Dầu thầu dầu được xem là một thành phần quan trọng trong các sản phẩm chăm sóc da, bao gồm cả son dưỡng môi và son môi. Thầu dầu rất giàu axit béo không bão hòa đơn, chất giữ ẩm như axit ricinoleic. Vậy dầu thầu dầu cho môi có tốt không?
1. Dầu thầu dầu là gì?
Dầu thầu dầu được chiết xuất từ hạt của cây Ricinus communis thông qua phương pháp ép lạnh. Đây là phương pháp tách dầu từ hạt của cây mà không cần sử dụng nhiệt. Sau khi thu thập, dầu được làm sạch và làm tinh khiết bằng cách sử dụng nhiệt. Khi dầu thầu dầu là một thành phần trong mỹ phẩm, nó thường được gọi là dầu hạt Ricinus communis.
2. Những rủi ro khi sử dụng dầu thầu dầu cho môi?
Theo một nghiên cứu năm 2007, dầu thầu dầu đã được chứng minh không là một chất gây kích ứng da hoặc khiến da trở nên nhạy cảm ánh nắng mặt trời đáng kể trong các thử nghiệm lâm sàng trên người. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2008 đã phát hiện ra rằng một số người có phản ứng dị ứng khi bôi dầu thầu dầu lên da của họ, mặc dù điều này hiếm khi xảy ra.
Nếu đang nghĩ đến việc sử dụng dầu thầu dầu cho môi, bạn hãy cân nhắc trao đổi với bác sĩ da liễu về các phản ứng dị ứng có thể xảy ra.
Ngoài ra, hãy cân nhắc thoa một lượng ít dầu lên vùng da nhỏ ở cẳng tay trước khi thoa lên những nơi khác trên cơ thể. Quan sát vùng da đó trong 24 giờ. Nếu không có phản ứng, chẳng hạn như mẩn đỏ hoặc ngứa, nhiều khả năng cơ thể bạn không bị dị ứng với dầu thầu dầu.
Nếu vô tình nuốt phải, một số rủi ro liên quan đến dầu thầu dầu có thể xảy ra bao gồm tiêu chảy và khởi phát chuyển dạ sanh tự nhiên.
Bên cạnh đó, hạt thầu dầu được sử dụng để sản xuất dầu có chứa một chất độc gọi là ricin. Tuy nhiên, dầu thầu dầu lại không chứa ricin vì chất này không phân tách thành dầu (theo một nghiên cứu năm 2007).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trừ trường hợp ăn phải hạt thầu dầu thì có rất ít khả năng cơ thể bị phơi nhiễm với chất độc ricin.
3. Cách dùng son dưỡng môi bằng dầu thầu dầu
Chúng ta có thể thoa dầu thầu dầu trực tiếp lên môi, có thể mua hoặc tự làm son dưỡng môi có thành phần chính là dầu thầu dầu.
Đại học Bang North Carolina đã công bố một công thức làm son dưỡng môi bằng dầu thầu dầu bao gồm các thành phần sau:
- 1 muỗng canh dầu thầu dầu (bạn có thể thay thế bằng các loại khác như dầu oliu hoặc dầu hạt nho);
- 1 muỗng canh dầu dừa;
- 1 muỗng cà phê bơ ca cao;
- 1/2 muỗng canh sáp ong;
- 1/2 muỗng cà phê bột ngọt và dầu vitamin E
Làm theo các bước sau có được sản phẩm dầu thầu dầu cho môi:
- Cho dầu thầu dầu, dầu dừa, bơ ca cao và sáp ong vào bát thủy tinh cỡ vừa hoặc bát bằng thép không gỉ;
- Đun nóng chảy các thành phần và khuấy đều bằng nĩa liên tục;
- Khi hỗn hợp đã hóa lỏng hoàn toàn, cho dầu vitamin E vào khuấy đều, sau đó lấy ra khỏi bếp;
- Đổ hỗn hợp vào một ống thiếc hoặc khuôn làm son dưỡng môi nhỏ;
- Sau đó để nguội và đông cứng lại trước khi sử dụng.
4. Các tác dụng khác của dầu thầu dầu
Ngoài những tác dụng hữu ích trên da và môi, dầu thầu dầu còn được sử dụng với các mục đích sau:
- Thuốc nhuận tràng: Khi dùng bằng đường uống, dầu thầu dầu có tác dụng nhuận tràng mạnh mẽ (theo một nghiên cứu năm 2012);
- Chất kháng viêm: Theo một nghiên cứu năm 2015, axit ricinoleic trong dầu thầu dầu có thể tác dụng giảm viêm và đau khi bôi tại chỗ;
- Chất kháng khuẩn: Một nghiên cứu năm 2016 trên chuột đã cho thấy, dầu thầu dầu có hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ;
- Thuốc chống nấm: Dầu thầu dầu có đặc tính chống nấm, theo nghiên cứu năm 2013 tập trung vào vi khuẩn (Enterococcus faecalis) và nấm (Candida albicans) trong khoang miệng.
Tóm lại, dầu thầu dầu được xem là an toàn cho da và môi của người sử dụng. Đây là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da. Mặc dù có thể xảy ra phản ứng dị ứng với việc bôi dầu thầu dầu nhưng tình trạng này rất hiếm khi xảy ra.
Axit ricinoleic trong dầu thầu dầu giúp giữ ẩm cho da bằng cách ngăn ngừa mất nước qua lớp ngoài của da. Tuy nhiên, khi bắt đầu bất kỳ chế độ chăm sóc da mới nào, bao gồm cả việc sử dụng dầu thầu dầu cho môi, người dùng tốt nhất nên thảo luận với bác sĩ da liễu để đảm bảo an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com