Viêm gan B cấp tính là một tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn do virus viêm gan B gây ra. Sau khi nhiễm virus, lượng kháng thể không đủ để tiêu diệt virus để khỏi bệnh thì lượng virus sẽ tăng dần theo thời gian và chuyển từ viêm gan B cấp tính sang mạn tính. Hãy cùng bài viết tìm hiểu sâu hơn về các tiến triển của bệnh và vấn đề viêm gan B cấp tính có chữa được không.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là một dạng nhiễm trùng ngắn hạn do virus Hepatitis B (HBV) gây ra, thường kéo dài không quá sáu tháng từ khi tiếp xúc với virus. Đa số người nhiễm viêm gan B cấp tính không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số ít có thể trải qua các biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi nhập viện để điều trị.
Phần lớn người trưởng thành mắc viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi bệnh do hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả để đào thải virus ra khỏi cơ thể. Thống kê cho thấy khoảng 90% người trưởng thành nhiễm HBV sẽ tự phục hồi hoàn toàn trong vài tháng mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu virus không được loại bỏ hoàn toàn, bệnh viêm gan B cấp có thể chuyển sang dạng mãn tính.
2. Viêm gan B cấp tính nguy hiểm đến mức nào?
Viêm gan B được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Thực tế cho thấy nhiều người đang nhiễm virus viêm gan B mạn tính khi xét nghiệm chức năng gan vẫn có kết quả men gan bình thường. Viêm gan B cấp tính có thể chuyển thành mạn tính nếu hệ miễn dịch không đủ mạnh để chống lại virus. Nếu không được kiêng cữ và chăm sóc sức khỏe đúng cách, người bệnh có thể phát triển các bệnh nghiêm trọng khác liên quan đến gan như viêm gan, xơ gan và thậm chí ung thư gan. Thường thì khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn và khó có khả năng chữa trị.
Viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan, một trong những loại ung thư có số ca tử vong cao thứ hai trên toàn thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, viêm gan B chiếm 37% số ca tử vong do ung thư gan. Người mắc bệnh viêm gan B mạn có nguy cơ phát triển thành ung thư gan cao hơn tới 100 lần so với người không nhiễm bệnh. Đặc biệt, những người nhiễm virus từ mẹ khi sinh hoặc từ khi còn nhỏ có thể phát triển bệnh ung thư gan ngay từ tuổi vị thành niên. Vì lý do này, việc khám sàng lọc định kỳ là vô cùng quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh sớm, nhằm giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng.
3. Tiến triển của bệnh viêm gan B cấp tính
Sau khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, quá trình nhân lên của virus sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian phát hiện bệnh và phản ứng của hệ miễn dịch. Tùy theo điều kiện này, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có thể được kiểm soát và cải thiện.
Trước khi tìm hiểu viêm gan B cấp tính có chữa được không, chúng ta sẽ tìm hiểu các tiến triển của bệnh:
- Tiến triển thành viêm gan tối cấp và tử vong do suy gan: Trong một số ít trường hợp (khoảng 1%), virus gây ra tổn thương nặng nề cho tế bào gan, dẫn đến suy gan cấp và có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
- Phục hồi và tạo miễn dịch bảo vệ: Phần lớn các trường hợp, cơ thể sẽ loại bỏ được virus sau vài tháng nhiễm bệnh và phát triển miễn dịch bảo vệ suốt đời. Hiện tại, không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn viêm gan B cấp tính nhưng vẫn có các phương pháp điều trị hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động của virus.
- Tiến triển thành viêm gan B mạn tính: Trong trường hợp hệ miễn dịch không thể loại bỏ hoàn toàn virus, bệnh có thể chuyển sang dạng mãn tính. May mắn thay, đã có các loại thuốc kháng virus hiệu quả trong việc điều trị viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi định kỳ và sàng lọc ung thư gan để phát hiện sớm các tổn thương gan hoặc dấu hiệu của bệnh tiến triển nặng hơn. Điều này vô cùng quan trọng vì nếu không được điều trị và theo dõi kỹ lưỡng, khoảng một phần tư số người mắc viêm gan B mạn có thể tử vong do các biến chứng như xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan.
4. Đối tượng dễ tiến triển viêm gan B cấp thành mạn tính
Độ tuổi tại thời điểm nhiễm virus viêm gan B là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng bệnh chuyển biến từ cấp tính sang mạn tính. Đặc biệt, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi nhiễm virus này có nguy cơ cao nhất tiến triển thành viêm gan B mạn tính.
Khoảng 90% trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính nếu không được tiêm phòng và điều trị dự phòng ngay từ khi sinh. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người lớn khi nhiễm virus chỉ vào khoảng 6 - 10%. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng và can thiệp sớm để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy viêm gan B cấp tính có chữa được không?
5. Viêm gan B cấp tính có chữa được không?
Chăm sóc hỗ trợ là phương pháp điều trị chính cho viêm gan B cấp tính, bởi hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu làm giảm viêm gan do virus cấp tính, bao gồm cả viêm gan B.
