Các hướng dẫn về viêm ruột thừa

Bệnh viêm ruột thừa là một bệnh lý ngoại khoa cấp tính thường gặp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

1. Viêm ruột thừa là gì?

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, hẹp nằm ở tận cùng của ruột non, dài khoảng vài centimet và dính vào manh tràng (đoạn đầu của ruột già). Thành ruột thừa có chứa mô bạch huyết, đây là một phần của hệ miễn dịch chịu trách nhiệm sản xuất kháng thể.

Viêm ruột thừa đôi khi có nguyên nhân không rõ ràng và thường được cho là do sự tắc nghẽn tại vị trí lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng làm cho chất nhầy hoặc phân trở nên cứng gây tắc nghẽn. Hiện tượng này còn có tên gọi khác là “sỏi phân”. Trong một số trường hợp, có thể do mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau đó, vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở bên trong, hình thành mủ và sưng tấy, tạo ra áp lực gây đau bụng. Cơ thể chúng ta sẽ đáp ứng với hiện tượng này bằng cách tấn công để tiêu diệt các vi khuẩn. Đó chính là phản ứng viêm. Nếu tình trạng viêm tăng cao và nhiễm trùng lan rộng có thể làm tăng áp lực khiến ruột thừa vỡ ra, nhiễm trùng bên trong tràn ra ngoài và lan rộng trong ổ bụng. Biến chứng này được gọi là viêm phúc mạc và có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng huyết.

Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ ai với một số yếu tố nguy cơ như sau:

  • Tuổi: Viêm ruột thừa thường xảy ra ở những người trẻ tuổi từ 15 đến 30 tuổi;
  • Giới tính: Nam nhiều hơn nữ;
  • Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị viêm ruột thừa có nguy cơ cao mắc bệnh này;
  • Có một số nghiên cứu cho rằng chế độ ăn ít chất xơ cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm ruột thừa.

2. Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa

Các triệu chứng cơ năng của bệnh viêm ruột thừa:

  • Đau bụng: Khởi phát với tình trạng đau bụng nghiêm trọng tại vị trí quanh rốn hoặc vùng dạ dày, sau vài giờ sẽ lan xuống phía dưới bên phải (hố chậu phải). Cơn đau thường xảy ra âm ỉ, ít khi đau dữ dội hay đau thành cơn. Khi ho hoặc thay đổi tư thế làm đau nhiều hơn;
  • Chán ăn: Đây là một dấu hiệu viêm ruột thừa mà bạn cần phải chú ý. Nguyên nhân do khi ruột thừa viêm làm ức chế quá trình sinh ra hormone gây thèm ăn làm cho người bệnh không có hứng thú muốn ăn uống;
  • Sốt: Nhiệt độ số dao động từ 38-39 độ, trong trường hợp sốt cao có thể đã qua giai đoạn biến chứng;
  • Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như nôn và buồn nôn, tiêu chảy, chướng bụng.

Triệu chứng thực thể nhận biết viêm ruột thừa:

  • Ở giai đoạn sớm, bụng bệnh nhân vẫn còn di động theo nhịp thở. Tuy nhiên khi đã có biến chứng thì sẽ có tình trạng kém di động;
  • Bệnh nhân thường có sốt nhẹ, ít khi cao quá 90 độ, mạch bình thường hoặc hơi tăng. Khi có những thay đổi quá mức có thể đã là biến chứng hoặc nên xem xét đến chẩn đoán khác;
  • Trên lâm sàng, do không có vị trí nhất định nên điểm đau viêm ruột thừa sẽ không cố định cho mọi trường hợp, điểm đau thường gặp nhất là ở hố chậu phải khi ruột thừa ở vị trí phía trước. Cảm giác đau nhất thường nằm ở ngay điểm đau Mc Burney hoặc gần đó;
  • Dấu hiệu giảm áp (dấu Blumberg) hay gặp rõ ràng ở hố chậu phải. Nếu bệnh nhân dương tính với dấu hiệu này chứng tỏ có sự kích thích phúc mạc;
  • Dấu Rovsing: Bệnh nhân sẽ thấy đau ở hố chậu phải khi đè vào hố chậu trái, điều này cũng cho thấy sự kích thích phúc mạc.

Viêm ruột thừa cấp khiến người bệnh gặp những cơn đau tại vùng hố chậu phải
Viêm ruột thừa cấp khiến người bệnh gặp những cơn đau tại vùng hố chậu phải

3. Các thể bệnh của viêm ruột thừa

Các triệu chứng lâm sàng của viêm ruột thừa cấp thay đổi tùy theo vị trí của ruột thừa và từng cá thể lâm sàng. Có một số thể lâm sàng như:

  • Viêm ruột thừa trẻ em: Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em có phần khó hơn ở người lớn do khó khai thác các triệu chứng ở trẻ nhỏ một cách chính xác. Làm dẫn đến chậm trễ và có tỷ lệ viêm phúc mạc cao hơn. Trong trường hợp bệnh tiến triển nhanh đến thủng và đặc điểm ở trẻ em có mạc nối lớn kém phát triển nên khó khu trú được ruột thừa vỡ, do đó hay bị biến chứng nặng.
  • Viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai: Đây là một cấp cứu cần phải được phẫu thuật gấp trong thai kỳ. Các triệu chứng của viêm ruột thừa có thể bị nhầm lẫn với cảm giác khó chịu thường ngày do mang thai. Trong thời gian mang thai, ruột thừa có thể di chuyển đến vị trí khác nên việc chẩn đoán khó khăn hơn. Chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể dẫn tới vỡ ruột thừa gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
  • Viêm ruột thừa ở người già: Triệu chứng viêm ruột thừa ở người già có thể nặng hơn hoặc kém hơn bình thường như sốt ít, không có phản ứng thành bụng rõ ràng, bạch cầu không tăng cao.

4. Chẩn đoán cận lâm sàng viêm ruột thừa

4.1. Xét nghiệm công thức máu

Để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Bệnh nhân viêm ruột thừa thường có số lượng bạch cầu tăng nhẹ từ 10000-18000 kèm theo tăng bạch cầu đa nhân vừa phải từ 75- 78%. Sự thay đổi trong công thức máu rất có ích trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ở trẻ em, ngược lại ở bệnh nhân cao tuổi hoặc bị suy giảm miễn dịch thì bạch cầu có thể không tăng cao.

4.2. Siêu âm ổ bụng

Phương pháp này giúp kiểm tra tình trạng viêm ruột thừa và giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở người bệnh như áp xe hay sỏi phân. Hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy ruột thừa viêm là một cấu trúc căng, không thể làm xẹp, không có nhu động, bên trong giãn to ra, bờ phía trong có hiện tượng phản âm tăng và bờ phía ngoài phù nề ít phản âm. Ngoài ra, siêu âm còn giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh phụ khoa, viêm túi thừa manh tràng,..

4.3. Chụp phim bụng thẳng

Có giá trị chẩn đoán không cao trong viêm ruột thừa cấp

4.4. Thử thai

Có một số trường hợp thai ngoài tử cung bị nhầm lẫn với viêm ruột thừa do vị trí đau và triệu chứng đau tương đối giống nhau. Thai ngoài tử cung có nguyên nhân do trứng đã thụ tinh tự làm tổ trong ống dẫn trứng thay vì ở tử cung như thông thường. Đây cũng là một trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Để chẩn đoán phân biệt với mang thai ngoài tử cung, bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để xác định. Ngoài ra, có thể sử dụng siêu âm qua ngã âm đạo để xác định vị trí nơi trứng thụ tinh đã làm tổ.

5. Biến chứng của viêm ruột thừa

5.1. Viêm phúc mạc toàn bộ

Đây là hậu quả nặng nề nhất do viêm ruột thừa gây nên nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nguyên nhân do ruột thừa viêm bị vỡ chảy dịch vào ổ bụng gây nên tình trạng nhiễm trùng.

5.2. Áp xe ruột thừa

Ruột thừa được bao bọc nhờ các mạc nối và quai ruột, nếu ruột thừa viêm và vỡ ra nhưng chưa tràn ra ổ bụng nhờ các cấu trúc bảo vệ này thì sẽ tạo thành khối áp xe ruột thừa. Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao và đau khi ấn vào hố chậu phải, bạch cầu tăng cao. Nếu không được xử trí kịp thời thì áp xe có thể vỡ vào ổ bụng gây ra biến chứng viêm phúc mạc như trên.

5.3. Đám quánh ruột thừa

Khi bệnh nhân có sức đề kháng tốt, các quai ruột và mạc treo hoạt động tốt sẽ trở thành một đám quánh ruột thừa bao bọc lấy khối viêm ruột thừa. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng lâm sàng cải thiện, đỡ đau hơn và khám thấy vùng hố chậu phải có một khối cứng chắc, không di động, đau nhẹ. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu không tăng cao như 2 trường hợp trên hoặc có thể bình thường. Bệnh nhân mắc phải đám quánh ruột thừa không có chỉ định mổ cấp cứu mà theo dõi và chỉ định mổ chương trình trong 2 tháng sau.


Viêm phúc mạc toàn bộ là một trong các biến của bệnh viêm ruột thừa
Viêm phúc mạc toàn bộ là một trong các biến của bệnh viêm ruột thừa

6. Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?

Điều trị viêm ruột thừa thường phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm. Bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh trước khi phẫu thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng.

  • Dẫn lưu trước khi phẫu thuật: Nếu ruột thừa đã vỡ và hình thành khối áp xe quanh ruột thừa, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật đặt ống dẫn lưu qua thành bụng để đưa mủ ra bên ngoài. Sau vài tuần khi đã kiểm soát được nhiễm trùng, phẫu thuật có thể được thực hiện.
  • Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa: Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà bệnh nhân sẽ được phẫu thuật mổ hở hay phẫu thuật qua nội soi. Bác sĩ sẽ rạch một đường da trên vùng bụng dài 5-10cm để mở bụng (đối với mổ hở) hoặc vài vết rạch nhỏ trên bụng (mổ nội soi). Khi mổ nội soi, bác sĩ sẽ đưa vào ổ bụng bệnh nhân một camera để quan sát và các thiết bị chuyên dùng cắt bỏ ruột thừa. Phương pháp này có ưu điểm giúp bệnh nhân phục hồi sau mổ nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân bị vỡ ruột thừa và nhiễm trùng đã lan tràn ra bên ngoài hoặc có áp xe thì bắt buộc phải phẫu thuật mổ hở để cắt ruột thừa và làm sạch khoang bụng.

7. Cơ thể sẽ phục hồi bao lâu sau phẫu thuật?

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật viêm ruột thừa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe toàn thân có tốt hay không, có xảy ra các biến chứng hay không và phương pháp phẫu thuật đã thực hiện.

Nếu được điều trị bằng phương pháp nội soi, bạn có thể xuất viện vài ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật mổ mở thì vết thương sẽ lớn và yêu cầu thời gian nằm viện cũng như phục hồi hậu phẫu lâu hơn.

Sau khi phẫu thuật, cần giữ cho vết thương sạch sẽ và khô. Khi tự rửa vết thương tại nhà cần phải rửa tay thật sạch sẽ trước khi chạm vào và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không mặc quần áo quá chật làm kích ứng đến vết thương. Giữ cho vùng da tránh khỏi ánh nắng mặt trời để tránh sẹo sẫm màu. Vết thương sẽ lành dần trong khoảng 4 đến 6 tuần và sẹo sẽ mờ dần trong 12 tháng tiếp theo.

Sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường nên cần được nghỉ ngơi hợp lý.

8. Phòng ngừa viêm ruột thừa

Bệnh viêm ruột thừa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế nguy cơ phát triển bệnh này bằng một chế độ ăn giàu chất xơ. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những quốc gia có chế độ ăn giàu chất xơ sẽ có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn.

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ bao gồm: Trái cây, rau củ, các loại đậu, bột yến mạch, lúa mì và các loại ngũ cốc khác.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày giúp cho đường ruột được làm sạch tốt hơn, lưu thông thức ăn hiệu quả và hạn chế các tình trạng tắc nghẽn gây viêm ruột thừa.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tránh các thực phẩm có hại cho sức khỏe.

Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp tính và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, khi thấy bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ viêm ruột thừa thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe