Do đặc điểm về thể chất và tâm sinh lý nên tuổi càng cao, người già càng dễ mắc nhiều bệnh. Kể cả việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng hơn, nhất là đối với nhóm thuốc thần kinh, tim mạch, thuốc chữa đái tháo đường....
1. Tổng quan
Người cao tuổi được tính là những người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 12% dân số nhưng lại là đối tượng cần được hỗ trợ về mặt y tế cao nhất (hơn 50% so với lứa tuổi trung niên), có nguy cơ nhập viện điều trị nội trú tăng gấp 3 lần, khám ngoại trú chiếm 25-30% và có đến 40% người cần chăm sóc tại nhà.
Đặc biệt tỷ lệ tai biến, biến chứng do sử dụng thuốc ở người cao tuổi cũng cao hơn nhiều so với các lứa tuổi khác.
Theo thống kê ở Mỹ, cứ 6 người cao tuổi dùng thuốc thì có 1 người gặp phản ứng có hại của thuốc (ADR) gây rối loạn về mặt thể chất và tâm thần, thậm chí tử vong.
Các biểu hiện lâm sàng ở người cao tuổi bị ADR bao gồm: Lo lắng, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn nhận thức, té ngã, táo bón, tiểu tiện mất kiểm soát, hội chứng thần kinh ngoại tháp (EPS), mất ngủ....
2. Đặc điểm sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Người cao tuổi có thể có một số đặc điểm thể chất đặc trưng gây ảnh hưởng tới việc sử dụng thuốc hiệu quả:
- Mắc nhiều bệnh phối hợp: Dẫn đến việc phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị cho các tình trạng bệnh của mình. Điều này làm tăng nguy cơ tương tác thuốc, ADR và những phản ứng có hại khác;
- Khả năng hấp thu thuốc kém: Do cơ thể người già có thể suy giảm chức năng các cơ quan (thận, gan, tim, hệ tiêu hóa...) dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng thuốc hoặc đáp ứng quá mạnh, tích lũy thuốc và gây độc.
- Bệnh cấp tính nặng hơn, chậm khỏi bệnh hơn;
- Hạn chế khả năng sinh hoạt tự lực: Gặp khó khăn khi nuốt viên thuốc. Thuốc có thể mắc kẹt trong khoang miệng gây lở loét;
- Chức năng miễn dịch suy yếu: Dễ đau ốm (cơ thể mỏng manh), mắc nhiều loại bệnh cùng một lúc;
- Tình trạng sức khỏe và tâm lý không ổn định, có thể cần sự trợ giúp của người thân và bác sĩ.
Ngoài ra còn có một số đặc điểm về tâm lý gây ảnh hưởng tới việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi:
- Người cao tuổi có xu hướng tự điều trị bằng thuốc không cần kê đơn, hoặc thuốc cũ đã được chỉ định trong những lần thăm khám trước, hoặc dùng thuốc của những người khác;
- Người cao tuổi trí nhớ suy giảm nên dễ nhầm lẫn trong việc uống thuốc, nhất là liều lượng và thời gian dùng thuốc. Nên có người thân hỗ trợ để việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi đạt hiệu quả;
- Có người quá lo lắng về tình trạng sức khỏe, muốn mau hết bệnh nên thường tự dùng thêm thuốc ngoài đơn bác sĩ kê. Hoặc không đau ốm gì vẫn dùng thuốc để “đề phòng”, tự ý tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc....đều là tâm lý ỷ lại vào thuốc rất nguy hiểm có thể dẫn đến quá liều, gây ngộ độc thuốc;
- Ngược lại có người lại sợ thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe nên tự ý giảm liều (thay vì uống 3-4 lần thì chỉ uống 1-2 lần/ngày), có người lại ngưng thuốc giữa chừng gây ảnh hưởng tới việc điều trị dứt điểm.
3. Nguyên tắc sử dụng thuốc cho người cao tuổi
Những phản ứng tương tác thuốc cần lưu ý:
- Tránh dùng thuốc glucocorticoid đối với người cao tuổi bị đái tháo đường (vì glucocorticoid làm tăng chỉ số đường huyết);
- Hệ thần kinh của người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc giảm đau có Opi, thuốc điều trị Parkinson, Benzodiazepin;
- Tránh dùng thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, chống co thắt với người cao tuổi bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính hoặc bị táo bón (do thuốc gây bí tiểu hoặc nặng tình trạng táo bón hơn);
- Tránh dùng thuốc chẹn beta với người cao tuổi bị hen suyễn, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (do che mất triệu chứng tụt đường huyết ở người đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường), bệnh lý mạch máu ngoại biên;
- Không dùng thuốc dạng sủi bọt với người bị tăng huyết áp, suy tim (do thuốc sủi bọt luôn chứa Natri làm tăng huyết áp);
- Không dùng 2 loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cho người cao tuổi vì có thể tăng nguy cơ loét và chảy máu đường tiêu hóa, suy thận...
- Thuốc lợi tiểu chữa tăng huyết áp có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh gout ở người đang mắc.
Nhìn chung, nhóm thuốc thường gây tai biến ở người cao tuổi bao gồm: Digitalis (Digoxin), lợi tiểu, hạ huyết áp, chống đông, chống loạn nhịp, hạ đường huyết, giảm đau hạ sốt...
Nguyên tắc kê đơn người cao tuổi sử dụng thuốc:
- Nắm vững tiền sử dùng thuốc của người cao tuổi (bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng...);
- Nên kê đơn bắt đầu từ liều dùng thấp nhất có hiệu lực, và kéo dài nhịp dùng thuốc thích hợp. Một số liều dùng thuốc cần thấp hơn liều của người trưởng thành (ví dụ: thuốc chống đông warfarin);
- Với những loại thuốc dùng kéo dài, nếu được nên có thời gian nghỉ thuốc để hạn chế hiện tượng tích lũy thuốc;
- Ưu tiên những thuốc dạng lỏng, dễ nuốt và ít thuốc;
- Thận trọng khi kê những loại thuốc mới cho người cao tuổi;
- Duy trì theo dõi, đánh giá hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc (đặc biệt trên gan, thận). Ngưng dùng thuốc nếu thấy không rõ hiệu quả hoặc có dấu hiệu bị ADR;
- Tránh lạm dụng thuốc, kể cả các thuốc được cho là “thuốc bổ” hoặc thực phẩm chức năng;
- Điều trị sử dụng thuốc cho người cao tuổi chủ yếu hướng đến việc duy trì và phục hồi. Mục tiêu điều trị chính là chữa khỏi bệnh, hạn chế tai biến và cải thiện chất lượng sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.