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên tránh uống rượu vì rượu có thể gây tổn thương gan thêm. Các khuyến cáo về hạn chế hoạt động hay kiêng khem như nghỉ ngơi tại giường trong quá trình điều trị hiện không có cơ sở khoa học cụ thể.
Trong trường hợp bệnh tiến triển thành viêm gan B tối cấp, việc sử dụng các loại thuốc nucleoside hoặc chất tương tự nucleotide dạng uống có thể làm tăng khả năng sống sót. Tuy nhiên, ghép gan trong trường hợp khẩn cấp được coi là biện pháp có khả năng cứu sống cao nhất. Đối với người trưởng thành, tỷ lệ tử vong cao nếu không thực hiện ghép gan; trong khi đó, trẻ em lại có tỷ lệ sống sót cao hơn.
6. Người bị viêm gan B cần làm gì để bảo vệ sức khoẻ?
Ngoài tìm hiểu viêm gan B cấp tính có chữa được không, mọi người cần biết đến một số biện pháp bảo vệ sức khoẻ người bị viêm gan B:
6.1 Tiêm phòng vắc xin viêm gan A
Viêm gan A là một loại nhiễm trùng gan do virus khác gây ra, lây qua đường miệng từ thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm virus. Người mắc viêm gan B nên tiêm phòng viêm gan A để giảm nguy cơ làm tổn thương thêm cho gan.
6.2 Hạn chế uống rượu bia và các chất độc hại cho gan
Uống rượu có thể gây độc cho gan và làm bệnh viêm gan B tiến triển nhanh hơn, có thể dẫn đến xơ gan hoặc suy gan. Đồng thời, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc bản thân đang sử dụng, vì một số thuốc cũng có thể gây hại cho gan.
6.3 Dự phòng lây truyền bệnh cho người khác
Để ngăn ngừa lây lan virus viêm gan B, bệnh nhân nên băng bó đúng cách khi có vết thương, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và không dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo hay bàn chải đánh răng. Nếu bị tiểu đường, bệnh nhân hãy vệ sinh và bảo quản các thiết bị theo dõi đường huyết để tránh tiếp xúc với máu của người khác. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tham gia hiến máu, hiến tạng, mô hoặc tinh trùng.
7. Các xét nghiệm theo dõi chức năng gan phổ biến
Để theo dõi chức năng gan và tình trạng viêm gan B, các xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm:
7.1 Xét nghiệm men gan (ALT)
Đây là xét nghiệm thường được thực hiện 6 tháng một lần. Men gan ALT cao là dấu hiệu cho thấy gan bị tổn thương. Nếu kết quả men gan bình thường, bệnh nhân có thể không cần làm thêm xét nghiệm khác, trừ khi có dấu hiệu xơ gan hoặc đang sử dụng hóa chất điều trị ung thư.
7.2 Xét nghiệm tải lượng vi rút bằng PCR (HBV DNA)
Xét nghiệm này đo lượng vi rút viêm gan B trong máu. Nếu ALT cao, xét nghiệm HBV DNA giúp xác định liệu tổn thương gan có phải do virus viêm gan B hay không.
7.3 HBeAg và anti-HBe
HBeAg và anti-HBe được thực hiện để theo dõi chức năng gan và tình trạng viêm gan B. Xét nghiệm HBeAg được thực hiện sau khi xác định viêm gan B mạn. HBeAg giúp đánh giá mức độ hoạt động của virus và gián tiếp phản ánh tải lượng virus trong máu. Nếu HBeAg dương tính, nên xét nghiệm lại hàng năm để theo dõi hoạt động của vi rút.
Sự chuyển từ HBeAg dương tính sang âm tính và sự xuất hiện của anti-HBe là dấu hiệu cho thấy điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, sự xuất hiện anti-HBe không đồng nghĩa với việc bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn, vì một số trường hợp virus HBV thể đột biến có thể không sản xuất HBeAg.
7.4 Số lượng tiểu cầu và albumin
Số lượng tiểu cầu thấp (dưới 150.000 tế bào/mm³) và mức albumin thấp (<=3.5 g/dL) có thể là dấu hiệu xơ gan và suy giảm chức năng gan.
7.5 Sinh thiết gan
Đây là một thủ thuật xâm lấn không nên chỉ định rộng rãi. Sinh thiết gan thường chỉ thực hiện trong các trường hợp đặc biệt để quyết định điều trị cho bệnh nhân có men gan tăng nhẹ hoặc không liên tục. Nếu đã có đủ bằng chứng xác định bệnh, sinh thiết gan thường không cần thiết.
8. Các gói sàng lọc mật tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các Gói khám sàng lọc gan mật được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sàng lọc bệnh về gan mật cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị, cơ sở y tế hiện đại sẽ giúp xác định chính xác các vấn đề liên quan đến gan.
Gói sàng lọc gan mật giúp khách hàng:
- Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan;
- Đánh giá chức năng mật; dinh dưỡng lòng mạch;
- Tầm soát sớm ung thư gan;
- Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu, khả năng đông máu, sàng lọc viêm gan B,C;
- Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm và các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng gây ra bệnh gan/làm bệnh gan nặng hơn;
- Phân tích sâu các thông số đánh giá chức năng gan mật thông qua xét nghiệm, cận lâm sàng; các nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.