Dùng nha đam có giảm cháy nắng không?

Hàng ngàn năm qua, nha đam (còn được gọi là “lô hội”) đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về da, chẳng hạn như vết bỏng, phát ban hoặc vảy nến. Gel nha đam có tác dụng làm dịu vết bỏng rát, cháy nắng thần kỳ đến mức nó còn được gọi là “cây chữa bỏng”.

1. Vì sao da lại bị cháy nắng?

Tình trạng cháy nắng xảy ra khi các tia cực tím (UV) có trong ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo như giường tắm nắng tác động vào da, làm hỏng DNA bên trong tế bào da khiến các tế bào dần chết đi (gọi là quá trình apoptosis).

Khi các tế bào chết đi, hệ thống miễn dịch giải phóng các protein gây viêm. Các mạch máu cũng giãn ra để tăng lưu lượng máu nhằm đẩy tế bào miễn dịch đến vùng da bị tổn thương. Quá trình viêm này làm cho da chuyển sang màu đỏ, kích ứng và gây cảm giác bỏng rát, đau đớn. Về lâu dài có thể tăng nguy cơ ung thư dalão hóa sớm.

Cháy nắng (bỏng nắng) có thể được chia làm 4 cấp độ:

  • Cấp độ 1: chỉ tổn thương lớp da bên ngoài và gây sưng đỏ, đau nhẹ.
  • Cấp độ 2: tổn thương các lớp sâu hơn của da, gây ra mụn nước và khiến da nhợt nhạt, trắng bóng.
  • Cấp độ 3: gây tổn hại cho tất cả các lớp của da.
  • Cấp độ 4: làm tổn thương da và có thể liên quan đến khớp và xương.

Riêng bỏng nắng cấp độ 3 và độ 4 là trường hợp cần được cấp cứu y tế và điều trị tại bệnh viện. Lời khuyên là không nên cố gắng điều trị bỏng độ 3 và độ 4 bằng nha đam tại nhà.

XEM THÊM: Nha đam có độc không?


Cháy nắng gây tổn thương da nghiêm trọng
Cháy nắng gây tổn thương da nghiêm trọng

2. Tác dụng của nha đam

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng với đặc tính làm dịu, chất gel nha đam trong suốt có trong các lá dày của cây nha đam có thể giúp chữa lành vết cháy nắng, thậm chí còn hiệu quả trong chữa lành vết bỏng cấp độ 1 đến cấp độ 2, bao gồm bỏng nắng nhẹ đến bỏng mức trung bình. Nha đam hoạt động theo một số cách để điều trị cháy nắng như sau:

  • Giảm viêm: Chính một số hợp chất trong lá lô hội là Anthraquinones, Bradykinase, Axit salicylic giúp ức chế con đường Cyclooxygenase mang lại tác dụng chống viêm khử trùng, giảm đau, mẩn đỏ hiệu quả.
  • Kích thích quá trình sản xuất collagen: Lô hội có thể cải thiện cảm giác và sự xuất hiện của vết cháy nắng thông qua việc kích thích sản xuất collagen, giúp cải thiện độ săn chắc, khô ráp và đàn hồi của da.
  • Dưỡng ẩm cho da: Gel nha đam chứa các chất gọi là Mucopolysaccharides, là loại đường chứa một số axit amin giúp giữ ẩm cho da, làm mềm các tế bào da cứng.
  • Chứa vitamin: Lô hội có chứa vitamin A,C, E, là những chất chống oxy hóa có thể vô hiệu hóa các gốc tự do, từ đó giảm tác hại của ánh nắng mặt trời.

XEM THÊM: Nha đam có tác dụng gì cho da mặt?


Gel nha đam giúp dưỡng ẩm hiệu quả cho da
Gel nha đam giúp dưỡng ẩm hiệu quả cho da

3. Cách dùng nha đam trị cháy nắng

Để chữa cháy nắng, bạn có thể thoa một ít gel nha đam nguyên chất tách từ bên trong lá nha đam lên vùng da bị tổn thương, tần suất vài lần/ngày. Nếu bạn bị cháy nắng nặng (còn gọi là nhiễm độc ánh nắng mặt trời), hãy đến gặp bác sĩ da liễu trước khi dùng nha đam lên da.

Bạn có thể tự trồng cây lô hội tại nhà, hoặc có thể mua chiết xuất lô hội ở các cửa hàng hoặc trên mạng. Nha đam có thể được dùng linh hoạt theo nhiều cách khác nhau:

  • Dùng trực tiếp từ cây

Nha đam được dùng tốt nhất dưới dạng gel nha đam nguyên chất. Nếu bạn có cây nha đam, hãy cắt bỏ một phần của nó cho đến khi thấy chất gel trong suốt xuất hiện bên trong. Hãy bôi gel trực tiếp lên da để chữa cháy nắng nhẹ.

  • Gel nha đam bán sẵn

Nếu bạn không thể tận tay trồng cây, hãy tìm loại gel nha đam 100% được bán trực tuyến hoặc ở hiệu thuốc gần nhà và bôi một lớp gel trực tiếp lên vùng da bị tổn thương.

  • Kem dưỡng da lô hội

Hiện nay các loại kem dưỡng ẩm có chứa nha đam rất phổ biến trong các cửa hàng và trực tuyến. Nhiều người cũng dùng nha đam làm đẹp bằng cách sử dụng các chiết xuất từ cây này bôi trên da, giúp cấp ẩm cho làn da và ngăn ngừa tình trạng bong tróc mà đôi khi xảy ra do bị cháy nắng. Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2005 cho thấy việc dùng kem dưỡng da 70% gel nha đam không hiệu quả trên vết cháy nắng. Do vậy tốt nhất bạn nên chọn loại kem dưỡng có tỷ lệ gel nguyên chất cao nhất và hạn chế các chất tạo màu, tạo mùi thơm.

XEM THÊM: Bạn có thể ăn nha đam không?


Nha đam có thể dùng để bôi lên da hoặc ăn sống
Nha đam có thể dùng để bôi lên da hoặc ăn sống

  • Ăn nha đam sống

Gel nha đam cũng được sử dụng nhiều trong thực phẩm, do vậy không lạ khi bạn có thể ăn gel nha đam trực tiếp từ cây. Chúng có thể mang lại một số lợi ích nhất định như giảm viêm trong cơ thể, nhưng sẽ không làm dịu cơn đau và kích ứng trên da trực tiếp. Nếu bạn chọn ăn nha đam, hãy đảm bảo rửa gel và vỏ ngoài thật kỹ để loại bỏ các vết mủ. Tuyệt đối không ăn các chế phẩm nha đam được bán dưới dạng sản phẩm chăm sóc da (kem dưỡng, gel....), chúng không được dùng để ăn và có thể chứa nhiều thành phần không an toàn để ăn.

Nha đam là thực phẩm khá lành tính và hiếm khi gây tác dụng phụ có hại nào. Tuy nhiên nếu bạn có nguy cơ dị ứng với nha đam hoặc bất kỳ thành phần nào khác có trong kem hoặc gel lô hội, hãy cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi sử dụng. Ngoài ra trước khi đắp gel nha đam lên diện tích lớn, bạn có thể áp dụng lên một vùng da nhỏ và đợi 1-2 giờ xem có phản ứng nào không. Nếu có dấu hiệu dị ứng, hãy dừng sử dụng ngay lập tức.

Nếu bạn bị cháy nắng nặng, đắp nha đam là một cách tuyệt vời để thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương và làm dịu cơn đau do sưng tấy. Mặc dù nha đam khá hữu ích khi bạn bị cháy nắng nhưng hãy nhớ rằng tia cực tím vẫn gây ra tổn thương lớn cho da và DNA của bạn. Việc bảo vệ làn da khỏi ảnh hưởng của tia cực tím rất cần được chú trọng. Khi ra ngoài, hãy nhớ bảo vệ da bằng kem chống nắng, mũ, kính râm, quần áo và nên tránh trong bóng râm nếu có thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, .insider.com, pennmedicine.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe