Cảm giác khô da thường gặp nhiều vào mùa đông khi độ ẩm trong không khí giảm xuống thấp khiến nhiều người cảm thấy bực bội. Nhưng dù đông hay hè mà đôi môi khô nứt, nẻ toác, thậm chí chảy cả máu còn tồi tệ hơn. Những nguyên nhân gây khô môi sau mà bạn nên biết để có thể giảm cảm giác khó chịu và có đôi môi quyến rũ.
1. Liếm môi thường xuyên
Khi bạn cảm thấy đôi môi của mình trở nên khô và nứt nẻ, phản xạ là bạn liếm môi. Nhưng ngay sau khi liếm môi thì môi lại thấy khô hơn, vì vậy bạn lại liếm môi và cứ thế. Việc liếm môi nhiều lần trong 1 ngày khiến cho tình trạng khô môi thêm nghiêm trọng hơn. Chu trình này khiến môi bị mất nước, vì nước bọt bay hơi nhanh và làm giảm độ ẩm của môi; đồng thời, trong nước bọt còn có thể có chứa thức ăn. Đó chính là nguyên nhân khô môi nứt nẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Sau một thời gian, một lớp thượng bì ở môi dần trở nên thô ráp và teo lại, tách ra khỏi lớp ẩm phía dưới môi tạo thành lớp da chết. Cắn và nhai đôi môi của bạn cũng có thể tạo ra hiệu ứng tương tự. Vì vậy nếu bạn thấy mình thường xuyên liếm môi thì bạn cần từ bỏ thói quen xấu này.
2. Mất nước
Môi không chứa những tuyến tạo dầu như bề mặt da của bạn, vì vậy môi có thể bị khô và trở nên nứt nẻ rất dễ dàng. Khô môi cũng là một trong những dấu hiệu cơ thể bạn đang bị mất nước. Nước là thành phần chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể, đóng vai trò quan trọng và cực kỳ cần thiết giúp bạn đào thải độc tố đồng thời giữ ẩm cho da, tóc và môi. Nếu bạn không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể trong ngày, đôi môi của bạn sẽ trở nên khô và bong tróc.
Mặt khác, khi bạn hoạt động liên tục ngoài trời, kết hợp với gió và tiếp xúc với tia cực tím, có thể dẫn đến mất nước, nhanh chóng hơn- nguyên nhân gây khô môi. Bạn nên cố gắng uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.
3. Không dưỡng môi
Đôi môi của bạn cần được bảo vệ bằng cách dưỡng môi và chống nắng cho làn môi. Hãy tìm một son dưỡng môi thành phần chống nắng để bảo vệ đôi môi tốt hơn, hoặc chỉ cần thoa nhẹ một chút kem chống nắng trên môi của bạn trước khi bạn ra khỏi nhà.
Đồng thời, bạn cũng nên giữ ẩm cho đôi môi của bạn suốt cả ngày với vaseline hoặc sáp ong để có làn môi căng mọng, nhất là trong những ngày thời tiết mùa đông, thời tiết hanh khô.
4. Do thở bằng miệng
Thói quen ngủ thở miệng hoặc do bệnh lý làm nghẹt mũi buộc phải thở bằng miệng. Thở miệng làm cho không khí liên tục phải đi qua đôi môi của bạn và là nguyên nhân môi bị khô nứt. Những người ngủ ngáy hoặc mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường thở miệng và thường xuyên thức dậy với đôi môi khô và nứt nẻ sáng hôm sau. Trong những tình huống này, tốt nhất là bạn nên để giữ cho đôi môi của bạn đủ ẩm suốt cả ngày bằng cách dưỡng môi, đặc biệt là trước khi đi ngủ và trao đổi với bác sĩ điều trị về vấn đề này.
5. Kem đánh răng
Nhiều loại kem đánh răng hiện nay có chứa thành phần sodium lauryl sulfate. Đây là thành phần có thể kích ứng khiến là nguyên nhân gây khô môi và nứt nẻ. Nếu bạn đang khó chịu với đôi môi nứt nẻ nguyên nhân từ kem đánh răng, hãy thử chuyển đổi kem đánh răng khác.
6. Các loại axit trong loại quả họ cam quýt
Các axit trong trái cây họ cam quýt có thể gây ra những kích ứng môi. Nước sốt cà chua có thể gây khó chịu và đau đớn khi bạn đang bị khô nứt nẻ môi. Một thành phần hóa học khác là Cinnamates- thường được sử dụng trong bánh kẹo, kẹo cao su và kem đánh răng cũng có thể có tác dụng tương tự như loại axit trong thành phần của trái cây họ cam quýt. Cho nên, bạn hãy hạn chế để chúng chạm vào phần môi bằng cách dùng ống hút thay thế.
