Hầu hết bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện dựa vào kết quả xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) hoặc khám trực tràng kỹ thuật số (DRE). Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể nhưng khi bệnh đã đến giai đoạn nguy hiểm thì các triệu chứng mới thể hiện rõ. Vậy các biện pháp nào chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt chính xác?
1.Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để xác định giai đoạn của bệnh và liệu ung thư có di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hay không. Khi biết được giai đoạn của bệnh sẽ giúp đội ngũ cán bộ Y tế lên phác đồ điều trị tốt cho người bệnh.
Ung thư tuyến tiền liệt được phân giai đoạn bằng cách sử dụng các thông tin chính như sau:
- Kích thước và mức độ mở rộng của khối u
- Liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó chưa
- Liệu ung thư đã lan đến các cơ quan hoặc mô khác trong cơ thể chưa
- Mức PSA khi chẩn đoán
- Điểm Gleason từ kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt.
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt là:
- Giai đoạn I: khối u chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Khối u nhỏ và có thể có hoặc không thể sờ thấy khi khám trực tràng kỹ thuật số hoặc nhìn thấy bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Nếu có thể nhìn thấy khối u thông qua các xét nghiệm thì khối u chiếm một nửa hoặc ít hơn của tuyến tiền liệt và chỉ nằm ở một bên. Điểm Gleason từ mức 6 trở xuống và cấp PSA dưới 10.
- Giai đoạn IIA: khối u chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Điểm Gleason có thể là 6 hoặc thấp hơn nhưng mức PSA từ 10 đến 20, hoặc điểm Gleason có thể là 7 và mức PSA nhỏ hơn 20. Khối u có thể chiếm hơn một nửa tuyến tiền liệt.
- Giai đoạn IIB: khối u chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Khối u nhỏ và có thể không sờ thấy khi kiểm tra trực tràng kỹ thuật số hoặc nhìn thấy bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, những điểm Gleason từ 8 trở lên hoặc mức PSA từ 20 trở lên. Nếu khối u có thể được nhìn thấy bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và nằm ở cả hai bên của tuyến tiền liệt.
- Giai đoạn III: khối u đã lan ra lớp ngoài của tuyến tiền liệt và có thể đã lan đến túi tinh, nhưng không đến các hạch bạch huyết lân cận. Mức PSA và điểm Gleason có thể là bất kỳ mức độ nào.
- Giai đoạn IV: ung thư đã lan đến các mô lân cận như túi tinh, trực tràng hoặc bàng quang, đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc đến các bộ phận xa của cơ thể như xương. Mức PSA và điểm Gleason có thể là bất kỳ mức độ nào.
Các xét nghiệm để xác định giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
- Siêu âm trực tràng
- Sinh thiết hoặc loại bỏ các hạch bạch huyết, các mô từ các hạch bạch huyết được lấy để kiểm tra dưới kính hiển vi
- Chụp xương
- CT, MRI hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
2. Các biện pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
2.1. Hỏi tiền sử bệnh lý và khám sức khỏe
Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có thể bị ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về bất kỳ triệu chứng nào đang gặp phải, chẳng hạn như bất kỳ vấn đề nào về đường tiết niệu hoặc tình dục và thời gian xuất hiện các triệu chứng này trong bao lâu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được hỏi về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, bao gồm cả tiền sử gia đình.
Bác sĩ cũng sẽ khám cho người bệnh như kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE) bằng cách, bác sĩ sẽ mang găng tay, bôi trơn tay và đưa một ngón tay vào trực tràng của người bệnh để cảm nhận bất kỳ cục sưng hoặc vùng cứng nào trên tuyến tiền liệt nghi ngờ có thể là ung thư. Nếu người bệnh bị ung thư, đôi khi DRE có thể giúp bác sĩ biết liệu khối ung thư chỉ nằm ở một bên hay cả hai bên của tuyến tiền liệt hay đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các mô lân cận hay không. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các vùng khác trên cơ thể người bệnh.
2.2. Xét nghiệm máu PSA ở nam giới có thể bị ung thư tuyến tiền liệt
Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) là một loại protein được tạo ra bởi các tế bào trong tuyến tiền liệt (cả tế bào bình thường và tế bào ung thư). PSA chủ yếu có trong tinh dịch, nhưng một lượng nhỏ cũng có trong máu.
Xét nghiệm máu PSA được sử dụng chủ yếu để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới không có triệu chứng. Đây cũng là một trong những xét nghiệm đầu tiên được thực hiện ở nam giới có xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ là do ung thư tuyến tiền liệt gây ra.
PSA trong máu được đo bằng đơn vị gọi là nanogam trên mililit (ng/mL). Khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi mức PSA tăng lên, nhưng không có điểm giới hạn nào có thể biết chắc chắn người đàn ông đó có mắc hay không bị ung thư tuyến tiền liệt hay không. Nhiều bác sĩ sử dụng điểm cắt PSA là 4 ng/mL hoặc cao hơn khi quyết định xem nam giới đó có thể cần xét nghiệm hay kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác hay không, trong khi những bác sĩ khác có thể đề nghị bắt đầu ở mức thấp hơn, chẳng hạn như 2,5 hoặc 3.
Hầu hết đàn ông không bị ung thư tuyến tiền liệt có mức PSA dưới 4 ng/mL máu. Tuy nhiên, mức độ dưới 4 không đảm bảo chắc chắn nam giới đó người không bị ung thư.
Nam giới có mức PSA từ 4 đến 10 (thường được gọi là “khoảng giới hạn”) có khoảng 1/4 khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt. Nếu PSA trên 10, khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt là hơn 50%. Nếu mức PSA cao, bạn có thể cần thêm các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để tìm ung thư tuyến tiền liệt.
2.3. Xét nghiệm máu PSA ở nam giới đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Xét nghiệm PSA cũng có thể hữu ích nếu người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ở nam giới vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, mức PSA có thể được kết hợp cùng với kết quả khám sức khỏe và mức độ khối u (được xác định trên sinh thiết) để giúp quyết định xem có cần thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác (như chụp CT hoặc chụp xương) hay không.
Mức PSA được sử dụng để giúp xác định giai đoạn ung thư của người bệnh. Kết quả này có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị, vì một số phương pháp điều trị (chẳng hạn như phẫu thuật và bức xạ) có thể không hữu ích nếu ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Các xét nghiệm PSA thường là một phần quan trọng trong việc xác định hiệu quả của việc điều trị cũng như theo dõi khả năng tái phát của ung thư sau khi điều trị.
2.4. Sinh thiết tuyến tiền liệt
Nếu kết quả xét nghiệm máu PSA, DRE hoặc các xét nghiệm khác cho thấy người bệnh có thể bị ung thư tuyến tiền liệt, bước tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt.
Sinh thiết là một kỹ thuật trong đó các mẫu nhỏ của tuyến tiền liệt được lấy ra và sau đó được quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết lõi (core needle biopsy) là phương pháp chính được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ thường xem xét tuyến tiền liệt bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm qua trực tràng (TRUS) hoặc MRI, hoặc kết hợp cả hai. Bác sĩ nhanh chóng đưa một cây kim mỏng và rỗng vào tuyến tiền liệt. Kim mỏng này sẽ đi qua thành trực tràng (sinh thiết qua trực tràng) hoặc qua da giữa bìu và hậu môn (sinh thiết xuyên tử cung). Khi kim được rút ra, nó sẽ loại bỏ một hình trụ nhỏ của mô tuyến tiền liệt. Kỹ thuật này thường được lặp lại nhiều lần. Thông thường, bác sĩ sẽ lấy khoảng 12 mẫu lõi như vậy từ các phần khác nhau của tuyến tiền liệt.
Mặc dù thủ thuật nghe có vẻ đau đớn, nhưng mỗi lần sinh thiết thường chỉ gây ra một số khó chịu ngắn, vì kỹ thuật được thực hiện bằng một dụng cụ sinh thiết có lò xo đặc biệt. Dụng cụ này sẽ chèn và rút kim chỉ trong một của phần giây. Hầu hết các bác sĩ làm sinh thiết sẽ gây tê khu vực này trước bằng cách tiêm thuốc gây tê cục bộ dọc theo tuyến tiền liệt.
Quá trình sinh thiết này thường mất khoảng 10 phút. Người bệnh có thể sẽ được cho uống thuốc kháng sinh trước khi làm sinh thiết và có thể uống thêm một hoặc 2 ngày sau đó để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Trong vài ngày sau khi làm thủ thuật, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau nhức ở khu vực sinh thiết và có thể thấy máu trong nước tiểu. Người bệnh cũng có thể bị chảy máu nhẹ từ trực tràng, đặc biệt nếu người bệnh có bị trĩ. Nhiều nam giới có máu trong tinh dịch hoặc có tinh dịch màu gỉ sắt, tình trạng này có thể kéo dài vài tuần sau khi sinh thiết, tùy thuộc vào tần suất nam giới xuất tinh.
Các mẫu sinh thiết của người bệnh sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm, nơi chúng sẽ được xem xét dưới kính hiển vi để xem chúng có chứa tế bào ung thư hay không. Kết quả thường có sau ít nhất từ 1 đến 3 ngày, nhưng đôi khi có thể lâu hơn. Các kết quả có thể có bao gồm:
- Dương tính với ung thư: Các tế bào ung thư đã được tìm thấy trong các mẫu sinh thiết.
- Âm tính với ung thư: Không có tế bào ung thư nào được tìm thấy trong các mẫu sinh thiết.
- Nghi ngờ: mặc dù có thấy một số dấu hiệu bất thường, nhưng có thể không phải là ung thư.
2.5. Nếu sinh thiết âm tính
Nếu kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt là âm tính và khả năng người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt không cao dựa trên mức PSA và các xét nghiệm khác, người bệnh có thể không cần thêm các xét nghiệm khác nữa, ngoại trừ các xét nghiệm PSA lặp lại (và có thể cả DRE) sau đó.
Nhưng ngay cả khi lấy nhiều mẫu tuyến tiền liệt, sinh thiết đôi khi vẫn có thể bỏ sót ung thư nếu kim sinh thiết không lấy được tế bào ung thư ra khỏi tiền liệt tuyến. Đây được gọi là kết quả âm tính giả. Nếu bác sĩ vẫn nghi ngờ người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt (ví dụ: khi mức PSA của người bệnh rất cao), bác sĩ có thể chỉ định thêm:
- Làm các xét nghiệm khác (máu, nước tiểu hoặc mẫu sinh thiết tuyến tiền liệt) để giúp bác sĩ biết rõ hơn liệu người bệnh có thể bị ung thư tuyến tiền liệt hay không. Ví dụ về các xét nghiệm như chỉ số sức khỏe tuyến tiền liệt (Prostate Health Index), xét nghiệm 4Kscore, xét nghiệm PCA3 (chẳng hạn như Progensa) và ConfirmMDx.
- Làm lại sinh thiết tuyến tiền liệt. Lần này có thể bác sĩ sẽ lấy thêm các mẫu của các phần của tuyến tiền liệt chưa được sinh thiết ở lần đầu tiên hoặc sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như MRI để xem xét kỹ hơn các khu vực bất thường cần đặc biệt chú ý hơn.
2.6. Xét nghiệm di truyền cho một số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt
Một số bác sĩ hiện nay khuyên một số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt nên thực hiện xét nghiệm này để tìm những thay đổi gen di truyền. Xét nghiệm di truyền nên thực hiện ở những nam giới nghi ngờ có hội chứng ung thư gia đình (chẳng hạn như đột biến gen BRCA hoặc hội chứng Lynch), cũng như những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt có một số đặc điểm nguy cơ cao hoặc đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
2.7. Siêu âm qua trực tràng (TRUS)
Đối với kỹ thuật chẩn đoán này, một đầu dò nhỏ có chiều rộng bằng ngón tay được bôi trơn và đặt vào trực tràng của người bệnh. Đầu dò phát ra sóng âm thanh đi vào tuyến tiền liệt và tạo ra tiếng vang. Đầu dò thu nhận những tiếng vang và một máy tính biến những âm thanh này thành hình ảnh đen trắng của tuyến tiền liệt.
Quy trình này thường mất ít hơn 10 phút. Người bệnh sẽ cảm thấy một chút áp lực khi đầu dò được đưa vào, nhưng thường không đau. Khu vực này có thể được gây tê trước khi làm thủ thuật.
TRUS có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau:
- Đôi khi được sử dụng để tìm kiếm các khu vực đáng ngờ trong tuyến tiền liệt ở nam giới có kết quả xét nghiệm DRE hoặc PSA bất thường..
- Có thể được sử dụng trong khi sinh thiết tuyến tiền liệt để dẫn kim vào đúng khu vực của tuyến tiền liệt.
- Có thể được sử dụng để đo kích thước của tuyến tiền liệt, có thể giúp xác định mật độ PSA.
