Các nguyên nhân gây cơn thèm ăn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Cơn thèm ăn là một hiện tượng thường gặp, có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, và đôi khi gây ảnh hưởng tới quá trình duy trì thực hiện một chế độ ăn nào đó.

1. Cơn thèm ăn là gì?

Cơn thèm ăn được định nghĩa là một sự ham muốn mạnh mẽ đối với đồ ăn, sự ham muốn này đôi khi không thể cưỡng lại, không thể kiểm soát được, và người xuất hiện cơn thèm ăn có thể sẽ không được thỏa mãn cho đến khi ăn được đúng loại thức ăn mà người đó đang thèm.

Cơn thèm ăn có thể là chọn lọc hoặc không chọn lọc. Cơn thèm ăn chọn lọc là sự ham muốn đối với những thức ăn nhất định, thường là loại thức ăn ưa thích, chẳng hạn như chocolate, khoai tây chiên, hay thậm chí chọn lọc hơn, như món bánh mì kẹp khoái khẩu ở một nhà hàng ưa thích. Cơn thèm ăn không chọn lọc là ham muốn ăn với bất kì loại thức ăn nào, và có thể là do bị đói thực sự hoặc chỉ là cảm giác đói, tuy nhiên nó cũng có thể là dấu hiệu của khát. Uống nước có thể giúp giải quyết cơn thèm ăn không chọn lọc.

Nhiều chuyên gia tin rằng những cơn thèm ăn thường chỉ kéo dài trong khoảng từ 3 tới 5 phút. Trải nghiệm của mỗi người về các cơn thèm ăn sẽ khác nhau, mang tính cá nhân. Đồ ăn vặt, các thức ăn chế biến chứa hàm lượng cao carbohydrate, muối và chất béo sẽ thường là mục tiêu của các cơn thèm ăn, và chúng cũng đặc biệt khó kiểm soát hơn so với các loại thức ăn khác.

Những cơn thèm ăn là trở ngại lớn đối với những người đang duy trì mục tiêu cân nặng hoặc đang thực hành một chế độ ăn lành mạnh, tuy nhiên không phải không có cách nào để đối phó với những cơn thèm ăn khi chúng xuất hiện.


Cơn thèm ăn đôi khi không thể kiểm soát được
Cơn thèm ăn đôi khi không thể kiểm soát được

2. Nguyên nhân khiến những cơn thèm ăn xuất hiện

Các cơn thèm ăn khởi phát từ những khu vực của não bộ chịu trách nhiệm về trí nhớ, kí ức, sự thỏa mãn và đáp ứng.

Sự mất cân bằng của nội tiết tố (chẳng hạn như leptin và serotonin) cũng có thể gây ra các cơn thèm ăn. Bên cạnh đó, cơn thèm ăn cũng có thể do sự tiết ra của các endorphin bên trong cơ thể khi nhìn thấy người khác ăn (phản ánh sự thèm muốn của bản thân).

Cảm xúc cũng có thể có liên quan tới sự xuất hiện của cơn thèm ăn, đặc biệt là với những người có thói quen tìm kiếm cảm giác thoải mái bằng cách ăn.

Phụ nữ mang thai là đối tượng có thể gặp những cơn thèm ăn mạnh mẽ, bởi họ đang trải qua những thay đổi về nội tiết tố, khiến sự cảm nhận về vị giác và khứu giác bị thay đổi so với bình thường.

Vấn đề dinh dưỡng và cơn thèm ăn cũng có thể có mối liên hệ nhất định, bởi khi cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng nào đó thì sẽ thèm những loại thức ăn chứa nhiều chất đấy.


Cơn thèm ăn mạnh mẽ ở các mẹ bầu
Cơn thèm ăn mạnh mẽ ở các mẹ bầu

3. Các phương pháp giải quyết khi xuất hiện cơn thèm ăn

Nếu chỉ thỏa mãn cơn thèm ăn khi nó xuất hiện thì sẽ rất dễ tạo thành thói quen mà không suy nghĩ tới hậu quả (đặc biệt là với những đồ ăn chứa nhiều carbohydrate, chất béo). Hãy thử sử dụng những phương pháp sau để giúp kiểm soát cơn thèm ăn:

3.1 Uống nước

Đôi khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu không thật chính xác, và nhiều trường hợp cơ thể mặc dù khát nước nhưng lại biểu hiện là thèm ăn, do đó ngay khi xuất hiện cảm giác thèm ăn, hãy thử uống nước ngay lập tức. Hãy thử uống một cốc nước lớn, sau đó đợi trong vài phút, nếu cơn thèm ăn biến mất, cơ thể đơn giản chỉ là khát nước. Hơn nữa việc uống nhiều nước cũng giúp ích cho những người đang muốn giảm cân.

3.2 Tập luyện

Một kết quả nghiên cứu xuất bản năm 2015 cho thấy đối với những người thừa cân xuất hiện cơn thèm ăn chocolate thì những quá trình tập luyện ngắn có thể giúp ích. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra chỉ cần 15 phút đi bộ đã giúp giảm cơn thèm ăn hiệu quả hơn so với việc ngồi thụ động chống chọi. Bất cứ khi nào cơn thèm ăn xuất hiện, hãy ngay lập tức đi dạo xung quanh, hoặc sử dụng các hình thức vận động khác (chẳng hạn như leo cầu thang).

3.3 Tập trung trí tuệ

Để phân biệt giữa việc cơ thể thực sự bị đói hay chỉ là một cơn thèm ăn đang xuất hiện, hãy thử tự trả lời câu hỏi “Bây giờ có muốn ăn một chút hoa quả không?”. Nếu câu trả lời là “Có”, thì dường như cơ thể thực sự đang đói, còn nếu câu trả lời là “Không”, rất có thể cơn thèm ăn đang hiện diện.


Uống nước giúp kiềm chế cơn thèm ăn
Uống nước giúp kiềm chế cơn thèm ăn

Nếu đang xuất hiện cơn thèm ăn, hãy thử suy nghĩ tiếp về những hậu quả có thể xảy ra về mặt lâu dài nếu mỗi cơn thèm ăn đều được thỏa mãn, chẳng hạn như:

  • Không thể giảm cân
  • Xảy ra các biến cố với sức khỏe
  • Không còn sung sức, khỏe mạnh để thực hiện các hoạt động trong ngày

Suy nghĩ về các hậu quả dài hạn như vậy giúp nhận ra những bất lợi sẽ có thể xảy đến, giúp kiểm soát cơn thèm ăn và tự nhắc nhở bản thân về việc duy trì chế độ ăn lành mạnh cũng như thận trọng với những thức ăn sẽ sử dụng.

3.4 Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể đóng vai trò nhất định trong việc xuất hiện các cơn thèm ăn. Do đó hãy tìm cách thư giãn, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.

3.5 Ngủ đủ giấc

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy thiếu ngủ gây ra mất cân bằng nội tiết tố, vốn là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xuất hiện các cơn thèm ăn.

3.6 Ăn đủ protein

Protein (từ các nguồn thực phẩm có lợi) là thành phần không thể thiếu trong một chế độ ăn lành mạnh, hơn thế nữa cung cấp đủ protein cho cơ thể sẽ giúp làm giảm sự xuất hiện của các cơn thèm ăn.

3.7 Tránh để cơ thể bị đói

Không có một chế độ ăn lành mạnh nào lại khiến cơ thể bị đói, và thực tế đã cho thấy để cơ thể bị đói sẽ khiến các cơn thèm ăn trở nên tồi tệ hơn. Khi cơ thể bị đói, nó sẽ muốn tiêu thụ những thức ăn giàu năng lượng, do đó mà chế độ ăn lành mạnh sẽ bị phá vỡ.


Ngủ đủ giấc giúp cân bằng nội tiết tố
Ngủ đủ giấc giúp cân bằng nội tiết tố

3.8 Nhai kẹo cao su

Nhai kẹo cao su làm giảm cảm giác nhàn rỗi của miệng, từ đó có thể giúp hạn chế sự xuất hiện của các cơn thèm ăn. Những người nhai kẹo cao su ít có cảm giác đói hơn, ít xuất hiện các cơn thèm ăn hơn và cảm thấy no lâu hơn so với những người không nhai kẹo cao su.

ThS.Bs Lê Thị Minh Hương đã có hơn 06 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, cấp cứu và hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, còn có khả năng thực hiện các kỹ thuật đặt catheter, thận nhân tạo ở bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu liên tục, thay huyết tương.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn: medicalnewstoday.com

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe