Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý khớp viêm thường gặp, nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như mù lòa, đau dạ dày và ruột do liên quan đến việc sử dụng thuốc chống viêm, tăng nguy cơ xơ sẹo phổi, bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, loãng xương và các bệnh ung thư khác...
1. Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?
Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý viêm khớp mạn tính thường gặp và là một bệnh hệ thống điển hình với cơ chế bệnh sinh phức tạp. Đây là tình trạng viêm màng hoạt dịch mạn tính của các khớp được đặc trưng bởi biểu hiện viêm nhiều khớp đối xứng, kèm theo triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng và sự xuất hiện của các yếu tố dạng thấp trong huyết thanh.
Hiện nay nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa xác định được rõ ràng. Nhưng một số nguyên nhân có liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể kể tới đó là di truyền, giới tính, ảnh hưởng của môi trường, nhiễm trùng, thuốc lá,... Trong đó, yếu tố di truyền đóng góp một phần không nhỏ hình thành nên bệnh, cụ thể là yếu tố liên quan tới tổ chức kháng nguyên hòa hợp HLA DR4. Do vậy, nếu trong gia đình có một người bị mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thì khả năng cao hơn người thân sẽ bị mắc bệnh này.
2. Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?
Viêm khớp dạng thấp là một trong những loại bệnh viêm khớp gây tàn phế nhiều nhất. Nếu người bệnh không được điều trị sớm và đúng cách thì tình trạng bệnh sẽ diễn biến mạn tính với những đợt tiến triển liên tiếp, các khớp nhanh chóng bị biến dạng và thậm chí không thể phục hồi được.
Do đó, viêm khớp dạng thấp rất nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề, biến chứng toàn thân và là gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh.
3. Những hậu quả của bệnh viêm khớp dạng thấp
Hậu quả của viêm khớp dạng thấp có thể kể đến như:
- Tàn phế biến dạng khớp: Hậu quả của bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra biến dạng khớp, tàn phế chức năng của các chi như bàn tay, bàn chân. Dẫn tới tình trạng đi lại khó khăn cũng như trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Một số trường hợp có tổn thương cột sống cổ để lại những biến chứng về thần kinh và thậm chí có thể liệt tứ chi. Các nghiên cứu thống kê cho thấy có tới 33% tổng số bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị giảm hoặc mất khả năng lao động sau 5 năm. Bên cạnh đó có khoảng 40% người bệnh viêm khớp dạng thấp tàn phế do biến dạng khớp sau 10 năm.
- Loãng xương: Chính bệnh viêm khớp dạng thấp đã góp phần làm tăng nguy cơ loãng xương, khiến cho các xương bị yếu và dễ gãy. Tỷ lệ gãy xương ở bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp cao hơn gấp đôi so với ở người bình thường. Loãng xương còn là một trong những biến chứng của quá trình điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp không đúng cách. Việc lạm dụng các thuốc giảm đau hoặc sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc như thuốc Bắc, thuốc Nam có chứa corticoid dẫn đến loãng xương cho người bệnh.
- Hội chứng ống cổ tay: Đây là một trong những hậu quả của viêm khớp dạng thấp. Nguyên nhân là do bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng tới các xương cổ tay trên bệnh nhân.
- Các vấn đề tim mạch: Động mạch tăng nguy cơ bị xơ cứng và tắc, viêm màng ngoài tim.
- Bệnh phổi: Người bệnh bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ tăng viêm và xơ hóa mô phổi, điều này dẫn tới tình trạng khó thở tăng dần.
- Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu dạng lympho.
- Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid hoặc các chế phẩm corticoid có thể gây một loạt các vấn đề cho sức khỏe như hội chứng cushing, suy thượng thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng chảy máu,...
- Bệnh viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng đến toàn thân, suy mòn thể chất. Bệnh nhân có biểu hiện gầy sút, ăn kém, mệt mỏi, vận động kém, ra nhiều mồ hôi. Thậm chí còn kèm theo các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.
4. Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Hiện nay chưa có phác đồ điều trị khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp hoàn toàn, thay vào đó là điều trị các triệu chứng giúp giảm viêm, giảm đau các khớp và dự phòng cũng như làm chậm các tổn thương của khớp. Mục đích của quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Kiểm soát quá trình viêm khớp cũng như quá trình miễn dịch.
- Phòng ngừa hủy hoại khớp kết hợp với bảo vệ các chức năng của khớp. Giảm thiểu tối đa các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Hạn chế những biến chứng có thể xảy ra cũng như biến chứng do các thuốc điều trị.
- Giáo dục tư vấn cho người bệnh các kiến thức cơ bản về bệnh viêm khớp dạng thấp nhằm phục vụ quá trình điều trị được hiệu quả. Bên cạnh đó, cần kết hợp phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Với những tiến bộ của y học cùng với sự ra đời của những nhóm thuốc mới trong điều trị bệnh lý viêm khớp dạng thấp đã làm thay đổi tiên lượng cơ bản của bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp. Các nhóm thuốc DMARD’s hay các thuốc ức chế tế bào lympho T và lympho B hoặc phương pháp ghép tế bào nguồn hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả điều trị trong tương lai.
Tóm lại, bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mạn tính có diễn biến phức tạp và để lại nhiều hậu quả nặng nề như tàn phế biến dạng khớp, loãng xương, rút ngắn tuổi thọ, gánh nặng kinh tế cho gia đình,... Do vậy, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu nhằm làm giảm triệu chứng và chậm quá trình tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.