Cháy nắng là tình trạng da nóng, bong tróc và đau rát do phơi nắng quá nhiều. Cháy nắng kéo dài có thể dẫn đến lão hóa da sớm và ung thư da. Bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng những cách chữa da bị cháy nắng sau đây.
1. Cháy nắng là gì?
Trong cuộc sống thường ngày, các làn da nhạy cảm thường gặp tình trạng cháy nắng hoặc rám nắng. Trong khi rám nắng là hiện tượng da bị sạm đen sau khi tiếp xúc bức xạ tia cực tím. Cháy nắng thường gây khó chịu hơn cho người bệnh vì khiến da bị nóng và đau rát. Cháy nắng có thể từ đỏ nhẹ, bong tróc đến phồng rộp gây khó chịu, đau đớn, mất thẩm mỹ và nguy cơ tiến triển thành ung thư da.
Cháy nắng là tình trạng tổn thương tế bào da do phản ứng viêm đối với bức xạ tia cực tím (UV) tại lớp ngoài cùng của da. Nguyên nhân chính của tất cả tổn thương là thiếu hụt melanin, một loại sắc tố mang lại màu sắc cho làn da và bảo vệ da chống lại ánh nắng mặt trời. Khi tiếp xúc với tia cực tím (UV), melanin bảo vệ da bằng cách làm sẫm màu da. Lượng melanin do cơ thể sản xuất được quy định bởi yếu tố di truyền. Đối với những người có ít sắc tố melanin, việc tiếp xúc với ánh nắng kéo dài không có các biện pháp bảo vệ có thể khiến các tế bào da bị sưng, đỏ và đau, gây ra tình trạng cháy nắng.
2. Triệu chứng của cháy nắng
Nếu bạn bị cháy nắng, da của bạn có thể:
- Cảm thấy nóng hoặc đau rát khi chạm vào.
- Bong tróc da thường xảy ra vài ngày sau khi bạn bị cháy nắng.
- Da có thể bị phồng rộp nếu cháy nắng nghiêm trọng.
- Nếu bạn có làn da trắng, sau khi bị cháy nắng, da của bạn thường sẽ có màu đỏ hoặc hồng. Nếu bạn có làn da đen hoặc nâu, bạn có thể không nhận thấy sự thay đổi về màu sắc của da.
3. Tác hại của cháy nắng
Thường xuyên bị cháy nắng làm tăng nguy cơ bị tổn thương do tia UV, gây ra các bệnh lý sau:
- Tổn thương mắt có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Lão hóa da sớm, bao gồm các đốm đồi mồi, tàn nhang, nếp nhăn và chảy xệ.
- Ung thư da: biểu hiện tiền ung thư là các mảng sần sùi có vảy, các vết loét cục bộ không lành, các tổn thương nhiều màu. Các tổn thương này thường gặp trên các khu vực tiếp xúc nhiều nhất với ánh nắng mặt trời, như cánh tay, lưng, tai, mặt và chân của bạn.
Vậy da bị cháy nắng phải làm sao? Sau khi bị cháy nắng, da của bạn sẽ bắt đầu bong tróc. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể cố gắng loại bỏ tế bào bị tổn thương. Bạn không nên:
- Không sử dụng sáp dầu trên vùng da cháy nắng.
- Không chườm đá lên vùng da cháy nắng.
- Không nặn bất kỳ vết phồng rộp nào.
- Không gãi hoặc cố gắng loại bỏ lớp da bong tróc.
- Không mặc quần áo bó sát vào vùng da cháy nắng
4. Cách chữa cháy nắng an toàn, hiệu quả
Đối với người lớn, bạn có thể tham khảo cách chữa da bị cháy nắng sau:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Làm mát da bằng nước sạch từ vòi hoa sen, trong bồn tắm hoặc khăn ẩm.
- Thoa hoặc xịt kem dịu da có thành phần lô hội, hydrocortisone, thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm sau khi ra nắng.
