Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Thoát vị đĩa đệm nếu chữa trị không đúng cách có thể khiến bệnh tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động. Chính vì vậy, người bệnh cần phải nhận biết sớm các triệu chứng, từ đó có phương pháp chữa trị kịp thời. Tránh để bệnh ngày càng nặng, gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hoặc các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
2. Các giai đoạn của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có 2 giai đoạn:
2.1 Giai đoạn đau cấp
Là giai đoạn đau lưng cấp, thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức, đau có thể dữ dội trong vài ngày rồi giảm dần, có thể không cần điều trị. Sau đó, mỗi khi gắng sức tương tự thì cơn đau lại tái phát. Giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc có thể toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.
2.2 Giai đoạn chèn ép rễ
Giai đoạn này đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh. Xuất hiện những triệu chứng của hội chứng rễ như:
- Đau lan xuống chân
- Đau tăng khi đứng
- Đi lại, hắt hơi, rặn đau tăng lên, nằm nghỉ thì đỡ đau.
Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị ra sau hoặc sang bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ.
Bên cạnh đó, các thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: Phù nề các mô xung quanh, ứ đọng máu, các quá trình xơ dính dây chằng... làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.
3. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả
3.1 Nội khoa bảo tồn
3.1.1 Thay đổi sinh hoạt
- Nằm nghỉ tại giường: Phần lớn bệnh nhân đau thắt lưng không cần thiết nghỉ tuyệt đối tại giường nhưng nghỉ 2- 4 ngày với các bệnh nhân có triệu chứng đau theo rễ sẽ rất hữu ích.
- Thay đổi hoạt động: Tạm thời cần hạn chế khuân vác nặng, ngồi lâu, cúi hay xoắn vặn cột sống thắt lưng.
3.1.2 Tập thể dục
Trong tháng đầu nên tập thể dục nhẹ nhàng giúp cơ thể giảm suy nhược. Trong 2 tuần đầu tập thể dục nhẹ nhàng vùng thắt lưng như đi bộ, đi xe đạp, tập bơi.
Thể dục ở mức độ hợp lý rất tốt cho bệnh nhân, chỉ dừng lại khi cơn đau xảy ra.
3.1.3 Thuốc giảm đau
Giai đoạn đầu dùng Acetaminophen hay thuốc giảm đau chống viêm không có steroid. Thuốc giảm đau mạnh hơn (nhất là á phiện) cần thiết để khống chế cơn đau dữ dội. Thuốc á phiện không được dùng quá 2 – 3 tuần.
3.1.4 Thuốc giãn cơ
Cần thận trọng khi dùng bởi có thể gây các tác dụng phụ như li bì, uể oải, có thể gây nguy cơ nhiễm độc gan nặng.
3.1.5 Liệu pháp xoa bóp cột sống
Áp dụng trong thời gian đầu, không áp dụng ở bệnh nhân bị bệnh lý rễ thần kinh và có khiếm khuyết thần kinh nặng hay đang tiến triển. Liệu pháp này cũng ghi nhận đã có những biến chứng lớn.
3.2 Điều trị ngoại khoa
3.2.1 Chỉ định
85% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ có hiệu quả trong vòng 5-8 tuần khi điều trị nội khoa. Nếu sau 5-8 tuần không thấy hiệu quả, có thể xem xét chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật cấp cứu chỉ định với các trường hợp:
- Hội chứng chèn ép chùm đuôi ngựa
- Khiếm khuyết vận động tiến triển: yếu liệt cấp hay đang tiến triển cần phẫu thuật sớm
- Bệnh nhân đau không chịu được mặc dù đã dùng thuốc giảm đau mạnh
3.2.2 Các phương pháp phẫu thuật
- Phẫu thuật qua ống sống: Cắt bản sống và lấy nhân đệm qua mổ hở: 65 – 85% trường hợp không đau thần kinh tọa sau 1 năm so với 36% nếu điều trị bảo tồn.
- Phẫu thuật trong đĩa đệm: Ưu điểm của phương pháp này là không xâm lấn đến màng cứng, đường mổ nhỏ và ít đau nên thời gian nằm viện ngắn tuy nhiên tính hiệu quả chưa cao.
Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm, việc lựa chọn phương pháp tối ưu tùy theo tính chất tổn thương của người bệnh. Tốt nhất, hãy đến các bệnh viện uy tín để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.