Ung thư đường mật xuất phát từ sự phát triển bất thường của các tế bào ở đường dẫn mật từ gan xuống tá tràng, tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Vậy, ung thư đường mật có chữa được không?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư đường mật là gì?
Ung thư đường mật bắt nguồn từ sự phát triển bất thường và mất kiểm soát của các tế bào biểu mô bao phủ mặt trong của đường dẫn mật. Những tế bào ung thư này khiến đường mật phình to, xâm lấn sang các bộ phận lân cận hoặc di căn đến các khu vực khác trong cơ thể (ung thư di căn).
Ba vị trí phổ biến của ung thư bao gồm:
- Ung thư nằm trong gan
- Ung thư dưới gan, ngay rốn
- Ung thư ngoài gan, ngay vị trí đổ vào tá tràng
Vậy, ung thư đường mật có chữa được không và loại ung thư này cần phải điều trị như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
2. Các biện pháp chẩn đoán
Tiền căn: Những người mắc các bệnh viêm đường mật mãn tính, nhiễm sán lá gan hoặc có người thân trong gia đình từng bị ung thư đường mật hoặc ung thư gan, tình trạng thừa cân béo phì và cao tuổi cũng là yếu tố dẫn đến nguy cơ cao mắc phải loại ung thư này.
Triệu chứng ung thư đường mật: Ở giai đoạn ban đầu, ung thư thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng chưa rõ ràng. Các dấu hiệu thường chỉ xuất hiện khi ung thư tiến triển đến giai đoạn muộn, bao gồm:
- Hội chứng vàng da niêm: Biểu hiện vàng da và kết mạc mắt chuyển sang màu vàng.
- Hội chứng tắc mật: Nước tiểu có màu sẫm giống màu trà, trong khi phân lại nhợt màu.
- Đau bụng tại vùng hạ sườn phải, cơn đau có thể lan ra sau lưng.
- Rối loạn tiêu hóa: Gồm các triệu chứng sụt cân, ăn uống kém, buồn nôn hoặc nôn nhiều.
Các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ trong việc chẩn đoán ung thư đường mật bao gồm: xét nghiệm công thức máu để phát hiện giảm tiểu cầu; xét nghiệm đông máu để nhận diện các rối loạn; kiểm tra mức độ tăng bilirubin trong máu; cùng với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT scan, MRI và nội soi mật tụy ngược dòng...
3. Một số phương pháp điều trị
Quá trình điều trị ung thư cần được các bác sĩ cẩn trọng lựa chọn phương pháp, dựa trên ba yếu tố sau:
- Loại và giai đoạn ung thư.
- Yêu cầu và tình trạng sức khỏe của người bệnh
- Các tác dụng phụ của phương pháp điều trị.
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp nhằm loại bỏ khối u cùng với các mô lành xung quanh. Trong trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn khối u, phẫu thuật vẫn có thể được thực hiện nhằm giảm bớt triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Thông thường, phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa ung bướu có kinh nghiệm trong lĩnh vực bệnh lý gan mật. Các phương pháp phẫu thuật cho bệnh ung thư đường mật bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ đường mật: Đây là phương pháp cơ bản nhất, nhằm loại bỏ toàn bộ khối u nếu chưa di căn. Đồng thời, phẫu thuật cần loại bỏ các hạch bạch huyết lân cận và thực hiện giải phẫu bệnh để kiểm tra xem có di căn hạch hay không.
- Cắt gan bán phần: Đối với ung thư đường mật trong gan, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cắt bỏ một phần gan của người bệnh. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe vì gan có khả năng tự tái tạo và chức năng gan vẫn được duy trì.
- Phẫu thuật Whipple: Đây là một cuộc phẫu thuật lớn đối với trường hợp ung thư ngoài gan, tại vị trí đổ vào tá tràng và gần tụy. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tụy, phần đầu của ruột non (tá tràng), một phần dạ dày và toàn bộ đường mật. Vì vậy, phương pháp này có rất nhiều biến chứng bao gồm nguy cơ tử vong do phẫu thuật, nhiễm trùng nặng, rò rỉ dịch mật cũng như dịch tụy.
Quá trình lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí của khối u:
- Với ung thư trong gan: Bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ phần đường mật và phẫu thuật cắt gan bán phần.
