Tiểu đường là bệnh lý rất phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát tốt. Bên cạnh các loại thuốc kiểm soát đường huyết theo Tây y, người bệnh có thể áp dụng thêm các cách trị tiểu đường tại nhà để duy trì đường huyết tối ưu hơn.
1. Điều trị tiểu đường tại nhà bằng cách kiểm soát chế độ ăn
Kiểm soát chế độ ăn là một trong những cách chữa tiểu đường tại nhà giúp hạn chế hoặc làm chậm thời gian phải sử dụng thuốc tây. Khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân sẽ nhận được những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng lành mạnh để lượng đường trong máu được kiểm soát tốt nhất, đồng thời quản lý được cân nặng và hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Khi thức ăn có quá nhiều calo được đưa vào cơ thể bệnh nhân tiểu đường thì sẽ làm mức đường huyết tăng vọt và mất kiểm soát. Nếu để kéo dài sẽ dẫn đến các tổn thương thần kinh, tim và thận. Tóm lại, bệnh nhân muốn kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học và lành mạnh.
Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân tiểu đường bao gồm nhóm thực phẩm giàu chất xơ, ít carbohydrate và giàu các loại chất béo “tốt” cho cơ thể:
- Kiểm soát lượng Carbohydrate trong bữa ăn: Carbohydrate khi đưa vào cơ thể sẽ phân hủy thành đường và hấp thu vào máu. Do đó để đường huyết được kiểm soát tối ưu, bệnh nhân cần lựa chọn các loại thực phẩm có chứa hàm lượng carbohydrate thấp hoặc ưu tiên loại carbohydrate chưa qua tinh chế như ngũ cốc nguyên hạt;
- Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa diễn ra trơn tru, đồng thời còn giúp lượng đường trong máu được duy trì ở mức ổn định do gây no nhanh và lâu nên làm lượng thức ăn nạp vào cơ thể giảm đi. Một số thực phẩm giàu chất xơ tốt cho bệnh nhân tiểu đường bao gồm rau xanh, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt...;
- Chất béo “tốt” có hàm lượng calo thấp, không bão hòa nên có thể làm giảm nồng độ cholesterol máu. Điển hình của chất béo “tốt” là acid béo omega-3, có trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường có thể tham khảo thêm một số loại thực phẩm khác như bơ, dầu hạt cải, dầu ô liu và dầu đậu nành...
Bên cạnh các loại thực phẩm nên ăn, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen ăn uống để hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất. Bệnh nhân nên duy trì ăn đủ 3 bữa ăn chính hàng ngày và có thể bổ sung thêm các bữa ăn phụ. Thay vì ăn 1 bữa lớn với nhiều loại thức ăn thì bệnh nhân nên chia nhiều bữa nhỏ. Điều này sẽ đảm bảo cho bệnh nhân no bụng mà không sợ đường huyết tăng lên quá cao.
2. Sử dụng thảo dược tự nhiên điều trị tiểu đường tại nhà
Hiện nay, cách chữa bệnh tiểu đường tại nhà bằng thảo dược tự nhiên đang được nhiều bệnh nhân lựa chọn để kết hợp với các phương pháp của Y học hiện đại. Vai trò quan trọng của thảo dược tự nhiên trong điều trị tiểu đường phải kể đến như:
4.1. Thảo dược giúp giảm đường huyết hiệu quả
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tiểu đường tuýp 2 là tình trạng suy giảm chức năng của Insulin (do đề kháng Insulin) hoặc giảm chức năng của tuyến tụy. Do đó, để trị tiểu đường tại nhà hiệu quả cần phải có biện pháp tăng cường chức năng của tụy tạng và làm giảm tình trạng đề kháng insulin.
Một số loại thảo dược thường được dùng để điều trị tiểu đường tại nhà gồm:
- Dây thìa canh: Thành phần dây thìa canh có chứa Acid Gymnemic. Chất này có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất Insulin, đồng thời còn làm tăng hoạt tính chuyển hóa đường trong máu của Insulin. Một số nghiên cứu cho thấy loại thảo dược này có khả năng ức chế quá trình hấp thu đường sau bữa ăn, đồng thời ngăn chặn quá trình chuyển đổi năng lượng dự trữ ở gan thành glucose. Dây thìa canh còn chứa một số thành phần khác kích thích mô cơ tăng sử dụng đường nên hỗ trợ kiểm soát đường máu ổn định hơn;
- Mướp đắng: Loại thảo dược trị tiểu đường tại nhà này được rất nhiều người áp dụng. Mướp đắng không chỉ giúp hạ đường huyết nhanh mà còn làm giảm mỡ máu, giảm đề kháng insulin và kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường;
- Quế chi: Một cách điều trị tiểu đường tại nhà khác là sử dụng quế chi với khả năng kích thích tăng hoạt tính Insulin. Qua đó làm tăng chuyển hóa đường thành năng lượng và giảm đường huyết;
- Lá xoài: Loại thảo dược này có khả năng làm giảm đề kháng Insulin. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu đã cho thấy hoạt chất 3-beta-taraxerol trong lá xoài có khả năng điều hòa tình trạng rối loạn dung nạp glucose đói và tăng khả năng chuyển hóa đường từ máu vào tế bào.
4.2. Thảo dược giúp ngăn biến chứng tiểu đường
Một số loại thảo dược đã được chứng minh là vừa có tác dụng ổn định đường huyết vừa ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có thể kết hợp với các thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời phối hợp các loại thảo dược sau để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh:
- Trái nhàu: Các nhà khoa học tại Pháp đã phát hiện ra rằng, nhàu có hoạt tính chống viêm nên có khả năng bảo vệ mạch máu khỏi các tổn thương do bệnh tiểu đường gây ra. Đặc biệt, bệnh nhân uống dung dịch nước ép trái nhàu sẽ có mức đường huyết ổn định do tăng nhạy cảm Insulin và thúc đẩy sản xuất Insulin ở tụy;
- Mạch môn: Giúp ngăn ngừa biến chứng tim và thận. Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Y học cổ truyền Thượng Hải, Mạch môn là thảo dược có khả năng giúp bệnh nhân tiểu đường phục hồi chức năng tuyến tụy, giảm đề kháng insulin nên giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Ngoài ra, mạch môn còn làm giảm đáng kể nồng độ triglyceride và cholesterol xấu trong máu, do đó ngăn ngừa các biến chứng tim mạch do tiểu đường gây ra. Bên cạnh đó, mạch môn là loại thảo dược được chứng minh có thể làm giảm tốc độ xơ hóa thận ở bệnh nhân tiểu đường, do đó có khả năng ngăn ngừa các biến chứng của thận;
- Câu kỷ tử: Giúp ngăn ngừa biến chứng võng mạc và thần kinh. Một số nghiên cứu của trường Đại học Bắc Kinh cho thấy, thành phần cây kỷ tử có chứa các hoạt chất nhóm phenolic và flavonoid. Đây là những chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng làm giảm stress, qua đó giúp giảm đường huyết. Không những vậy, cây kỷ tử còn có khả năng giúp ức chế α-Glucosidase, từ đó hỗ trợ kiểm soát đường huyết sau ăn và kháng reductase aldose (loại enzyme có tác dụng chuyển glucose thành sorbitol);
- Hoài sơn: Giúp ngăn ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), hoài sơn hay củ mài có khả năng giúp làm giảm đường huyết ở người bị bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu khác thực hiện tại trường Đại học Y dược Huế cũng cho kết quả, hoài sơn khi nấu chín sẽ có tác dụng làm chậm hấp thu đường và giúp làm giảm đường huyết sau ăn nhờ khả năng kháng lại enzyme amylase (có nhiệm vụ thủy phân tinh bột thành đường).
Nhìn chung, Y học cổ truyền có nhiều vị thuốc có thể giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết tự nhiên an toàn, cải thiện tình trạng tê chân tay, mờ mắt hay tiểu nhiều...không có tác dụng phụ và không hại gan thận. Đặc biệt, nếu sử dụng hợp lý và đúng cách thì còn có thể giúp người bệnh giảm bớt việc phải dùng thuốc tây hoặc chỉ cần sử dụng liều thấp nhất. Ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như suy thận, đột quỵ, xơ vữa động mạch...
3. Tập thể dục thường xuyên
Một cách trị tiểu đường tại nhà khác là xây dựng thói quen tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp cân nặng được kiểm soát tối ưu, giảm huyết áp, giảm cholesterol và LDL trong máu, đồng thời tăng HDL-C (chất béo tốt).
Tất cả các hình thức tập thể dục, từ thể dục nhịp điệu cho đến các môn thể dục cường độ cao, đều có tác dụng như nhau trong việc giảm chỉ số HbA1c ở bệnh nhân đái tháo đường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, bệnh nhân đái tháo đường đi bộ ít nhất 2 giờ một tuần được chứng minh giảm nguy cơ tử vong do tim mạch.
Để hỗ trợ điều trị tiểu đường tối ưu nhất, bệnh nhân nên dành thời gian tập thể dục mỗi ngày, tốt nhất là khoảng 1 đến 3 giờ sau ăn vì đây là lúc nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường.
4. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân béo phì cũng là 1 trong những yếu tố nguy cơ của bệnh nhân tiểu đường. Do đó, kiểm soát cân nặng cũng là 1 cách chữa tiểu đường tại nhà hiệu quả.
Bệnh nhân có thể áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh đã đề cập ở trên, đồng thời kết hợp với các bài tập thể dục phù hợp để kiểm soát tốt cân nặng của bản thân. Cần đặc biệt lưu ý là không sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giảm cân hay áp dụng các phương pháp giảm cân thiếu khoa học... Điều này có thể gây phản tác dụng và làm tăng cao nguy cơ mắc phải các biến chứng của tiểu đường.
Tóm lại, tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm, có khả năng gây ra nhiều biến chứng. Do đó, mỗi người hãy chủ động tìm hiểu các kiến thức về căn bệnh này để có thể chủ động phòng bệnh hiệu quả và an toàn. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thì hãy đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có cách điều trị tiểu đường hợp lý, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.