Bài viết của Cử nhân Trương Tạ Anh Nga - Chuyên viên Tâm lý - Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Những trò chơi đơn giản thường ngày có tác động kích thích giác quan cho trẻ, thông qua đó trẻ lý giải về cảm nhận bản thể, bằng cách cầm nắm các đồ vật và các vật liệu, trẻ được cung cấp những thông tin giúp con phát triển toàn diện
1. Các hoạt động tác động đến giác quan của cơ thể
Các hoạt động giác quan là các hoạt động tác động đến các giác quan của cơ thể: xúc giác, thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, tiền đình.
Các hoạt động giác quan cần thiết cho trẻ bởi các hoạt động giác quan giúp trẻ được chơi và thử nghiệm các đồ vật, vật liệu cơ bản như: nước, cát, bóng, tiếng ồn, âm thanh hay màu sắc. Thông qua các hoạt động này trẻ lý giải về cảm nhận bản thể, bằng cách cầm nắm các đồ vật và các vật liệu, trẻ được cung cấp những thông tin về xúc giác. Những thông tin này giúp trẻ phát triển sự hiểu biết của các đồ vật, các vật liệu. Đồng thời, việc trẻ được luyện tập vận động tinh ( vận động liên quan đến chuyển động ở các nhóm cơ nhỏ như bàn tay, ngón tay, cổ tay) và vận động thô (vận động liên quan đến các nhóm cơ lớn hoặc phối hợp vận động các nhóm cơ lớn như lẫy, bò, trườn, xoay cơ thể...) sẽ giúp trẻ chủ động hơn trong quá trình chơi đùa hoặc quá trình chọn vùng không gian để chơi. Không chỉ vậy, việc được sử dụng bàn tay, ngón tay để thao tác với các đồ vật và vật liệu giúp trẻ thử nghiệm sức mạnh của bản thân để tạo ra các trò chơi mới, nhờ đó trẻ phát triển lòng tự tin và tính tự trọng. Trong quá trình trải nghiệm giác quan, trẻ có thể trải nghiệm điều mình thích và điều mình không thích. Trẻ học được cách để đưa ra sự chấp nhận hay từ chối giao tiếp về đồ vật, hoạt động hay đối tượng. Người lớn phản hồi những thông điệp của trẻ và dần dần khả năng giao tiếp của trẻ sẽ phát triển có cấu trúc và chủ định hơn.
2.Nước giúp trẻ kích thích giác quan như thế nào?
Nước là yếu tố đầu tiên gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Nước chiếm khoảng 70-75 % trọng lượng cơ thể và phân bố ở các cơ quan tổ chức các khác nhau. Nước là một nguồn cung cấp cảm nhận về xúc giác, thăng bằng cơ thể và cảm nhận bản thể.
Tại sao trẻ nhỏ cần được chơi với nước? Chơi với nước có thực sự “ bẩn”, “mệt” như người lớn vẫn nghĩ hay không? Thật khó khăn để kéo trẻ ra khỏi vũng nước mưa hay bồn tắm. Cha mẹ đã từng thắc mắc tại sao nước lại có ma lực hấp dẫn với trẻ em đến như vậy?
Trẻ được cảm nhận bản thể
Đặt một chậu nước lớn trước mặt trẻ, chậu nước đủ lớn để có thể di chuyển cả cánh tay và bàn tay trong nước. Trẻ có thể di chuyển cánh tay trong chậu nước đầy, hoặc đặt một vài vật nhỏ như: quả bóng, hạt pom pom, quả chanh, cái khăn... để trẻ quan sát và nhấn chìm đồ vật trong nước. Trong quá trình trẻ thực hiện với đôi bàn tay, trẻ sẽ phát hiện ra những điều lý thú: Tại sao có vật thì nổi, tại sao có vật thì chìm.
- Đặt chân trẻ trong chậu hoặc các thùng chứa khác nhau: Đưa chân trẻ từ từ xuống nước để trẻ cảm nhận. Khi trẻ đã quen dần, di chuyển chân trẻ theo các hướng khác nhau: xoay theo vòng tròn và ngược lại, dùng chân bắn nước, đưa chân dưới vòi, đặt quả bóng gai hoặc đồ vật nhỏ trong chậu để trẻ cảm nhận sự thay đổi trên chính cơ thể của mình.
- Đặt một chậu nước trước mặt trẻ: Trẻ thử nghiệm trong những bình chứa nước khác nhau như múc, đồ vào hoặc sử dụng 1 hoặc 2 tay. Sau khi trẻ đổ đầy bình chứa thì ở quá trình này, trẻ được luyện tập đôi bàn tay và trẻ có thể có những khái niệm cơ bản của toán học như: đầy, vơi, tràn một ít, nhiều, một nửa, một phần ba ...
Bạn sẽ thấy trẻ rất vui nếu được ngồi trong chậu. Khi trẻ được chìm cả cơ thể trong nước, cả cơ thể sẽ được ôm ấp như thời kỳ bào thai. Nhờ đó, trẻ cảm thấy an toàn và cảm thấy được bao bọc.
Trẻ được kích thích thị giác
Thay đổi thị giác như: đổ nước, chuyển động của bề mặt nước, vật ở trong nước hay thay đổi màu sắc của nước giúp trẻ được kích thích thị giác. Trẻ có thể quan sát những thành tựu của chính mình khi nhìn theo những tia nước. Trẻ cũng có thể nhìn theo chuyển động của vật khi ở trong nước. Sử dụng các vật chứa trong suốt khác nhau để trẻ thấy được chuyển động của nước trong các bình.
Khi trẻ được nhìn thấy nước trong các bình có màu trong suốt, trẻ sẽ nhìn thấy các màu khác nhau.
Trẻ được kích thích thính giác
Chuẩn bị các bình thủy tinh giống nhau, đổ nước theo các mực nước khác nhau để trẻ có thể cảm nhận được âm thanh khác nhau.
Chơi với nước sẽ cung cấp cho trẻ những cảm nhận khác nhau như đổ nước vào chậu khô, đổ nước vào chậu đầy, đổ nước từ các độ cao khác nhau, di chuyển tay hoặc di chuyển một vật. Cha mẹ có thể đổ nước vào các chai lọ khác nhau để trẻ cảm nhận âm thanh khác nhau từ nước.
Trẻ được kích thích vị giác và khứu giác
Chuẩn bị các loại nước hoa quả khác nhau để vào các cốc khác nhau để trẻ có thể cảm nhận mùi vị, màu sắc. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tham gia quá trình bổ/cắt/ vắt/ ép hoa quả, trẻ sẽ rất thích thú để thưởng thức.
Vui chơi với nước sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng thông minh. Nước giúp trẻ xoa dịu những cơn giận, giải tỏa stress, giúp trẻ giải phóng năng lượng dư thừa. Không chỉ vậy, chơi với nước giúp trẻ tăng khả năng tập trung. Cha mẹ sẽ là cầu nối quan trọng để trẻ em có thể hòa mình cùng với thiên nhiên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.