Gãy xương sống: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gãy xương sống là một chấn thương nghiêm trọng, gãy xương sống có thể gây tổn thương tủy sống làm mất khả năng vận động của bệnh nhân. Gãy cột sống có nhiều dạng khác nhau, những hiểu biết về gãy cột sống sẽ giúp bạn có cách xử trí đúng đắn khi gặp các trường hợp bệnh.

1. Gãy xương sống là gì?

Cột sống được cấu tạo từ các đốt sống xếp chồng lên nhau và có thể bị gãy như các xương khác như cơ thể. Do có vai trò quan trọng nên khi gãy xương sống có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng vì có thể gây tổn thương tủy sống.

Gãy xương sống (còn gọi là gãy cột sống) thường do các chấn thương như tai nạn xe cộ, tai nạn khi chơi thể thao, ngã từ trên cao xuống, vác nặng bị ngã gây ra. Có hai cơ chế gây chấn thương là cơ chế trực tiếp và gián tiếp. Ở cơ chế trực tiếp, cột sống bị gãy do vật cứng đập trực tiếp vào, hoặc bị té ngửa làm ưỡn quá mức, gập quá mức làm gãy cột sống. Ở cơ chế gián tiếp, cột sống gãy do bị ép theo trục dọc từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Ví dụ như vật rơi từ trên cao đè xuống bả vai gây gãy cột sống.

Gãy xương sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống. Tuy nhiên, đoạn cổ - thắt lưng và đoạn lưng- thắt lưng là những điểm thường bị gãy nhất do đây là những điểm yếu nơi tiếp giáp giữa những đốt sống di động và ít di động. Thông thường hay gặp tổn thương ở một đốt sống nhưng cũng có trường hợp tổn thương 2-3 đốt sống liền hoặc không liền nhau.

Gãy xương sống gồm nhiều loại như: Gãy xẹp đốt sống, gãy làm nhiều mảnh, gãy và trật khớp thường gây thương tổn ở tủy sống.


Gãy xương sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống
Gãy xương sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống

2. Triệu chứng của gãy cột sống

Về điều trị, gãy xương sống được chia làm hai loại lớn là gãy xương sống không liệt tủy, không có biến chứng thần kinh và gãy xương sống có liệt tủy có triệu chứng thần kinh.

Gãy xương sống không liệt tủy, không có biến chứng thần kinh gồm các trường hợp như gãy xẹp đốt sống, gãy đốt sống trật khớp,... trong đó, các đĩa đệm của đốt sống bị tổn thương, các dây chằng của đốt sống bị giãn hoặc đứt. Bệnh nhân có triệu chứng +6đau khu trú rõ ở một hoặc hai gai cột sống. Các hoạt động thường ngày bị hạn chế do đau và co cứng nhiều, bệnh nhân nằm và cử động nhẹ cột sống cũng đau nhói.

Cột sống bệnh nhân bị biến dạng, lúc bệnh nhân nằm nghiêng có thể thấy mấu gai của cột sống hơi gồ ra sau, khoảng giữa hai mấu gai tự rộng toạc ra, có thể có bầm tím và sưng nề tại chỗ. Đối với các trường hợp gãy cột sống nhẹ, đau và giảm cơ năng ít, xương cột sống không biến dạng, bệnh nhân phải chụp phim X-quang mới phát hiện được bệnh.

Gãy xương sống có liệt tủy, các chấn thương tủy có thể gặp là chấn động tủy, dập tủy, chảy máu tủy, tổn thương các phần trước của tủy và tổn thương đuôi ngựa. Ở bệnh nhân gãy cột sống có liệt tủy, triệu chứng thường gặp là liệt chi. Nếu gãy ở vùng cổ cao, bệnh nhân sẽ bị liệt bốn chi, nếu gãy ở vùng lưng hoặc thắt lưng sẽ bị liệt hai chi dưới, nếu gãy ở vùng cổ thấp sẽ bị liệt hai chi dưới hoặc một phần hai chi. Bệnh nhân còn có thể bị liệt cả cảm giác vận động và liệt cơ thắt (bí đại tiện, tiểu tiện). Ngoài ra, tùy vào vị trí và mức độ tổn thương tủy, có thương tổn phối hợp hay không mà có thể xuất hiện rối loạn tri giác, rối loạn hô hấp, rối loạn tim mạch, nói khó, nuốt khó,...

Để chẩn đoán gãy xương sống, bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử, cơ chế chấn thương thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT hoặc MRI.


Chụp X quang có thể dùng trong chẩn đoán gãy xương sống
Chụp X quang có thể dùng trong chẩn đoán gãy xương sống

3. Các lưu ý khi cấp cứu, sơ cấp gãy xương sống

3.1. Các lưu ý khi cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân

Gãy cột sống thường do các chấn thương nặng, bệnh nhân có thể có tổn thương tủy sống, thương tổn ở các vị trí khác trên cơ thể hoặc ở các phủ tạng trong bụng. Khi cấp cứu cần quan sát, tìm kiếm các tổn thương khác và đề phòng tình trạng sốc trước khi di chuyển. Không được động mạnh vào bệnh nhân, không đỡ bệnh nhân ngồi dậy. Nếu bệnh nhân có tình trạng đau nhiều ở cột sống, có thể tiêm một ống morphin 0.01g trước khi chở đến bệnh viện.

Việc chuyên chở bệnh nhân bị gãy xương sống cần hết sức cẩn trọng. Nếu di chuyển bệnh nhân không tốt có thể làm tổn thương nặng hơn tủy sống làm thay đổi tiên lượng bệnh. Đặc biệt là với những trường hợp gãy cột sống cổ ở đoạn cao, nếu di chuyển mạnh có thể gây tử vong vì kích thích hành tủy.

Không được di chuyển bệnh nhân bằng cán vải mà phải dùng cáng cứng hoặc tấm phản. Vì nằm trên cáng vải sẽ làm cột sống gấp lại, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân gãy đốt sống cổ nên đặt thêm dưới cổ bệnh nhân một gối nhỏ, hai bên cổ đầu có gối đỡ để cổ khỏi bị lệch bên.

3.2. Điều trị gãy xương sống

3.2.1. Điều trị gãy xương sống không liệt tủy

Nếu bệnh nhân bị gãy cột sống cổ, gãy đốt sống cổ lưng hoặc gãy đốt sống ở đoạn lưng cao thì bệnh nhân sẽ được đặt nằm nhẹ nhàng để cổ hơi ưỡn ra, sau đó sẽ được bó bột cố định. Bệnh nhân sẽ phải nằm bất động trong khoảng 2-3 tháng.

Đối với bệnh nhân bị gãy cột sống vị trí lưng- thắt lưng mà không bị liệt tủy, có thể điều trị bằng phương pháp nắn kiểu Boehler. Treo kéo cột sống ưỡn tối đa, sau đó được bó bột bất động trong 3 tháng. Ngoài ra, có thể thực hiện phẫu thuật để chỉnh hình xương. Bệnh nhân cần tập vận động nhiều để phục hồi khả năng vận động.

3.2.2. Điều trị gãy cột sống có liệt tủy

Nếu gãy cột sống làm tủy bị tổn thương, giập nát thì không thể hồi phục được. Khi bệnh nhân nằm liệt một chỗ cần được chăm sóc toàn thân, chống loét, chống nhiễm khuẩn đường tiết niệu,chống bội nhiễm phổi...

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Với hơn 22 năm tuổi nghề, Bác sĩ Mai Anh Kha từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa và Phó khoa Ngoại - Bỏng tạo hình bệnh viện Trung ương Huế và công tác tại các đơn vị y tế lớn khác như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Giao thông 5. Hiện tại, đang Bác sĩ Ngoại chấn Thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe