Cơn ho về đêm là tình trạng người bệnh thường xuyên ho về ban đêm khi ngủ, với các cơn ho kéo dài liên tục. Hiện nay có khá nhiều phương pháp để trị ho về đêm như thay đổi tư thế ngủ, uống mật ong, dùng thuốc.
1. Nguyên nhân gây ra những cơn ho về đêm là gì?
Cơn ho về đêm là tình trạng người bệnh thường xuyên ho về ban đêm khi ngủ, với các cơn ho kéo dài liên tục, điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn ho về đêm nhiều, tuy nhiên có thể chia làm 2 nguyên nhân chính là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý:
- Do tư thế nằm ngủ: Những người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh lý về cột sống thường được khuyên nằm ngủ không gối hoặc nằm đầu thấp. Tư thế này giúp làm tránh tổn thương lâu dài cho cột sống cổ, tăng cường quá trình lưu thông máu. Tuy nhiên, tư thế này lại là một trong số những nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng ho về đêm. Bởi vì khi ngủ, tư thế nằm đầu thấp hoặc nằm không gối có thể khiến chất dịch ở mũi chảy xuống cổ họng làm cho cổ họng bị kích ứng dẫn đến triệu chứng ho.
- Hút thuốc lá kéo dài: Ở những đối tượng hút thuốc lá lâu năm hoặc sống ở môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thường dễ gặp các vấn đề liên quan đến bệnh phổi. Biểu hiện đầu tiên cảnh báo các bệnh lý ở phổi là ho về đêm, ho khan.
- Uống rượu bia: Sử dụng quá nhiều rượu bia có thể gây ra tình trạng tổn thương niêm mạc họng, thanh quản và thực quản. Đặc biệt khi uống thường xuyên trước khi ngủ thì sẽ dễ gặp tình trạng ho nhiều về đêm.
- Nhiệt độ thấp: Ban đêm là lúc nhiệt độ thường có xu hướng thay đổi thất thường, giảm thấp đột ngột. Những yếu tố này có thể gây ho nhiều về đêm, kèm theo đó là sổ mũi, nghẹt mũi.
Nguyên nhân bệnh lý:
Tình trạng ho nhiều về đêm cũng có thể là triệu chứng cảnh báo của bệnh lý đường hô hấp. Trong số đó có một số bệnh lý nguy hiểm mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Cảm cúm, cảm lạnh: Đây là tình trạng bệnh lý liên quan tới đường hô hấp trên. Nguyên nhân do vi khuẩn, virus thâm nhập vào đường hô hấp, khiến cho vùng cổ họng và mũi bị viêm nhiễm, tăng tiết dịch nhầy. Dịch nhầy tiết ra nhiều gây kích ứng vùng cổ họng và khiến người bệnh ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, khó thở, sốt nhẹ,...
- Viêm xoang: Người bị viêm xoang có triệu chứng nghẹt mũi, khó thở. Nguyên nhân gây bệnh là do các xoang bị tắc, chất dịch nhầy từ mũi chảy xuống cổ họng. Ban ngày, cơ thể hoạt động, những chất dịch này được người bệnh nuốt vào hoặc khạc ra. Tuy nhiên, vào ban đêm khi nằm ngủ, những chất dịch này bị ứ đọng lại ở đường hô hấp, đặc biệt ở vùng mũi họng gây ra ho khan, hoặc ho có đờm.
- Hen phế quản: Một trong những triệu chứng điển hình của hen phế quản, hen suyễn là ho nhiều vào ban đêm. Hen phế quản là tình trạng viêm đường thở mãn tính dẫn đến co thắt phù nề và tăng tiết dịch nhầy phế quản, gây ra triệu chứng ho. Những cơn ho thường tăng về đêm và sáng sớm, triệu chứng kèm theo là: khó thở, thở khò khè từng cơn. Đối tượng thường mắc hen phế quản là trẻ nhỏ và người lớn có sức đề kháng kém.
- Trào ngược dạ dày, thực quản: Ho về đêm cũng có thể là biểu hiện của tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản. Dịch vị sẽ trào ngược từ dạ dày lên thực quản kích thích gây ra ho. Ngoài triệu chứng ho, người bệnh có thể có một số biểu hiện khác như: ợ hơi, ợ chua, cảm giác như có dị vật trong cổ họng. Các cơn ho xuất hiện nhiều hơn khi nằm hoặc vào lúc đói.
- Viêm phổi: Bệnh do virus, vi khuẩn xâm nhập khiến cho phổi bị nhiễm trùng và tiết dịch nhiều hơn. Khi người bệnh nằm đầu thấp, chất dịch nhầy ứ đọng vùng cổ họng, khí quản, phế quản kích thích các cơn ho, ho có đờm, đặc biệt là ho nhiều về đêm. Ngoài triệu chứng ho, người bệnh nhân còn có thể đi kèm một số triệu chứng như là: Sốt cao, khó thở, tức ngực. Lúc này, tình trạng bệnh đã diễn tiến nặng, bệnh nhân cần được chuyển đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
2. Phương pháp để làm giảm cơn ho về đêm nhanh chóng là gì?
Dưới đây là một số phương pháp giúp giảm ho về đêm người bệnh có thể tham khảo:
2.1. Điều trị bằng thuốc
Tây y là một trong những phương pháp điều trị ho về đêm được nhiều người bệnh lựa chọn. Ưu điểm của phương pháp này là tính hiệu quả cao, nhanh chóng làm giảm các triệu chứng khó chịu do ho về đêm gây ra.
Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị ho về đêm như:
- Một số loại thuốc giảm ho bao gồm: Dextromethorphan, Codein, noscapine,... là những loại thuốc ho trung ương, ức chế trực tiếp trung tâm ho ở hành tủy. Thường chỉ định nhóm thuốc này để điều trị bệnh lý ho khan, ho mãn tính kéo dài trên 8 tuần.
- Thuốc kháng histamin H1: Có tác dụng giảm kích ứng, dị ứng, an thần, điều trị hiệu quả các chứng ho khan, ho do kích ứng và nhất là ho về đêm. Một số tên thuốc phổ biến mà người bệnh có thể tham khảo bao gồm: Diphenhydramin, Alimemazin, ...
- Thuốc tiêu đờm: Acetylcystein, Bromhexin, Ambroxol,... là các thuốc long đờm thường dùng với cơ chế tác dụng của thuốc là làm loãng chất nhầy, giảm độ đặc và dính của đờm, từ đó giúp cho người bệnh khạc đờm ra dễ dàng hơn.
Lưu ý: Người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa để sử dụng thuốc.
2.2. Một số phương pháp hỗ trợ giảm ho về đêm tại nhà
- Gối đầu cao khi ngủ: Tư thế ngủ của người bệnh có thể là nguyên nhân gây ra các cơn ho vào ban đêm, đặc biệt là khi bạn đang có đờm. Nếu ngủ ở tư thế nằm ngửa, đầu thấp thì dịch mũi sau và chất nhầy được người bệnh nuốt vào trong ngày sẽ bị dồn về phía cổ họng gây kích thích cổ họng khiến bạn bị ho. Không chỉ vậy, khi nằm ở tư thế đầu bằng, thấp thì dịch vị trong dạ dày cũng có thể bị trào ngược lên vùng họng gây ra triệu chứng ho. Ngoài ra, khi ngủ thì bạn cũng nên nằm nghiêng một bên thay vì nằm ngửa để quá trình thở ban đêm được dễ dàng hơn.
- Uống nước mật ong ấm trước khi ngủ: Đây là một cách trị ho theo dân gian mà rất nhiều người đã áp dụng từ trước đến nay và cho thấy hiệu quả rõ. Đây là một liệu pháp thiên nhiên giúp làm giảm bớt tình trạng ho, vì mật ong có tác dụng làm dịu màng nhầy trong cổ họng người bệnh.
- Sử dụng máy tạo ẩm trong phòng ngủ: Khi nhiệt độ quá lạnh hay khí lạnh từ máy điều hòa, khí nóng từ máy sưởi,... làm cho môi trường trở nên khô hanh, dễ làm cho đường thở của bạn bị khô và dễ khiến cho cơn ho trở nên trầm trọng hơn. Sử dụng máy tạo ẩm giúp cân bằng độ ẩm, giảm ho. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể để các loại cây như hương thảo, oải hương, húng quế, bạc hà...trong nhà, trong phòng cũng sẽ giúp lọc không khí, nâng cao khả năng chống lại các dấu hiệu nấm mốc ở nơi ở.
- Ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản: Khi gặp tình trạng trào ngược, cần ăn ít hơn vào bữa tối đồng thời không nên ăn tối quá muộn, nên ăn trước giờ đi ngủ khoảng 2 tiếng. Hạn chế ăn đồ ăn quá cay nóng, hoặc quá lạnh hoặc nhiều dầu mỡ. Kê gối cao hơn khi nằm và ngủ nghiêng một bên cũng giúp bạn tránh bị ho do trào ngược và ngủ ngon giấc hơn.
- Giữ gìn phòng ngủ luôn sạch sẽ: Nếu gặp tình trạng ho liên tục vào ban đêm và dễ bị dị ứng, hãy giữ cho phòng và giường ngủ luôn sạch sẽ. Bụi nhà cũng thường là tác nhân dị ứng niêm mạc đường hô hấp trên phổ biến. Đặc biệt là khi bạn có cơ địa hay bị dị ứng hoặc có bệnh hen suyễn thì tình trạng kích ứng càng nặng.
- Vệ sinh tai – mũi – họng thường xuyên: Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh đường hô hấp trên, như vậy sẽ giúp loại bỏ một phần đờm dãi, dịch nhầy ra ngoài.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hay thụ động kéo dài là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý phổi mãn tính và biểu hiện thường gặp là ho đờm liên tục, thường ho về đêm và sáng. Do đó cần bỏ thuốc lá để phòng ngừa bệnh lý phổi và tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Ho về đêm không chỉ gây cảm giác khó chịu, suy giảm chất lượng sống của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng lâu dài đến giấc ngủ, lâu dần có thể xuất hiện các bệnh lý về thần kinh, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe... Hy vọng những thông tin trên đây sẽ phần nào giúp người đọc có kiến thức về phương pháp giảm ho tại nhà. Tuy nhiên, cốt lõi là phải xác định được nguyên nhân gây ho và loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng mà người bệnh có thể gặp phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.