- Uống nhiều nước để hạ nhiệt và chống mất nước.
- Uống thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen nếu cần.
- Che phủ vùng da bị cháy nắng khỏi ánh nắng trực tiếp cho đến khi da lành hẳn.
Đối với trẻ nhỏ, da sẽ lành nhanh hơn da người lớn, nhưng cũng kém khả năng tự bảo vệ khỏi tổn thương, bao gồm cả tổn thương do ánh nắng mặt trời.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không nên tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời quá lâu. Trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời và đeo kính râm ngăn tia UV để bảo vệ mắt.
Nếu trẻ bị cháy nắng, hãy làm theo các hướng dẫn sau:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi, không tự ý sử dụng các cách chữa cháy nắng tại nhà, cần liên hệ bác sĩ nhi khoa để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, hãy gọi cho bác sĩ nếu có biểu hiện đau dữ dội, phồng rộp, hôn mê hoặc sốt trên 38,5C.
- Sau khi bé bị cháy nắng, nên tắm bé bằng nước sạch để làm mát da.
- Thoa kem dưỡng ẩm nhẹ để làm dịu da. Có thể sử dụng kem dưỡng da có chứa calamine. Không nên sử dụng kem có thêm chất kháng histamin, không sử dụng bất kỳ loại kem y tế nào như hydrocortisone hoặc benzocaine trừ khi được bác sĩ nhi khoa hướng dẫn.
- Không đổ rượu hoặc cồn vì có thể làm lạnh da quá mức khiến da tổn thương nặng hơn.
- Cháy nắng có thể khiến trẻ bị mất nước. Cho trẻ bù nước bằng cách uống nước lọc hoặc nước trái cây để thay thế chất lỏng trong cơ thể. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu trẻ tiểu ít hơn thường ngày.
- Để trẻ tránh nắng hoàn toàn cho đến khi vùng da cháy nắng lành lại.
5. Phòng ngừa cháy nắng
Bạn có thể ngăn ngừa cháy nắng và giảm nguy cơ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời bằng các biện pháp sau:
- Tránh tắm nắng, đặc biệt là sau khi bạn dùng thuốc hoặc các loại kem dưỡng làm tăng độ nhạy cảm của da.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, khi tia UV mạnh nhất.
- Khi buộc phải tiếp xúc tia UV, nên sử dụng kính chống nắng có tác dụng lọc tia UV; mặc quần áo bảo hộ lao động như áo sơ mi dài tay, quần dài và mũ rộng vành.
- Thoa kem chống nắng đa dụng mỗi ngày để chống lại tia UVA và UVB. Thoa lại sau mỗi 90 phút khi ở ngoài trời và thường xuyên hơn sau khi bơi và đổ mồ hôi.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu sau:
- Các vết phồng rộp trên 20% cơ thể (chẳng hạn như toàn bộ chân, toàn bộ lưng hoặc cả 2 cánh tay) hoặc sưng tấy nghiêm trọng.
- Các dấu hiệu mất nước, bao gồm chóng mặt, khô miệng, mệt mỏi, khát nước và giảm đi tiểu.
- Vùng da cháy nắng đau nhiều.
- Các dấu hiệu nhiễm trùng như ớn lạnh, sốt từ 38.5oC trở lên, hoặc mụn nước rỉ mủ.
- Cháy nắng ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi.
Cháy nắng xảy ra khi tia UV làm tổn thương da của bạn. Thường xuyên bị cháy nắng có thể dẫn đến lão hóa da sớm và ung thư da. Bạn có thể điều trị hầu hết các vết bỏng nắng tại nhà, tuy nhiên khi vùng da bị cháy nắng tổn thương nặng hơn có thể cần được chăm sóc y tế. Hãy tìm hiểu cách giữ cho làn da của bạn an toàn khỏi bị tổn thương bằng cách ngăn chặn tình trạng cháy nắng xảy ra ngay từ đầu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.