Các phương pháp phòng ngừa suy giảm trí nhớ

Có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng không tốt đến não bộ như di truyền, tuổi tác, chế độ ăn uống,... Mặc dù không phải tất cả các nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ đều có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể hỗ trợ bảo vệ tế bào não chống lại sự suy giảm nhận thức khi lão hóa.

1. Lao động trí óc là cách để củng cố trí nhớ

Tương tự như cơ bắp, não bộ cũng cần được rèn luyện thường xuyên để khỏe mạnh. Việc luyện tập trí óc là rất cần thiết đối với chất xám và khi chúng ta thử thách trí óc có thể giúp bộ não phát triển, từ đó mà cải thiện trí nhớ.

Trong một nghiên cứu thử nghiệm đã chỉ ra rằng việc thực hiện các hoạt động rèn luyện trí não 15 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày một tuần đã cải thiện chức năng não bộ. Khi luyện tập giải ô chữ thì trí nhớ công việc, trí nhớ ngắn hạn và kỹ năng giải quyết vấn đề của những người tham gia đều được cải thiện đáng kể.

2. Tập thể dục

Việc rèn luyện thể chất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của não bộ. Người tập thể dục thường xuyên sẽ giảm nguy cơ bị suy giảm nhận thức theo tuổi tác và bảo vệ não chống lại quá trình lão hóa.

Từ kết quả của một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng việc tập thể dục điều độ giúp cải thiện chức năng trí nhớ ở người bệnh Alzheimer ở giai đoạn sớm. Tập thể dục giúp làm tăng nhịp tim của người bệnh, tăng cường máu lên não, cải thiện tình trạng tưới máu não. Một số hoạt động thể thao mà người bệnh có thể tham khảo sau đây:

  • Đi bộ nhanh.
  • Chạy bộ.
  • Đi bộ đường dài.
  • Bơi lội.
  • Khiêu vũ.

3. Tập thiền định

Thiền giúp con người cải thiện trí nhớ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc thiền định giúp cải thiện chức năng của não bộ, làm giảm các dấu hiệu thoái hóa não và cải thiện được trí nhớ trong công việc và trí nhớ dài hạn.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát bộ não của những người thường xuyên thực hành thiền định và những người không thực hành và kết quả chỉ ra rằng thói quen thiền định có thể hình thành những thay đổi lâu dài trong não bộ của con người, giúp tăng độ linh hoạt của não, duy trì sự khỏe mạnh.

4. Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ là rất quan trọng đối với cơ thể nói chung cũng như não bộ nói riêng. Nếu chu kỳ ngủ tự nhiên của cơ thể bị gián đoạn thì có thể gây ra tình trạng suy giảm nhận thức, và điều này làm gián đoạn các quá trình mà não sử dụng để tạo ra trí nhớ.

Cơ thể được ngủ đủ giấc vào ban đêm, thường là khoảng 7 - 9 giờ mỗi đêm đối với một người trưởng thành, sẽ giúp não bộ tạo ra và lưu trữ những trí nhớ dài hạn.

5. Giảm tiêu thụ đường

Thức ăn có đường có thể gây suy giảm trí nhớ. Theo một nghiên cứu thực nghiệm từ năm 2017 trên mô hình động vật ghi nhận rằng khi cho động vật uống nước có hàm lượng đường cao trong thời gian dài có liên quan đến phát triển bệnh Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi uống quá nhiều đồ uống có đường có thể làm giảm tổng thể tích não. Do đó, việc hạn chế đường có thể giúp chống lại nguy cơ này. Trong khi một số thực phẩm ngọt tự nhiên như trái cây, củ quả có thể bổ sung vào chế độ ăn uống lành mạnh cho cơ thể, nên tránh đồ uống có đường và thực phẩm có thêm đường đã qua chế biến.

6. Tránh chế độ ăn nhiều calo

Cùng với việc cắt giảm nguồn đường dư thừa, việc giảm lượng calo tổng thể cũng có thể giúp bảo vệ tế bào não. Chế độ ăn có nhiều calo có thể khiến người bệnh suy giảm trí nhớ và dẫn đến béo phì. Những yếu tố gây ảnh hưởng đến trí nhớ có thể là từ chế độ ăn quá nhiều calo dẫn đến tình trạng viêm ở một số vùng chức năng quan trọng của não.

Trong khi hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này là nghiên cứu thực nghiệm trên động vật. Do đó, một nghiên cứu năm 2009 đã xem xét liệu việc hạn chế calo ở người có thể cải thiện trí nhớ hay không. Mô hình là những người tham gia là nữ với độ tuổi trung bình 60.5 tuổi đã giảm được 30% lượng calo tiêu thụ. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng họ đã cải thiện đáng kể trí nhớ qua các bài kiểm tra và điểm số cao nhất ở những người tuân thủ chế độ ăn kiêng tốt nhất.

7. Tăng lượng caffeine

Caffeine từ các nguồn như cà phê hoặc trà xanh có thể có ích cho việc cải thiện trí nhớ. Trong một nghiên cứu của nhiều tác giả cho thấy rằng việc tiêu thụ caffeine sau mỗi bài tập luyện trí nhớ sẽ giúp bộ não lưu trữ ký ức lâu dài tốt hơn. Những đối tượng dùng 200 miligam cafein đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ sau 24 giờ so với những người không sử dụng cafein.

Cafein cũng có thể giúp cho não bộ tăng cường trí nhớ ngắn hạn. Trong một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy rằng những người trẻ tuổi sử dụng cafein vào buổi sáng giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn.

8. Sô cô la đen - Thực phẩm tăng cường trí nhớ

Ăn sô cô la đen cũng phần nào giúp cải thiện trí nhớ của con người. Kết quả của một nghiên cứu năm 2011 cho thấy flavonoid từ ca cao, là hợp chất có nhiều trong sôcôla, giúp tăng cường chức năng não.

Những người ăn sô cô la đen trong các bài kiểm tra trí nhớ không gian có kết quả tốt hơn so với những người không dùng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng flavonoid trong ca cao cải thiện lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, cần lưu ý hạn chế sử dụng một số loại socola đen có đường

Ngày nay có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng không tốt đến não bộ. Ngoài những yếu tố không thay đổi được như: Di truyền, tuổi tác,.. còn có một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được đối với tình trạng giảm trí nhớ, như là chế độ ăn uống, thay đổi lối sống. Mặc dù không phải tất cả chứng mất trí nhớ đều có thể ngăn chặn được, nhưng có thể thực hiện những biện pháp được kể trên đây để bảo vệ não và cải thiện trí nhớ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe