Các cách điều trị viêm mũi dị ứng

Các cách điều trị viêm mũi dị ứng thường tập trung vào việc giảm những triệu chứng khó chịu như hắt hơi liên tục kèm chảy nước mũi, ngạt mũi, ngứa mũi, chảy dịch mũi sau, có thể kèm theo các triệu chứng về mắt như ngứa mắt, chảy nước mắt.... Người bị viêm mũi dị ứng hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát các triệu chứng.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Võ Hà Phương, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Time City.

1. Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khi niêm mạc mũi bị viêm khi người bệnh hít phải dị nguyên (chất gây dị ứng) như mạt bụi nhà, lông chó, lông mèo, phấn hoa... Người bệnh không cần quá lo lắng vì đây là bệnh lành tính và có thể điều trị. Tuy nhiên, bệnh sẽ gây nhiều bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của người bị dị ứng.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân lớn gây ra sự mất cân bằng dị ứng. Sự mất cân bằng dị ứng cùng với cơ địa nhạy cảm và tiếp xúc với dị nguyên, là các yếu tố quan trọng liên quan đến nguyên nhân và tỉ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng.

Khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch sẽ sản sinh một loại chất hóa học tự nhiên gọi là histamin. Histamin chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng và dẫn đến viêm mũi dị ứng.

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ liên quan với viêm mũi dị ứng:

  • Bệnh nhân có cơ địa dị ứng: Khuynh hướng này thường là do di truyền.
  • Nam giới
  • Sử dụng kháng sinh sớm
  • Bà mẹ tiếp xúc với thuốc lá trong năm đầu đời.
  • Tiếp xúc với dị nguyên hay chất gây dị ứng: mạt bụi nhà, lông chó, lông mèo, nấm mốc, phấn hoa...
  • IgE huyết thanh > 100 U/mL trước 6 tuổi.
  • Sự hiện diện của IgE đặc hiệu với dị nguyên.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên hoặc nhiễm trùng kéo dài.
  • Ô nhiễm môi trường 

Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.

Cơ địa dị ứng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm mũi dị ứng.
Cơ địa dị ứng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm mũi dị ứng.

3. Những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng

Trước khi tìm hiểu về các cách điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh nhân cần nhận biết các triệu chứng như:

  • Hắt hơi liên tục
  • Sổ mũi  
  • Ho và nghẹt mũi
  • Trẻ nhỏ thường không hay xì mũi mà thay vào đó trẻ thường khịt mũi, sụt sịt, ho, hắng giọng.
  • Chảy nước mắt, ngứa mắt hoặc xuất hiện quầng thâm dưới bọng mắt.
  • Nếu tình trạng nghẹt mũi trở niêm nghiêm trọng, có thể dẫn đến ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.  
  • Viêm mũi dị ứng có thể làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ, làm người bệnh mệt mỏi và khó chịu. Viêm mũi dị ứng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên như rối loạn tăng động giảm chú ý, mất tập trung, kết quả học tập kém. Người lớn có thể liên quan đến lo lâu, giảm hiệu quả học tập và làm việc.  
  • Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như: nếp nhăn ngang ở mũi do ngứa mũi phải dùng tay cọ xát nhiều, vòm miệng cong cao và sai khớp cắn do thở bằng miệng nhiều... 
Các cách điều trị viêm mũi dị ứng làm giảm triệu chứng như hắt hơi liên tục, ho, nghẹt mũi… do dị ứng gây ra.
Các cách điều trị viêm mũi dị ứng làm giảm triệu chứng như hắt hơi liên tục, ho, nghẹt mũi… do dị ứng gây ra.

4. Phân loại bệnh viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng được phân loại theo Hiệp hội Viêm mũi dị ứng quốc tế dựa vào thời gian bệnh tồn tại, triệu chứng và những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng ngắt quãng: Triệu chứng xuất hiện dưới 4 ngày/tuần hoặc ít hơn 4 tuần/năm.
  • Viêm mũi dị ứng dai dẳng: Triệu chứng xuất hiện nhiều hơn 4 ngày/tuần và hơn 4 tuần/năm.
  • Viêm mũi dị ứng nhẹ: Không có các dấu hiệu của viêm mũi trung bình - nặng.
  • Viêm mũi dị ứng trung bình - nặng: Có một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây:
    • Ngừng thở khi ngủ.
    • Ảnh hưởng đến chất lượng học tập hoặc làm việc.
    • Ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, thời gian nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến hoạt động thể dục thể thao.
    • Có nhiều triệu chứng phức tạp.

