Sử dụng thuốc trong điều trị tăng huyết áp là phương pháp phổ biến thường được các bác sĩ chỉ định nhằm kiểm soát huyết áp của bệnh nhân ở mức ổn định. Vậy việc uống thuốc huyết áp có tác dụng phụ không và cần làm gì để hạn chế những vấn đề này?
1. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp
- Nhóm thuốc ức chế men chuyển và nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin
2 nhóm thuốc này có tác dụng phụ tương đối giống nhau và phổ biến nhất là dẫn đến tình trạng ho khan dai dẳng. Tuy nhiên, sử dụng thuốc điều trị ho thông thường không giúp cải thiện tình trạng này. Do đó, chỉ có thể chấm dứt ho bằng cách đổi thuốc hạ áp khác hoặc giảm liều.
Một số tác dụng phụ ít gặp hơn như khô miệng, đau mỏi cơ, buồn nôn và nôn, tăng kali máu, phát ban. Đặc biệt, khi phụ nữ mang thai sử dụng nhóm thuốc này có thể dẫn đến dị tật thai nhi.
Ngoài ra, cả 2 nhóm thuốc này còn có thể gây ra phù mạch với tỷ lệ hiếm gặp sau vài phút hoặc vài giờ dùng thuốc. Bệnh nhân có thể có triệu chứng sưng môi, lưỡi, họng dẫn đến tức ngực khó thở. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm thuốc ức chế thụ thể ít có khả năng gây tác dụng phụ hơn ức chế men chuyển.
- Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm
Bệnh nhân hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) không kiểm soát tốt thường không thích hợp để sử dụng thuốc chẹn beta. Nguyên nhân vì các thuốc này có thể làm nặng thêm triệu chứng của các bệnh liên quan tới mạch máu ngoại vi.
Ngoài ra, nhóm thuốc chẹn beta có thể gây mệt mỏi, nhịp tim chậm, rối loạn giấc ngủ, tay chân lạnh, phát ban, suy giảm khả năng tình dục.
- Nhóm thuốc chẹn kênh canxi
Các thuốc này có thể gây tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ợ nóng, táo bón, phù chân và nóng phừng mặt.
- Nhóm thuốc lợi tiểu
Các thuốc lợi tiểu làm thúc đẩy quá trình đào thải muối và nước qua bằng con đường nước tiểu để giúp hạ huyết áp. Do đó, sau khi sử dụng thì bệnh nhân có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường. Đồng thời, việc đào thải muối nước có thể làm giảm đi lượng điện giải và dịch trong cơ thể nên bệnh nhân có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, chuột rút, đau mỏi cơ, rối loạn nhịp tim sau khi sử dụng thuốc.
2. Cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ của thuốc huyết áp?
Hầu hết các thuốc điều trị tăng huyết áp đều có gây ra tác dụng phụ với các mức độ khác nhau. Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân sẽ dần thích ứng và từ từ giảm đi các triệu chứng sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, bệnh nhân nên sử dụng các biện pháp dưới đây để hạn chế phần nào tác dụng phụ của thuốc:
- Nên sử dụng các thuốc lợi tiểu vào buổi sáng để tránh tình trạng đi tiểu đêm nhiều lần gây ảnh hưởng tới giấc ngủ. Nếu sử dụng 2 liều mỗi ngày thì liều thứ 2 nên uống trước 4 giờ chiều.
- Không sử dụng các thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin đối với phụ nữ đang có dự định mang thai hoặc đang mang thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khi sử dụng hai nhóm này cần sử dụng các phương pháp tránh thai hiệu quả để tránh mang thai và dẫn đến dị tật thai nhi.
- Các thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây ra hạ huyết áp tư thế. Do đó, bệnh nhân nên đứng hoặc ngồi dậy từ từ thay vì thay đổi tư thế quá nhanh.
- Bệnh nhân cần đảm bảo uống thuốc đúng giờ, đúng liều hằng ngày và tránh uống quá liều.
3. Một số phương pháp kiểm soát huyết áp khác
Để đảm bảo huyết áp luôn nằm trong mức ổn định, bệnh nhân cần kết hợp hiệu quả giữa việc điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Việc xây dựng một lối sống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng với một số phương pháp sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch.
- Hạn chế ăn quá nhiều muối và các thực phẩm có vị mặn.
- Không sử dụng quá mức rượu bia và thuốc lá.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn với các bài tập phù hợp với khả năng.
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà.
- Tránh trạng thái căng thẳng hoặc stress quá mức
- Kiểm soát huyết áp trong giai đoạn mang thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.