Trong năm đầu đời, trẻ lớn lên và phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và điều thú vị là trẻ không ngừng học hỏi. Những cột mốc quan trọng trong năm đầu tiên như bò, ngồi dậy, đứng, bước đi chập chững và trái tim của bạn có thể sẽ tan chảy khi nghe âm thanh đầu tiên của trẻ. Sự phát triển của trẻ sơ sinh không giống nhau, mỗi trẻ sẽ phát triển theo tốc độ của riêng mình. Hầu hết các em bé đều đạt được những mốc phát triển nhất định ở những độ tuổi tương tự nhau.
1. Mỉm cười
Khi được khoảng 2 tháng tuổi, trẻ sẽ mỉm cười đáp lại bạn. Giọng nói hoặc khuôn mặt của bạn thường là tất cả những gì cần thiết để gây cười cho trẻ. Thực ra, trẻ sơ sinh mỉm cười chủ yếu theo hai kiểu sau:
- Mỉm cười tự phát: Nụ cười như một phản xạ này xuất hiện sớm trong sự phát triển của trẻ sơ sinh, ngay từ những ngày đầu tiên của bé và kéo dài đến khi bé được 10 tuần tuổi.
- Mỉm cười xã giao: Xuất hiện như đáp lại điều gì đó, chẳng hạn như khi bạn hát hoặc nói chuyện với trẻ. Đây là điều mà hầu hết trẻ sơ sinh đạt được khi được hai tháng tuổi.
2. Cười thành tiếng
Khi trẻ được 4 tháng tuổi, bạn có thể mong chờ âm thanh ngọt ngào nhất mà bạn từng nghe - tiếng cười của con bạn, đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của trẻ khỏe mạnh. Điều tuyệt vời nhất là em bé rất dễ dàng cười. Chỉ cần bạn làm khuôn mặt ngờ nghệch, cù lét nhẹ hay chơi ú oà là quá đủ để tạo ra tiếng cười cho trẻ.
Tiếng cười cũng bổ ích cho trẻ - bé thích nghe giọng nói của chính mình và xem cách bạn phản ứng với âm thanh mà bé tạo ra. Một khi trẻ phát hiện ra cách cười, con bạn có thể cười chỉ vì cảm thấy vui hay đó là một âm thanh mới thú vị để tạo ra. Ngoài ra, với mỗi tiếng cười, trẻ đang học và thực hành cách di chuyển miệng và lưỡi để tạo ra các hiệu ứng âm thanh khác nhau.
Xem ngay: Tác hại khi trẻ em ngủ không đủ giấc
3. Ngủ nguyên đêm
Một đêm ngủ đủ giấc trở thành điều tuyệt vời đối với những người mới làm cha mẹ. Giai đoạn trước 3 tháng tuổi, trẻ ngủ nguyên đêm là điều khó xảy ra nhưng cha mẹ có thể yên tâm rằng việc này sẽ sớm đến. Khoảng tháng thứ 4-6, hầu hết trẻ đều có khả năng ngủ suốt đêm.
Trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu ngủ nhiều hơn khi chúng giảm nhu cầu bú thường xuyên, hình thành nhịp sinh học ngủ - thức.
4. Ngồi lên
Biết ngồi là sự kiện đặc biệt thú vị đối với trẻ, vì nó mở ra một thế giới vui chơi và khám phá hoàn toàn mới, mang đến cho bé một cách quan sát mới môi trường xung quanh.
Thời gian nằm sấp giúp củng cố phần trên cơ thể và cơ cổ mà bé cần để ngồi dậy. Khi được 4 tháng, trẻ thường có thể giữ vững đầu mà không cần hỗ trợ, đây là bước quan trọng để ngồi. Đến 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết ngồi với sự hỗ trợ bằng cách chống tay trước mặt hay dựa vào gối hoặc đồ đạc và khi 9 tháng tuổi, trẻ ngồi tốt mà không cần hỗ trợ.
Nếu con bạn gần 9 tháng và không thể tự ngồi hay với sự hỗ trợ, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa. Sự phát triển của trẻ sơ sinh là khác nhau, nhưng đây có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển kỹ năng vận động.
5. Bò
Em bé có thể sẽ bắt đầu biết bò ngay sau khi đã có thể ngồi tốt mà không cần người hỗ trợ, thường khi bé được 8 tháng tuổi. Sau thời điểm này, trẻ có thể ngẩng cao đầu để nhìn xung quanh, đồng thời cơ tay, chân và cơ lưng đủ khỏe để giữ trẻ không bị ngã trên sàn khi bò bằng tay và đầu gối.
Đến 9 tháng, hầu hết trẻ bò bằng cả hai tay và chân, mặc dù một số trẻ không muốn bò, thay vào đó trẻ thích trườn người hơn. Tập bò không phải là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh, một số trẻ sơ sinh khác tập đi trước thay vì tập bò vẫn đạt được các cột mốc quan trọng khác theo các giai đoạn phát triển.
Để khuyến khích sự phát triển của trẻ, đặt đồ chơi yêu thích vừa tầm với, khuyến khích trẻ với tay lấy đồ chơi. Khi em bé trở nên hoạt bát hơn, điều quan trọng là phải để em bé chơi trong môi trường an toàn, chẳng hạn như cho trẻ chơi trên sàn ở khu vực cách xa cầu thang.
Xem ngay: Trẻ tập cầm nắm đồ vật: Cột mốc phát triển quan trọng của bé
6. Vẫy chào tạm biệt
Theo sự phát triển của trẻ, bạn có thể mong đợi con mình vẫy tay “chào” hoặc “tạm biệt” vào khoảng chín tháng tuổi. Và không có gì lạ khi nhìn thấy em bé vẫy tay sớm nhất khi 6 tháng hay muộn nhất là 12 tháng.
Đạt được cột mốc quan trọng này cho thấy trẻ đang đạt được bước tiến trong quá trình phát triển hai kỹ năng: vận động và giao tiếp. Đầu tiên, trẻ cần có sự khéo léo để thực hiện động tác. Vẫy tay "tạm biệt" không chỉ là cử chỉ dễ thương hay là ngẫu nhiên mà nó còn là một cách diễn đạt ngôn ngữ của trẻ. Nó có thể bắt đầu đơn thuần là bắt chước người chăm sóc, nhưng vẫy tay nhanh chóng chuyển thành giao tiếp có ý nghĩa. Hầu hết trẻ bắt đầu biết tạo ra mối liên hệ giữa âm thanh, cử chỉ và ý nghĩa của nó. Các em bé đều hiểu rằng vẫy tay được kết nối với từ "tạm biệt".
7. Ăn bằng tay
Trong khoảng thời gian từ 9 đến 12 tháng, trẻ bắt đầu kiểm soát bàn tay và ngón tay tốt hơn, giúp dễ dàng cầm nắm các đồ vật nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ ở độ tuổi này thích khám phá mùi vị và kết cấu, vì vậy thức ăn không phải là thứ duy nhất chúng cố gắng đưa vào miệng. Vì vậy, an toàn môi trường nên trở thành mối quan tâm lớn của các bậc cha mẹ ở lứa tuổi này.
8. Tập đứng
Sau 8 tháng tuổi, cơ bắp của trẻ sẽ đủ khỏe để đứng nhưng trẻ chưa biết giữ thăng bằng đúng cách. Tựa vào đồ đạc để đứng lên là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ sẵn sàng đi những bước đầu tiên. Điều này giúp tăng cường khả năng phối hợp và sức mạnh cơ bắp chân của trẻ.
Đến 12 tháng tuổi, hầu hết trẻ bắt đầu đứng trong thời gian ngắn mà không cần hỗ trợ. Trẻ thực hiện các bước đi nhỏ trong khi giữ chặt đồ vật trong nhà. Tuy nhiên, trẻ có thể không biết cách ngồi xuống. Nếu bạn thấy con mình đang vật lộn với điều này, hãy hướng dẫn trẻ cách uốn cong đầu gối để trẻ ngồi xuống và đỡ trẻ xuống.
Bạn có thể giúp bé an toàn hơn bằng cách dọn dẹp không gian xung quanh trẻ, đồ chơi và các vật sắc nhọn để đảm bảo rằng đồ đạc không đổ lên người trẻ, đồng thời đặt vài chiếc đệm trên sàn phòng khi bé bị ngã.
9. Bước đi đầu tiên
Biết đi là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ, có lẽ không khoảnh khắc nào khác được mong đợi nhiều hơn là bước đầu tiên của trẻ. Nhưng không phải tất cả trẻ sơ sinh đều bước đi trong ngày sinh nhật đầu tiên của chúng. Độ tuổi trung bình trẻ đi được là khoảng từ 9 đến 17 tháng, hầu hết trẻ đi được ít nhất một vài bước lúc 13 tháng tuổi.
Trẻ sẽ bước những bước loạng quạng với hai chân, hai tay dang rộng. Điều này giúp trẻ giữ thăng bằng và đứng vững trên đôi chân của mình. Mặc dù, việc đi bộ có vẻ đơn giản, nhưng đối với trẻ, đó là thành tựu to lớn cần có thể lực, sự tự tin và một nơi an toàn để luyện tập.
10. Nói từ đầu tiên
“Mẹ! Bố!” Thật kỳ diệu khi nghe thấy con gọi tên bạn và điều này thường đến khi trẻ được một tuổi. Thời điểm này, hầu hết các bé đều có thể nói ít nhất một từ và cố gắng bắt chước người khác.
Trẻ sơ sinh thường bắt đầu nói một vài từ vào khoảng 1 tuổi, nhưng thật ra trẻ học cách giao tiếp rất lâu trước khi nói những từ đầu tiên. Ngay cả khi con bạn chưa biết nói, bạn có thể đã có giao tiếp với trẻ thông qua thủ thỉ, cười và cử chỉ. Trước những từ đầu tiên của trẻ, trẻ thường nói những âm tiết đơn lẻ và thường xuyên nói lắp bắp hoặc bập bẹ.
Ngôn ngữ và từ vựng của trẻ tiếp tục phát triển nhanh chóng sau khi trẻ bập bẹ nói từ đầu tiên. Đôi khi có thể là khoảng thời gian khó chịu cho trẻ khi hiểu người khác và muốn nói chuyện, nhưng khả năng phát âm vẫn chưa bắt kịp. Tuy nhiên, đến khi được 2 tuổi, trẻ sẽ có thể trả lời các câu hỏi đơn giản cũng như nhận biết mọi thứ trong tầm mắt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.