5. Các cách điều trị viêm mũi dị ứng

5.1. Điều trị đặc hiệu

Điều trị đặc hiệu là phương pháp làm thay đổi sự đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân thông qua biện pháp giải mẫn cảm, nếu tìm được nguyên nhân gây dị ứng.  

Biện pháp này nhằm đưa nguyên nhân gây dị ứng vào cơ thể người bệnh chiết xuất di nguyên với số lượng được tăng dần (tương tự như trong quá trình sản xuất vắc xin).  

Liệu pháp miễn dịch (giải mẫn cảm) được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Liệu pháp miễn dịch ngậm dưới lưỡi (SLIT) hiện đang có tại bệnh viện Vinmec là một phương pháp đơn giản, trong đó chất gây dị ứng (mạt bụi nhà) được đưa ra dưới dạng viên hòa tan hoặc dạng lỏng. Người bệnh có thể thực hiện tại nhà và ít có nguy cơ phản ứng dị ứng toàn thân nghiêm trọng.  

5.2. Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để kê đơn thuốc nhằm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Nhiều loại thuốc không cần kê đơn, bệnh nhân có thể tự điều trị ở nhà một cách rộng rãi, tuy nhiên một số thuốc này có tác dụng phụ đáng kể như an thần, kháng cholinergic quá mức hoặc sử dụng không đúng và quá mức. Vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị đúng.

Các loại thuốc thông thường được sử dụng trong việc điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:

  • Glucocorticoid dạng xịt mũi tại chỗ.
  • Kháng histamin dạng uống, dạng xịt.
  • Cromolyn dạng xịt.
  • Các thuốc co mạch dạng xịt không nên dùng để điều trị thường quy với những bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
  • Kháng cholinergic - loại thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào: Không được khuyến cáo là thuốc điều trị đầu tiên trong viêm mũi dị ứng và kém hiệu quả hơn thuốc xịt mũi glucocorticoid.
  • Thuốc kháng leukotriene: Là thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh hen suyễn và cũng có hiệu quả đối với viêm mũi dị ứng mặc dù tác dụng rất khiêm tốn nên việc sử dụng các thuốc kháng Leukotriene thường hạn chế ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng.  
  • Glucocorticoid đường uống: Các đợt điều trị ngắn hạn có thể được chỉ định trong trường hợp viêm mũi dị ứng nặng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên không nên dùng glucocorticoid đường toàn thân nhiều lần và trong thời gian dài vì có nhiều tác dụng phụ.  

Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng các loại thuốc khác.

5.3. Điều trị phẫu thuật

Cách điều trị viêm mũi dị ứng bằng phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp có polyp, thoái hóa cuốn mũi, hoặc gặp các vấn đề cấu trúc giải phẫu thuận lợi như lệch vách ngăn hay gai vách ngăn.

5.4. Cách điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà

Ngoài những phương pháp điều trị vừa nêu trên, bệnh nhân có thể áp dụng những cách điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà thông qua sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch khoang mũi và loại bỏ các tác nhân gây dị ứng. Nước muối sinh lý có thể được sử dụng một mình với các triệu chứng nhẹ hoặc được dùng trước khi sử dụng các thuốc xịt khác để làm sạch niêm mạc mũi.

5.5. Có chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc và hít phải chất gây dị ứng bằng cách duy trì một lối sống phù hợp như sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, khói hoặc bụi.
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên (ít nhất 2 lần/tuần), loại bỏ những vị trí dễ bám bụi. Có thể sử dụng máy hút bụi, máy lọc không khí có màng lọc HEPA.
  • Nên giặt đồ bằng nước trên 60 độ C, nếu giặt bằng nước nhiệt độ thường thì nên sấy ít nhất 10 phút. Giặt vỏ chăn, ga, gối và các đồ bằng vải trong phòng mỗi 1 – 2 lần.
  • Duy trì độ ẩm dưới 50% và trên 30%.
  • Hạn chế tình trạng stress.
  • Tránh và hạn chế sử dụng các chất kích thích.
  • Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.  
  • Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở xoang mũi và vùng răng miệng. 
Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec địa chỉ khám và điều trị các bệnh lý Viêm mũi dị ứng (thay hình ảnh có trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng).
Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec địa chỉ khám và điều trị các bệnh lý Viêm mũi dị ứng (thay hình ảnh có trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng).

Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City,  chuyên khám và điều trị viêm mũi dị ứng và các bệnh lý đồng mắc.  

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe