Việc nhận biết các dấu hiệu dị ứng thức ăn sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng dị ứng. Thông thường, khi ăn phải thực phẩm gây dị ứng, cơ thể sẽ hiểu nhầm đó là một mối đe dọa và giải phóng ra một lượng lớn histamine và các chất hóa học khác. Điều này dẫn đến các triệu chứng dị ứng từ nhẹ đến nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trong một số trường hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng thức ăn là gì?
Dị ứng thức ăn là phản ứng của hệ miễn dịch xảy ra ngay sau khi tiêu thụ một loại thức ăn nào đó. Chỉ một lượng nhỏ thực phẩm cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí gây ra một phản ứng đe dọa tính mạng, gọi là sốc phản vệ. Thông thường, các triệu chứng của dị ứng thực phẩm xuất hiện từ vài phút đến hai giờ sau khi ăn.
2. Các dấu hiệu dị ứng thức ăn
Một số dấu hiệu dị ứng thức ăn thường gặp là:
- Ngứa da hoặc ngứa trong miệng.
- Phát ban trên da: Ngứa ngáy, phát ban đỏ ở mặt, cổ, tay chân... chính là một trong những dấu hiệu dị ứng thức ăn dễ nhận biết nhất.
- Sưng ở vùng môi, mặt, lưỡi, họng hoặc các bộ phận khác.
- Tức ngực, thở khò khè, nghẹt mũi hoặc gặp khó khăn khi thở: Ngoài cảm giác ngứa ran ở cổ họng, dị ứng thức ăn nếu không được can thiệp kịp thời còn gây tổn thương vùng họng, khiến các đường dẫn khí nhỏ bị sưng lên, dẫn đến khó thở, thở khò khè và tức ngực.
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Tình trạng dị ứng thức ăn ở một số người có thể dẫn đến một phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ. Phản ứng này có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng, như co thắt đường thở, sưng cổ họng hoặc cảm giác nghẹn trong cổ họng, làm cho việc hô hấp trở nên khó khăn. Ngoài ra, dị ứng thực phẩm có thể khiến huyết áp giảm mạnh, mạch đập nhanh, chóng mặt hoặc thậm chí mất ý thức.
Viêm da, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho, mất ngủ, mệt mỏi... là những dấu hiệu dị ứng thức ăn có thể gặp phải. Tuy nhiên, do sự đa dạng của các triệu chứng và sự tương đồng với các bệnh khác, nên những biểu hiện này thường không được chú ý và dễ bị bỏ qua.
3. Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một loại thực phẩm cụ thể hoặc một thành phần trong đó là mối đe dọa. Do đó, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt các tế bào để giải phóng immunoglobulin E (IgE), một loại kháng thể, nhằm chống lại thực phẩm hoặc chất gây dị ứng.
Khi người bị dị ứng tiếp xúc với thực phẩm đó một lần nữa (dù chỉ một lượng nhỏ), kháng thể IgE sẽ nhận diện và kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng histamine (một chất trung gian hóa học) cùng các chất hóa học khác, gây ra các phản ứng dị ứng.
Dị ứng thực phẩm ở người lớn chủ yếu là do các protein có trong động vật có vỏ như tôm, tôm hùm, cua, cũng như trong đậu phộng và các loại hạt cây (như quả óc chó và quả hồ đào). Ngược lại, ở trẻ em, các dị ứng thực phẩm thường xuất hiện do protein trong đậu phộng, trứng, sữa bò và lúa mì.
4. Cách phòng ngừa dị ứng thức ăn
Để giảm thiểu nguy cơ phản ứng dị ứng, mọi người nên nhận biết và tránh các thực phẩm có thể gây triệu chứng.
- Hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm. Khi lựa chọn thực phẩm đóng hộp, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý đến thành phần. Cụ thể, cần tránh những sản phẩm chứa các chất có khả năng gây dị ứng. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm đã quá hạn sử dụng là điều tối kỵ, bởi chúng không chỉ gây ra các phản ứng dị ứng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
- Nếu từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, mọi người nên đeo vòng đeo tay cảnh báo y tế hoặc vòng cổ để người khác biết về tình trạng dị ứng thực phẩm của bản thân trong trường hợp không thể giao tiếp.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê toa epinephrine dùng trong tình huống khẩn cấp.
- Trước khi ra khỏi nhà, mọi người hãy chuẩn bị sẵn kế hoạch cho các bữa ăn và đồ ăn nhẹ. Nếu cần, đừng quên mang theo những thực phẩm không gây dị ứng khi bản thân đi du lịch hoặc tham dự sự kiện.
- Nếu con bị dị ứng thực phẩm, hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp để bảo vệ bé. Thông báo cho những người quan trọng về tình trạng dị ứng của trẻ. Hãy trao đổi với các nhân viên nhà trường, phụ huynh của bạn bè trẻ và những người lớn khác mà trẻ thường xuyên tiếp xúc để họ biết và chú ý đến tình trạng dị ứng của con.
- Khi có dấu hiệu dị ứng thức ăn, việc đầu tiên cần làm là ngừng ăn loại thức ăn đó. Tiếp theo, để tăng sức đề kháng cho cơ thể, người bệnh có thể bổ sung vitamin C bằng cách hòa tan viên sủi hoặc bột vitamin C vào nước và uống theo đúng hướng dẫn trên bao bì.
- Trong trường hợp người bệnh bị sốc phản vệ, việc xoa bóp tim ngoài lồng ngực và đưa đến cơ sở y tế cấp cứu là điều vô cùng cần thiết để ngăn chặn xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng nhằm giúp khách hàng đánh giá tình trạng bệnh một cách toàn diện và nhận được các hướng dẫn về cách phòng ngừa bệnh tái phát.
Khách hàng khi đăng ký gói khám và tư vấn này sẽ được: khám chuyên khoa Da liễu, thực hiện các xét nghiệm như: đo lường IgE, xét nghiệm vi nấm soi tươi, đo lường IgE đặc hiệu với các dị nguyên liên quan đến dị ứng hô hấp và thực phẩm (Panel 1 Việt), thực hiện xét nghiệm Rida Allergy Screen (panel 1)...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Acaai.org; Mayoclinic.org