- Có thể được sử dụng để hướng dẫn trong một số hình thức điều trị như liệu pháp brachytherapy (xạ trị bên trong) hoặc liệu pháp áp lạnh.
Các dạng TRUS mới hơn, chẳng hạn như siêu âm Doppler màu, thậm chí có thể hữu ích hơn trong một số trường hợp.
2.8. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mềm trong cơ thể bằng cách sử dụng sóng vô tuyến và nam châm mạnh. Chụp MRI có thể cho bác sĩ hình ảnh rất rõ ràng về tuyến tiền liệt và các khu vực lân cận. Chất cản quang được gọi là gadolinium có thể được tiêm vào tĩnh mạch trước khi chụp để nhìn rõ hơn về chi tiết.
MRI có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau:
- Có thể được sử dụng để giúp xác định xem nam giới có xét nghiệm sàng lọc bất thường hoặc có các triệu chứng nghi ngờ do ung thư tuyến tiền liệt thì có nên làm sinh thiết tuyến tiền liệt hay không.
- Nếu có kế hoạch sinh thiết tuyến tiền liệt, MRI có thể được thực hiện để giúp xác định vị trí và nhắm mục tiêu các khu vực của tuyến tiền liệt có nhiều khả năng chứa ung thư nhất.
- MRI có thể được sử dụng trong khi sinh thiết tuyến tiền liệt để giúp dẫn kim đâm vào tuyến tiền liệt.
- Nếu ung thư tuyến tiền liệt đã được phát hiện, MRI có thể được thực hiện để giúp xác định mức độ (giai đoạn) của ung thư. Chụp MRI có thể cho biết ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt vào túi tinh hoặc các cấu trúc lân cận khác hay chưa. Điều này có thể rất quan trọng trong việc xác định các lựa chọn điều trị của người bệnh.
2.9. Chụp xương
Nếu ung thư tuyến tiền liệt di căn đến các bộ phận xa của cơ thể thì ung thư thường đi đến xương đầu tiên. Chụp xương có thể giúp xác định xem ung thư đã đến xương hay chưa.
Đối với kỹ thuật này, người bệnh được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ mức độ thấp, chất này lắng đọng ở những vùng xương bị tổn thương trên khắp cơ thể. Một máy ảnh đặc biệt sẽ phát hiện phóng xạ và tạo ra hình ảnh bộ xương của người bệnh.
Chụp CT xương có thể gợi ý ung thư trong xương, nhưng để chẩn đoán chính xác, có thể cần các kỹ thuật chẩn đoán khác như chụp X-quang đơn giản, chụp CT hoặc MRI hoặc thậm chí sinh thiết xương.
2.10. Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết, mặt cắt ngang của cơ thể bạn. Xét nghiệm này thường không cần thiết đối với ung thư tuyến tiền liệt mới được chẩn đoán nếu ung thư có khả năng khu trú ở tuyến tiền liệt dựa trên các phát hiện khác (kết quả DRE, mức PSA và điểm Gleason). Tuy nhiên, đôi khi nó có thể giúp biết liệu ung thư tuyến tiền liệt đã di căn vào các hạch bạch huyết gần đó hay chưa. Nếu ung thư tuyến tiền liệt của bạn đã tái phát sau khi điều trị, chụp CT thường có thể cho biết liệu nó có phát triển sang các cơ quan hoặc cấu trúc khác trong xương chậu của bạn hay không.
Chụp CT không hữu ích như chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát tuyến tiền liệt.
2.11. Sinh thiết hạch bạch huyết
Trong sinh thiết hạch bạch huyết, còn được gọi là bóc tách hạch bạch huyết hoặc cắt bỏ hạch bạch huyết, một hoặc nhiều hạch bạch huyết được loại bỏ để xem liệu chúng có tế bào ung thư hay không. Điều này không được thực hiện thường xuyên đối với ung thư tuyến tiền liệt, nhưng nó có thể được sử dụng để tìm hiểu xem liệu ung thư có di căn từ tuyến tiền liệt đến các hạch bạch huyết lân cận hay không.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: canceraustralia.gov.au, cancer.org
XEM THÊM:
- Sinh thiết chẩn đoán nhanh ung thư tiền liệt tuyến
- Phẫu thuật robot “thổi bay” ung thư tiền liệt tuyến cho bác sĩ Nhật Bản
- Gói khám chuyên sâu bệnh ung thư tiền liệt tuyến