Viêm mãn tính là tình trạng viêm nhiễm của người bệnh diễn ra trong một thời gian khá dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của họ rất nhiều. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân không nhận ra được những dấu hiệu viêm mãn tính mà cơ thể đang có cũng như viêm mãn tính là gì, vì vậy, việc điều trị hay cải thiện gặp rất nhiều khó khăn.
1. Dấu hiệu viêm mãn tính
- Vấn đề cân bằng: Những bệnh lý viêm mãn tính khiến cơ thể phản ứng lại một cách quá mức, trong một số trường hợp làm tấn công ngược lại chính cơ thể của người bệnh. Đối với bệnh đa xơ cứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công những lớp bên ngoài tế bào thần kinh, khiến cho việc dẫn truyền của những tế bào thần kinh này gặp nhiều khó khăn. Lúc này, người bệnh có thể thấy rất chóng mặt, mất thăng bằng, đặc biệt là khi đi bộ.
- Kháng insulin: Insulin là chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Sự viêm nhiễm mãn tính có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của Insulin trong cơ thể mặc dù vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào giải thích được cơ chế của tình trạng này. Sự đề kháng insulin có thể dẫn đến hiện tượng tăng đường máu, làm phá hủy hệ thần kinh và mạch máu của cơ thể. Ngoài ra, điều này còn dẫn đến bệnh lý đái tháo đường, biểu hiện bằng việc bệnh nhân có thể có cảm giác dị cảm, ngứa ran ở bàn chân, hay khát nước nhiều hơn và cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Lúc này thì cần đến bệnh viện để các bác sĩ có thể thăm khám kỹ hơn, làm một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
- Yếu cơ: Thỉnh thoảng, hệ miễn dịch của cơ thể có thể tấn công nhầm và làm viêm nhiễm cơ hay các chuyên gia còn gọi đây là tình trạng viêm cơ. Điều này sẽ làm phá vỡ hệ cơ và làm suy yếu cơ của người bệnh. Tình trạng viêm cơ thường xảy ra một cách từ từ, nhất là ở vùng thân, vai và hông của người bệnh. Một số ít biểu hiện có thể nhận biết được đó là khó nuốt, khó khăn trong việc đi lại hay khó khăn trong việc tắm gội.
- Tiêu chảy: Tình trạng viêm ruột thường có 2 dạng chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Trong cả 2 trường hợp này thì hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phản ứng quá mức, khiến ruột non và ruột già của bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Những biểu hiện của viêm ruột đó là buồn nôn, đau khớp, sốt, phát ban,...
- Đau lưng dưới: Trong bệnh lý viêm cột sống dính khớp, tình trạng viêm mãn tính thường tấn công cột sống của người bệnh. Thỉnh thoảng, tình trạng này còn tấn công vào vùng hông, cổ, đầu gối và ngực của bệnh nhân. Người bệnh cũng có thể có những cơn đau và co cứng ở vùng lưng dưới, nhất là vào thời điểm buổi sáng. Với một số tình trạng nghiêm trọng thì người bệnh còn bị mất vận động, lúc này cần báo ngay cho bác sĩ để điều trị sớm, nhằm mục đích tránh những biến chứng nặng nề hơn.
- Luôn trong trạng thái mệt mỏi: Đây là một trong những triệu chứng điển hình của viêm mãn tính và những tình trạng viêm khác như đau cơ xơ hóa, bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp. Khi bệnh nhân cảm thấy cơ thể bị giảm năng lượng một cách đột ngột thì cần báo ngay với bác sĩ vì đây là một dấu hiệu cho bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
- Ban Livedo reticularis: Là vết phát ban màu đỏ tía trong bệnh Livedo reticularis, có thể do những bệnh lý như Lupus ban đỏ hay hội chứng kháng Phospholipid gây nên. Ban thường xuất hiện ở vùng cánh tay, cẳng chân,..., thấy được nhiều hơn khi trời trở lạnh và cũng có thể tự biến mất. Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu bất thường như các nốt nhỏ hay vết loét thì nên tìm gặp bác sĩ ngay.
- Xơ cứng động mạch: Nếu cơ thể đang béo lên hay người bệnh gần đây tiếp xúc nhiều với những chất như khói thuốc lá thì cơ thể sẽ có những phản ứng đối với tình trạng viêm. Điều này sẽ gây ra tình trạng những mảng bám chất béo tích tụ trên thành lòng mạch gây ra tình trạng xơ cứng động mạch, là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Để nhận biết điều này thì bệnh nhân cần được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
- Đông máu: Tình trạng viêm do chấn thương, phẫu thuật, hội chứng kháng Phospholipid có thể khiến máu của bệnh nhân bị đông lại, từ đó dẫn đến sưng tấy, nặng nề hơn có thể là đau tim, thuyên tắc phổi và đột quỵ. Tình trạng đông máu cần có thời gian thì mới có thể chẩn đoán chính xác được và thuốc chống đông máu có thể giúp ích trong những tình trạng này.
- Khô mắt: Đây là triệu chứng phổ biến của viêm nhiễm. Trong đó, hội chứng Sjogren gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, tuyến lệ của người bệnh. Bệnh nhân trong trường hợp này sẽ cảm thấy có vật lạ trong mắt hay cảm giác nóng trong mắt, đồng thời sẽ bị sưng tuyến nước bọt, khô mũi và vùng cổ họng. Cần báo ngay cho bác sĩ để điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm như mất thị lực, tình trạng viêm nhiễm vùng răng miệng,...
- Những vấn đề về não bộ: Trí nhớ và khả năng suy nghĩ hầu như sẽ bị tác động nếu cơ thể người bệnh có vấn đề về viêm nhiễm. Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về sự liên hệ giữa 2 vấn đề này. Những tìm hiểu ban đầu đã cho thấy rằng, tình trạng viêm sẽ góp phần gây ra bệnh Alzheimer và những tình trạng bệnh lý khác gây ra chứng sa sút trí tuệ.
2. Kết luận
Dấu hiệu viêm mãn tính thường không dễ để nhân thấy rõ ràng được, tuy nhiên, người bệnh cũng có thể ngăn ngừa được những tác động của viêm mãn tính đến sức khỏe của mình bằng cách quan sát cơ thể mỗi ngày một cách chi tiết và toàn diện hơn, đồng thời có thể lên một kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra đều đặn.
Đừng quên theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.