7. Tiêu thụ quá nhiều vitamin A
Nếu bạn đang sử dụng quá nhiều vitamin A, hoặc đang dùng quá nhiều chất bổ sung vitamin A, có thể là nguyên nhân khô môi nứt nẻ. Nếu bạn dùng hơn 25.000 IU vitamin A mỗi ngày, điều này đồng nghĩa là bạn đang tiêu thụ quá nhiều vitamin A.
8. Bệnh lý dị ứng
Nhiều tác nhân gây dị ứng có thể là nguyên nhân môi khô nứt nẻ mùa hè, trong đó có dị ứng với coban và niken. Khi bạn sử dụng quá nhiều chất bổ sung vitamin B12, nó có thể gây ra dị ứng với coban, dẫn tới tình trạng nứt nẻ, khô môi và bong tróc môi.
9. Do thuốc đang sử dụng
Một số loại thuốc kê theo toa, như Accutane có tác dụng điều trị mụn trứng cá hay giảm nếp nhăn, thuốc huyết áp propranolol, hoặc thuốc điều trị chóng mặt prochlorperazine cũng có thể là nguyên nhân khô môi nứt nẻ.
10. Do mắc một số bệnh lý
Bệnh tự miễn dịch có thể khiến đôi môi của bạn trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời và là nguyên nhân khô môi nứt nẻ. Bệnh lý tuyến giáp và vẩy nến cũng có thể là nguyên nhân môi khô nứt nẻ mùa hè.
Nếu bạn mắc phải một số bệnh về tuyến giáp, vảy nến, hay tiểu đường hoặc nặng hơn nữa là bệnh Perleche, thì bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và tìm ra hướng điều trị kịp thời, để tránh gây ra những ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe nhé. Nguyên nhân là do đây là những trường hợp bệnh không chỉ khiến bờ môi bạn khô ráp, nứt nẻ, bong tróc mà thậm chí còn gây lở loét, rất đau đớn.
11. Do mắc những bệnh lý di truyền
Khi mắc những bệnh lý di truyền có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng môi khô kể cả vào mùa hè. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân rất hiếm khi xảy ra.
12. Do ảnh hưởng của môi trường xung quanh
Những tác động từ môi trường xung quanh như nắng, nóng, bụi bẩn... cũng là một trong những là nguyên nhân khô môi nứt nẻ xảy đến với bạn. Đồng thời, với tính chất công việc thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa với độ ẩm thấp khiến đôi môi của bạn cũng dễ trở nên khô ráp, nứt nẻ. Vì vậy, khi tiết trời mùa lạnh thời tiết hanh khô, bạn nên thoa kem dưỡng môi để cung cấp độ ẩm cần thiết cho môi.
13. Chế độ ăn nhiều đồ ăn mặn và cay
Chế độ ăn hàng ngày nhiều đồ ăn mặn và cay nóng có thể là nguyên nhân khô môi nứt nẻ. Những loại thực phẩm có chứa nhiều muối, đặc biệt là đồ ăn được phủ muối bên ngoài như gà rang muối, khoai tây chiên muối sẽ khiến một lượng muối dính lên bề mặt môi. Muối có tác dụng giữ nước tốt, vì vậy muối có thể hấp thụ nước từ da môi, khiến môi khô hơn. Bên cạnh đó, đồ ăn cay cũng có thể làm làn da của bạn bị kích ứng, mẩn đỏ và gây ra mất nước trên da. Việc cần làm là bạn nên tránh sử dụng các loại đồ ăn quá nhiều muối trong một thời gian và sử dụng son dưỡng môi có chứa sáp paraffin.
14. Do mỹ phẩm đang sử dụng
Nếu bạn là một người đang sử dụng son môi hàng ngày hoặc đã từng xăm môi. Tốt nhất, bạn nên dành chút thời gian để chăm sóc và dưỡng ẩm cho đôi môi của mình, và đừng quên tẩy trang cho môi thật sạch sau mỗi lần sử dụng nhé.
Sau khi bạn đã tìm hiểu cặn kẽ những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng da môi của bạn trở nên khô ráp, nứt nẻ, bong tróc. Bạn cần nhanh chóng xác định nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp để sở hữu một đôi môi căng mọng, mịn màng hơn. Một đôi môi căng mọng làm gương mặt bạn thật sự mang một nét đẹp hoàn hảo hơn bao giờ hết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.