- Đối với ung thư dưới gan: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ đường mật.
- Trong trường hợp ung thư ngoài gan: Phẫu thuật Whipple sẽ được sử dụng.
Nếu không thể loại bỏ khối u, phẫu thuật vẫn được tiến hành nhằm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt stent kim loại vào đường mật để vượt qua chỗ bị tắc nghẽn do khối u gây ra, giúp lưu thông dịch mật và kiểm soát các triệu chứng trong một thời gian.
3.2. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các chất thuốc để ngăn chặn sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt các tế bào ung thư.
Điều trị ung thư đường mật bằng hóa trị được áp dụng trong những trường hợp bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, phẫu thuật không còn hiệu quả.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh bằng phương pháp hoá trị, bao gồm: Gemcitabine (Gemzar), Cisplatin (Platinol), Fluorouracil (5-FU, Adrucil), Paclitaxel (Taxol), và Capecitabine (Xeloda).
Khi sử dụng phương pháp này, người bệnh sẽ gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, nhiễm trùng thứ phát, buồn nôn, nôn và rụng tóc. Những tác dụng không mong muốn này phụ thuộc vào cơ thể của từng cá nhân và thường biến mất sau khi điều trị kết thúc.
3.3. Xạ trị
Cách điều trị này dùng tia X có năng lượng cao hoặc các loại tia khác để chiếu vào các tế bào ung thư và hủy diệt các tế bào này. Phương pháp này bao gồm xạ trị ngoài, xạ trị trong (hay còn gọi là xạ trị áp sát) và xạ trị tắc mạch.
Trong điều trị ung thư đường mật, phương pháp được sử dụng chủ yếu là xạ trị bên ngoài. Xạ trị có hai mục đích:
- Điều trị đặc hiệu vào khối u
- Giảm các triệu chứng và cơn đau của bệnh nhân.
Các tác dụng phụ của biện pháp này bao gồm mệt mỏi, đau dạ dày và nhu động ruột bị mất. Tuy nhiên, hầu hết các ảnh hưởng này sẽ biến mất nhanh chóng sau khi điều trị kết thúc.
4. Tiên lượng của người bệnh
Chẩn đoán và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có vai trò quan trọng trong việc điều trị, dự hậu bệnh ung thư đường mật. Trong giai đoạn này, phương pháp phẫu thuật để loại bỏ khối u kết hợp với điều trị hóa xạ trị sau phẫu thuật có khả năng cải thiện tiên lượng của bệnh nhân đáng kể.
Nếu ở giai đoạn muộn, khi phẫu thuật không thể loại bỏ hoàn toàn khối u, mục tiêu điều trị chỉ là làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hơn nữa, các thành viên khác trong gia đình cũng cần tầm soát sớm ung thư đường mật để phát hiện kịp thời bệnh lý nguy hiểm này.
5. Ung thư đường mật có chữa được không?
Mặc dù ung thư đường mật thường không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc điều trị đúng cách vẫn có thể giúp bệnh nhân cải thiện được các triệu chứng và hạn chế tình trạng phát triển của bệnh.
Quá trình điều trị và chăm sóc thường cần diễn ra liên tục dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ, ngay cả khi không có triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ để được đánh giá tình trạng sức khỏe và hiệu quả của quá trình điều trị.
Trên đây là những thông tin về căn bệnh ung thư đường mật và vấn đề “ung thư đường mật có chữa được không”. Nếu nghi ngờ bản thân có các triệu chứng của ung thư, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, từ đó phòng ngừa ung thư sớm nhất có thể.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này và đang triển khai các chương trình sàng lọc gan mật. Mục tiêu là phát hiện các bệnh lý gan mật ở giai đoạn sớm, ngay cả khi không có triệu chứng. Ngoài ra, gói sàng lọc gan mật toàn diện còn hỗ trợ khách hàng:
- Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan;
- Đánh giá chức năng mật; dinh dưỡng lòng mạch;
- Tầm soát sớm ung thư gan;
- Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu, khả năng đông máu, sàng lọc viêm gan B,C;
- Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm và các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng gây ra bệnh gan/làm bệnh gan nặng hơn;
- Phân tích sâu các thông số đánh giá chức năng gan mật thông qua xét nghiệm, cận lâm sàng; các nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.