Bài viết được thực hiện bởi các bác sĩ khoa Nội ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở cơ quan sinh sản ở phụ nữ. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 65. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của phụ nữ là khoảng 1,4%.
Có một số loại ung thư khác nhau có thể bắt đầu trong buồng trứng; phổ biến nhất được gọi là ung thư "biểu mô" buồng trứng. Chủ đề này sẽ thảo luận về việc điều trị ung thư biểu mô buồng trứng, tập trung vào hóa trị sau phẫu thuật ban đầu. Chẩn đoán và phân loại ung thư buồng trứng được thảo luận riêng.
1. Phẫu thuật ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được chẩn đoán (và xác định giai đoạn) thông qua phẫu thuật thăm dò. Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ cắt bỏ tất cả các phần ung thư có thể nhìn thấy. Trong hầu hết các trường hợp, cần loại bỏ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Điều này được thực hiện để đảm bảo loại bỏ càng nhiều tổ chức liên quan đến ung thư càng tốt và giúp ngăn ngừa ung thư di căn. Trong một số tình huống, các bác sĩ đề nghị điều trị bằng hóa trị trước khi phẫu thuật.
2. Có cần hóa trị sau phẫu thuật không?
Hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng đều được điều trị bằng hóa trị liệu (ngoài phẫu thuật). Sau khi ung thư được loại bỏ bằng phẫu thuật nhiều nhất có thể, vẫn có nguy cơ các tế bào ung thư vẫn tồn tại và quay trở lại hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào này; giúp ung thư không tái phát và giảm nguy cơ tử vong do ung thư buồng trứng.
Việc có cần hóa trị hay không phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và mức độ ác tính của khối u (còn được gọi là "cấp độ" của khối u); điều này được xác định trong hoặc sau khi phẫu thuật bởi bác sĩ bệnh học dựa trên các mô dưới kính hiển vi. Nói chung, hóa trị được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng, ngoại trừ trong trường hợp phụ nữ trong giai đoạn bệnh IA hoặc IB (còn gọi là "bệnh ở giai đoạn đầu") mà phẫu thuật đơn thuần là đủ. Phụ nữ bị bệnh ở giai đoạn sau được sử dụng hóa trị. Mặc dù ung thư giai đoạn tiến xa có liên quan đến tiên lượng kém hơn, nhưng hóa trị liệu có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Giai đoạn và “cấp độ” tế bào ung thư cũng sẽ ảnh hưởng đến loại thuốc hóa trị nào mà bác sĩ đề nghị sử dụng.
3. Hóa trị là gì?
Hóa trị là sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Hóa trị nhằm can thiệp vào khả năng phân chia hoặc nhân lên của các tế bào đang phát triển. Bởi vì hầu hết các tế bào bình thường của một người trưởng thành không phát triển tích cực, nên chúng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi hóa trị như các tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào trong tủy xương (nơi sản sinh ra các tế bào máu), nang lông và niêm mạc của đường tiêu hóa thuộc loại phát triển mạnh, nên sẽ chịu ảnh hưởng của hóa trị và biểu hiện qua các tác dụng phụ của thuốc hóa trị liệu (như rụng tóc hoặc buồn nôn, tiêu chảy...)
Những loại hóa trị được sử dụng? - Trong số các tác nhân hóa trị được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị ung thư buồng trứng là taxan (paclitaxel hoặc docetaxel) và các tác nhân platinum (carboplatinum hoặc cisplatinum). Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hóa trị liệu chứa platinum và taxane giúp cải thiện khả năng sống của phụ nữ bị ung thư buồng trứng so với các liệu pháp khác. Sự kết hợp của một loại thuốc platinum (thường là carboplatinum) và taxane (thường là paclitaxel) là chế độ hóa trị liệu tiêu chuẩn.
4. Hóa trị được quản lý như thế nào?
Hầu hết các loại thuốc hóa trị được tiêm tĩnh mạch (bằng IV). Tuy nhiên trong một số tình huống, các bác sĩ có thể sử dụng một liệu pháp điều trị khác liên quan đến việc hóa trị cả bằng IV và trực tiếp vào khoang bụng (phúc mạc). Đây gọi là liệu pháp tiêm tĩnh mạch/ tiêm trong màng bụng (IV / IP).
Nói chung bất kể cách điều trị được sử dụng (IV hay IV / IP), thuốc hóa trị được đưa ra theo trình tự được xác định cẩn thận trong khoảng thời gian vài tháng. Các liệu trình hóa trị thường diễn ra hàng tuần hoặc ba tuần một lần. Một "liệu trình" hóa trị liên quan đến thời gian điều trị và khoảng nghỉ sau đó để cơ thể có thời gian phục hồi. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu tác dụng phụ của thuốc
5. Hóa trị trước khi phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp thì hóa trị được đưa ra sau phẫu thuật ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một số bác sĩ có thể đưa ra một vài chu kỳ hóa trị trước khi phẫu thuật, đối với một số bệnh nhân nhất định (được gọi là hóa trị "hóa trị tân bổ trợ"). Mục tiêu là để giảm kích thước khối u và giúp bác sĩ phẫu thuật loại bỏ tất cả phần ung thư thuận lợi hơn. Hóa trị tân bổ trợ cũng có thể được sử dụng trong các tình huống ung thư di căn (làm cho phẫu thuật ban đầu có rủi ro) hoặc bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật.
6. Làm thế nào để biết hóa trị có hiệu quả ?
Đối với trường hợp hóa trị bổ trợ sau khi khối u đã được cắt bỏ thì hiệu quả của hóa trị chính là khoảng thời gian bệnh ổn định, bệnh không tái phát
- Đáp ứng hoàn toàn: tất cả các tổn thương đều biến mất, không còn dấu hiệu gì của bệnh. Chỉ số sinh học trong giới hạn bình thường (nếu trước đó có tăng cao)
- Đáp ứng một phần: khối u nhỏ lại một phần (thường trên 50% kích thước ban đầu). Các chỉ điểm sinh học (nếu có) có thể xuống thấp nhưng bệnh vẫn còn tồn tại.
- Bệnh ổn định: khối u không thoái lui nhưng cũng không phát triển thêm, bệnh ổn định. Chỉ điểm sinh học (nếu có) thường không tăng, giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.
- Bệnh tiến triển: Khối u tăng lên về kích thước hoặc xuất hiện thêm khối u ở vị trí khác. Chỉ điểm sinh học (nếu có) tăng cao
7. Tác dụng phụ của điều trị là gì?
Hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ trong và sau khi điều trị. Loại và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ này phụ thuộc vào loại và các thuốc hóa trị được sử dụng. Tác dụng phụ xảy ra trong quá trình hóa trị thường là tạm thời. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là buồn nôn, nôn, đau miệng, giảm các tế bào máu và rụng tóc.
Một loại thuốc khác, bevacizumab, đôi khi được dùng bên cạnh các loại thuốc hóa trị. Bevacizumab có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm tăng huyết áp, chảy máu mũi, chóng mặt, đau đầu và chậm lành vết thương. Phụ nữ bị ung thư buồng trứng được điều trị với bevacizumab có thể tăng nguy cơ rách ruột già trong quá trình điều trị.
Quá trình mọc tóc sau hóa trị
Đối với một số người đã trải qua điều trị ung thư, việc tóc mọc trở lại sau khi hóa trị là dấu hiệu rất có ý nghĩa. Hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng đồng thời cũng giết chết các tế bào khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người sẽ mất đi ít nhất một phần tóc khi trải qua hóa trị.
Sự phát triển của tóc sau khi hóa trị:
- Rụng tóc có thể diễn ra trên toàn bộ hoặc từng phần ở mái tóc mỗi người, hay với một số người chỉ là tóc trở nên mỏng hoặc dễ gãy hơn.
- Những người có thể thấy tóc sẽ mọc nhanh hơn sau khi hóa trị.
- Việc tóc mọc lại có thể bắt đầu ngay khi hóa trị không còn tấn công các tế bào khỏe mạnh.
- Tốc độ tăng trưởng tóc tùy thuộc vào tuổi tác, sức khỏe và các yếu tố khác, ví dụ như sắc tộc.
Mất bao lâu để tóc bắt đầu mọc sau khi hóa trị?
Các tế bào khỏe mạnh trong các nang tóc hỗ trợ sự phát triển của tóc bị ảnh hưởng bởi điều trị hóa trị.
Do đó, những bệnh nhân ung thư được hóa trị liệu có thể bị rụng lông, tóc trên đầu, lông mi, lông mày và những nơi khác trên cơ thể.
Rụng tóc thường xảy ra sau 2 tuần điều trị và nghiêm trọng hơn trong 1-2 tháng tiếp.
Tóc sẽ không mọc lại ngay sau lần hóa trị cuối cùng. Sự chậm trễ này là do các loại thuốc hóa trị cần thời gian để đào thải ra khỏi cơ thể và ngừng tấn công các tế bào phân chia khỏe mạnh.
Hầu hết bệnh nhân sẽ bắt đầu thấy một lượng tóc mỏng, mờ trong vài tuần sau lần điều trị hóa trị cuối cùng. Và tóc thật bắt đầu mọc trong vòng một hoặc hai tháng sau đó.
Mốc thời gian mọc tóc
Tất cả tóc sẽ trải qua thời gian nghỉ ngơi, trong suốt thời gian không mọc. Hơn nữa, tóc sẽ bị rụng khi tới một độ dài nhất định hoặc khi bị kéo.
Mốc thời gian sau đây cho biết những gì xảy ra sau khi hóa trị:
- 2-3 tuần: Các sợi tóc nhẹ, mảnh
- 1-2 tháng: Sợi tóc chắc hơn bắt đầu mọc
- 2-3 tháng: Tóc mọc dài khoảng 2,5 cm
- 6 tháng: 5-7cm tóc mọc lên, che các mảng hói.
- 12 tháng: Tóc có thể đã mọc từ 10-15 cm và đủ dài để chải hoặc tạo kiểu
Có thể mất vài năm để nuôi tóc theo kiểu trước đây, đặc biệt là đối với những người đã từng có mái tóc dài.
Tầm soát ung thư buồng trứng để phát hiện bệnh kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị đạt quả tốt. Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa, giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Khi đăng ký Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa, khách hàng sẽ được:
- Khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm như xét nghiệm tế bào học bằng phương pháp Liqui Prep, xét nghiệm HPV genotype PCR hệ thống tự động, xét nghiệm siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường âm đạo.
Để tìm hiểu kỹ hơn về Tầm soát và điều trị ung thư buồng trứng, ung thư phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hotline các bệnh viện, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
Bài viết tham khảo nguồn: Medical news today 2019, Uptodate 2020
XEM THÊM: