu, nên có thể làm nặng thêm tình trạng tiểu đường.
Với người bình thường hoặc có mức đường huyết chạm ngưỡng tiền đái tháo đường mà chưa được phát hiện, nếu uống thuốc lợi tiểu quá mức có thể làm tăng nguy cơ bị tiểu đường dẫn đến rối loạn các chất điện giải trầm trọng, làm đường huyết tăng lên rất cao, dễ dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
2.3 Tăng acid uric máu
Với tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu, khi bạn sử dụng thuốc có nguy cơ làm khởi phát cơn gout cấp ở những người có tiền sử bị gout hoặc nếu bạn đang bị bệnh sẽ làm tình trạng bệnh gout nặng thêm.
2.4 Gây ù tai, điếc không hồi phục
Khi dùng nhóm thuốc lợi tiểu quai furosemid liều cao kéo dài đặc biệt là ở người già, người đang có tình trạng mất nước, bị suy thận hoặc khi phối hợp với nhóm thuốc kháng sinh aminoglycosid (streptomycin, gentamycin, kanamycin...) có thể gây tổn thương dây thần kinh số VIII gây điếc không hồi phục.
2.5 Rối loạn các xét nghiệm chức năng gan
Tác hại của thuốc lợi tiểu là có thể gây rối loạn các xét nghiệm chức năng gan và xuất hiện vàng da.
3. Cách dự phòng tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu
- Lựa chọn thuốc lợi tiểu tùy theo vào sự chỉ định điều trị, vào nồng độ thải natri mong muốn, vào thời gian tác dụng của thuốc, vào tác dụng phụ đặc hiệu của mỗi loại thuốc và vào chức năng thận của người bệnh, chỉ sử dụng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Trong điều trị bệnh tăng huyết áp, bác sĩ thường chọn thuốc lợi tiểu nhóm thiazid có tác dụng thải natri vừa phải và kéo dài.
- Khi điều trị phù, sự lựa chọn thuốc sẽ tùy thuộc vào mức độ cần thải muối.
- Khi cần tác dụng nhanh, đặc biệt trong phù phổi thường dùng thuốc có tác động ở quai Henle uống và cả tiêm tĩnh mạch.
- Trong suy thận, người ta chỉ có thể dùng thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henle chứ không dùng các nhóm thuốc khác.
- Khi đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu không nên tự ý dùng đồng thời các thuốc khác mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Hoặc phải thông báo cho bác sĩ rõ các thuốc đang dùng khi được chỉ định thuốc lợi tiểu để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp.
- Khi sử dụng thuốc lợi tiểu, người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để bổ sung kali.
- Khi dùng thuốc thuốc lợi tiểu mà thấy có triệu chứng chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh thì phải đi khám ngay, vì có thể đó là dấu hiệu mất kali do dùng thuốc lợi tiểu. Trong khi đó, kali lại đóng vai trò rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.