Xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp cung cấp các chỉ số mang lại giá trị trong việc chẩn đoán những bệnh lý khác nhau có liên quan đến tuyến giáp. Với tỷ lệ 10 - 35% dân số mắc các bệnh lý tuyến giáp, việc thực hiện đình kỳ các xét nghiệm ung thư tuyến giáp là vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý tuyến giáp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư tuyến giáp là gì?
Hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể được sản xuất bởi tuyến giáp. Ngoài ra, tuyến giáp cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim. Ung thư tuyến giáp là một loại ung thư nội tiết hình thành tại tuyến giáp và có thể chữa trị được.
Một số nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp bao gồm tiếp xúc với bức xạ, chế độ ăn uống thiếu i-ốt hoặc do gen có nguy cơ cao mắc bệnh. Bên cạnh đó, bướu cổ, viêm tuyến giáp và béo phì cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh này.
Những biểu hiện của ung thư tuyến giáp có thể được nhận biết dễ dàng như khó thở, khó nuốt, mất giọng, sưng hạch bạch huyết ở cổ. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác liên quan đến tuyến giáp hay vùng họng.
2. Xét nghiệm ung thư tuyến giáp được tiến hành khi nào?
Hoạt động bình thường của cơ thể phụ thuộc rất lớn vào hormone tuyến giáp. Hormone này điều khiển chức năng của tất cả các cơ quan như: Não bộ, hệ tiêu hóa, chuyển hóa, vận động và sinh dục… Khi tuyến giáp rối loạn chức năng, tình trạng này sẽ gây ra cường giáp hoặc suy giáp với những triệu chứng khác nhau.
- Cường giáp: Cân nặng giảm đột ngột, sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, nhịp tim và huyết áp tăng cao, run rẩy, yếu cơ, cảm xúc thất thường, mất tập trung, dễ nổi giận, tiểu nhiều lần, tiêu chảy, cổ bị sưng, rối loạn kinh nguyệt.
- Suy giáp: Người lạnh, da nhợt nhạt, nhịp tim giảm, huyết áp thấp, giọng nói trở nên khàn, suy giảm trí nhớ, vận động chậm chạp, có triệu chứng trầm cảm và giảm chức năng tình dục.
Những người có nguy cơ nên thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng của tuyến giáp bao gồm:
- Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên.
- Người mắc các bệnh liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch.
- Trẻ nhỏ từng tiếp xúc với phóng xạ hoặc những ai đang hoặc đã sống trong khu vực có nguy cơ tiếp xúc phóng xạ (như gần lò phản ứng hạt nhân).
- Người có tiền sử bệnh gia đình hoặc bản thân từng bị các bệnh về tuyến giáp như viêm tuyến giáp, suy giáp, bướu cổ, cường giáp.
- Những ai có các triệu chứng của suy giáp hoặc cường giáp.

3. Các chỉ số xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp
3.1. TSH - Chỉ số xét nghiệm ung thư tuyến giáp cần được xem xét đầu tiên
Thyroid stimulating hormone (TSH) còn gọi là hormone kích thích tuyến giáp, do tuyến yên trong não tạo ra. Nhiệm vụ hormone này là kiểm soát sự bài tiết của hormone tuyến giáp T3 và T4.
Được coi là chỉ số xét nghiệm ung thư tuyến giáp cần được xem xét đầu tiên để đánh giá chức năng tuyến giáp, TSH giúp xác định tình trạng hoạt động của tuyến giáp, từ đó nhận biết được liệu có sự rối loạn nào hay không. Thông tin này là nền tảng để xác định nguyên nhân và xây dựng kế hoạch đánh giá cũng như điều trị tiếp theo.
- TSH bình thường: 0,4 - 5 mIU/L.
- TSH <0,4 mIU/L: Người bệnh bị dư thừa hormone tuyến giáp, cường giáp.
- TSH >5 mIU/L: Người bệnh thiếu hormone tuyến giáp, suy giáp.
Ngoài ra, quá trình đánh giá hiệu quả điều trị của các bệnh lý cường giáp và suy giáp cũng được thực hiện thông qua chỉ số xét nghiệm ung thư tuyến giáp TSH.

3.2. T3 và T4 - Chỉ số xét nghiệm ung thư tuyến giáp quan trọng
Hai dạng hormone tuyến giáp được tổng hợp và giải phóng vào máu là dạng gắn với protein huyết tương (T3, T4) và dạng tự do (FT3, FT4). Chính vì vậy, định lượng T3 và T4 bao gồm cả xét nghiệm T3 và T4 toàn phần cũng như FT3 và FT4. Xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp này rất quan trọng để đánh giá chức năng tuyến giáp, hỗ trợ trong việc chẩn đoán tình trạng của tuyến giáp.
- T4 và T4 tự do (FT4): Để chẩn đoán tình trạng suy giáp hoặc cường giáp ở bệnh nhân, chỉ số này được đánh giá cùng với TSH. Mức FT4 cao thường báo hiệu tình trạng nhiễm độc giáp hay cường giáp, trong khi mức thấp của FT4 cho thấy khả năng chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, FT4 cũng được sử dụng để đánh giá mức độ đáp ứng của điều trị trong các bệnh lý nội khoa như suy giáp và cường giáp.
- T3 toàn phần và T3 tự do (FT3): Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh bị cường giáp (TSH thấp) nhưng chỉ số FT4 vẫn nằm trong mức bình thường, xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp định lượng T3 sẽ được chỉ định. Chỉ số này giúp đánh giá và chẩn đoán tình trạng cường giáp liên quan đến T3. Nếu T3 tăng, người bệnh có thể mắc viêm tuyến giáp hoặc cường giáp.
3.3 TG và anti TG - Chỉ số xét nghiệm ung thư giáp theo dõi trước và sau phẫu thuật tuyến giáp
Trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hoá, đặc biệt là thể nang và thể nhú, hai chỉ số xét nghiệm ung thư tuyến giáp TG (thyroglobulin) và anti-TG (anti thyroglobulin) đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá hiệu quả của phẫu thuật cũng như điều trị iod phóng xạ.
Để xác định giá trị của xét nghiệm TG, Anti TG được chỉ định cùng với TG. Đôi khi, Anti-Tg cũng được thực hiện kết hợp với Anti-TPO nhằm xác định viêm giáp tự miễn. Lưu ý, Anti-Tg là chỉ số xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp chỉ có giá trị trong việc xác định, không dùng để theo dõi viêm giáp tự miễn.
Chỉ số TG và anti TG càng thấp nghĩa là càng tốt. Việc TG tăng trong quá trình theo dõi mang ý nghĩa như sau:
- Tăng TSH ở người bệnh do chức năng tuyến giáp không được kiểm soát tốt và chưa điều trị với iod phóng xạ.
- Ung thư tuyến giáp (thể nang, thể nhú, tế bào Hürthle) của bệnh nhân đã di căn hoặc tái phát dù đã được điều trị bằng iod phóng xạ.
- Ở những bệnh lành tính của tuyến giáp như viêm tuyến giáp cấp, bướu cổ đa nhân kích thước lớn hay Basedow có tuyến giáp phì đại, chỉ số Tg cũng có thể tăng khi xét nghiệm ung thư tuyến giáp.
Trên thực tế, TG và anti TG không đóng vai trò trong việc phát hiện ung thư tuyến giáp. Do đó, các chỉ số này chỉ mang ý nghĩa sau khi đã được chẩn đoán ung thư tuyến giáp và trong quá trình theo dõi điều trị bệnh.

3.4. Các chỉ số xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp khác
- Calcitonin là chỉ số đặc hiệu giúp chẩn đoán và kiểm tra tình trạng ung thư tuyến giáp thể tủy.
- TPO-Ab (Kháng thể kháng Thyroperoxidase): "Tự miễn tuyến giáp" là tình trạng cơ thể tạo ra kháng thể tuyến giáp chống lại các thành phần của chính tuyến giáp. Anti-TPO tăng cao giúp xác định viêm tuyến giáp mãn tính – một bệnh lý phổ biến có nguy cơ gây suy giáp. Trong một số trường hợp, sự hiện diện của Anti-TPO là dấu hiệu cho thấy có bệnh tự miễn tại tuyến giáp. Do đó, người bệnh cần kiểm tra, sàng lọc các bệnh tự miễn khác như Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren...
- TRAb (TSH Receptor Antibodies): Để chẩn đoán, xác định tiên lượng điều trị và xác định khi nào ngưng thuốc cho bệnh Basedow, chỉ số TRAb sẽ được sử dụng.
Mặc dù các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp khá phổ biến nhưng nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị và phục hồi sức khỏe sẽ rất cao. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh lý tuyến giáp, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, thực hiện các xét nghiệm máu ung thư tuyến giáp nhằm chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.