Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Theo dõi cân nặng thường xuyên, điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất phù hợp có thể giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tình trạng và ngăn ngừa kịp thời các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Tổng quan về đái tháo đường
Hầu hết nhu cầu năng lượng của các tế bào trong cơ thể con người sẽ phụ thuộc chủ yếu vào một loại đường đơn có tên là glucose. Trong khi đó cơ thể sẽ có những cơ chế phức tạp để điều hòa cho lượng glucose trong máu trong cơ thể ổn định mà không hạ xuống mức quá thấp hoặc tăng quá cao.
Khi bạn ăn vào cơ thể hầu hết các carbohydrate tiêu hóa sẽ được chuyển hóa thành đường glucose và nhanh chóng được hấp thụ vào máu. Bất kỳ sự gia tăng nào của lượng đường trong máu cũng đều là những báo hiệu cho tuyến tụy sản xuất và giải phóng hormone insulin, đồng thời chỉ thị cho các tế bào hấp thụ glucose. Nếu insulin không được sản xuất đầy đủ, glucose tăng cao trong máu và không thể đi vào bên trong các tế bào cần nó để cung cấp năng lượng.
Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường có đặc điểm là tình trạng glucose cao bất thường trong máu. Điều này là do cơ thể không sản xuất ra đủ lượng insulin cần thiết hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Thông thường mức glucose trong máu của bạn sẽ tăng lên sau khi bạn ăn và giảm xuống sau 1-2 giờ do glucose được đưa ra khỏi máu và vào các tế bào. Tuy nhiên ở những người mắc bệnh đái tháo đường lượng đường huyết của họ vẫn có thể tăng lên trong vòng vài giờ. Thậm chí mức glucose của họ cũng có thể tăng cao hơn nhiều sau khi ăn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường.
Hiện nay bệnh đái tháo đường được phân thành nhiều loại khác nhau, bao gồm tiền đái tháo đường, đái tháo đường typ1, đái tháo đường typ2, đái tháo đường thứ phát và đái tháo đường thai kỳ. Nhưng đái tháo đường phổ biến nhất hiện nay hay gặp là tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường typ 2 mà nguyên nhân chủ yếu là từ chế độ ăn uống sinh hoạt không lành mạnh dẫn đến cơ thể tích mỡ thừa hoặc lười vận động.
Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm như tim ,mắt, thận, não. Chỉ số đường huyết cao hơn bình thường làm tổn thương các mô và cơ quan trong cơ thể. Mặt khác hiện nay nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận và mù lòa ở người trưởng thành. Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương dây thần kinh từ mức độ nhẹ cho đến nặng như bàn chân đái tháo đường có thể dẫn đến mất một chất hoặc bàn chân. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm các cơn đau tim và đột quỵ - 2 yếu tố chính gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
2.Các bước đơn giản để ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Khi nói đến bệnh đái tháo đường nhất là bệnh đái tháo đường typ2 thì phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng hơn là điều trị bệnh. Bạn nên đặc biệt ưu tiên lạu chọn phòng ngừa bệnh đái tháo đường nếu như bạn có nhiều yếu tố nguy cơ bị mắc bệnh như là thừa cân, béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường ( bố mẹ anh em) hoặc đã từng được chẩn đoán mắc bệnh tiền tiểu đái tháo đường (hay còn được gọi là rối loạn đường huyết lúc đói), đái tháo đường thai kỳ.
Để phòng ngừa bệnh đái tháo chúng ta cần có kế hoạch: Xây dựng cho mỗi cá thể chế độ ăn uống lành mạnh hơn, giữ cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất nhiều hơn, đặc biệt không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thay đổi cả. Chỉ cần thực hiện một vài thay đổi nhỏ trong lối sống của bạn ngay bây giờ đã có thể giúp bạn ngăn ngừa được những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng mà bệnh đái tháo đường gây ra như là các biến chứng thần kinh, tim và thận, não.
Dưới đây là một số phương pháp đơn giản nhưng lại có tác dụng phòng ngừa bệnh đái tháo đường rất tốt mà bất kỳ ai cũng có thể làm được:
2.1 Hoạt động thể chất nhiều hơn
Khi tăng cường các hoạt động thể chất có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nói chung cũng như ngăn ngừa bệnh đái tháo đường nói riêng. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn:
- Giảm cân hiệu quả.
- Giảm lượng đường huyết xuống mức hợp lý.
- Tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, từ đó giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Đã có một số nghiên cứu đã cho thấy tập thể dục nhịp điệu và rèn luyện sức đề kháng thường xuyên có thể góp phần kiểm soát đáng kể bệnh đái tháo đường. Vì vậy không có lý do gì mà bạn lại chần chừ thực hiện chúng ngay từ hôm nay.
Không nhất thiết bạn phải tập thể dục trong thời gian dài, nóng nực và đổ nhiều mồ hôi để đạt được mục đích là ngăn ngừa bệnh đái tháo đường. Theo các chuyên gia sức khỏe cho biết đã nghiên cứu thì bạn có thể đi bộ nhanh khoảng nửa giờ mỗi ngày để làm giảm 30% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, các bài tập thể dục cũng có thể giúp bạn đạt được những lợi ích lớn hơn về sức khỏe tim mạch của mình khi thực hiện với cường độ cao hơn.
Dành thời gian hàng giờ trước màn hình TV dường như là một hình thức hoạt động đặc biệt có hại. Theo nghiên cứu, cứ 2 giờ bạn dành để xem TV thay vì thực hiện các hoạt động năng động hơn sẽ làm tăng 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đồng thời làm tăng 15% nguy cơ mắc bệnh tim và 13% nguy cơ tử vong sớm. Càng xem nhiều tivi, bạn càng có nhiều khả năng bị thừa cân hoặc béo phì.
2.2 Bổ sung nhiều chất xơ
Chất xơ là một trong những chất đặc biệt cần thiết trong chế độ ăn uống của những người có nguy cơ mắc tiểu đường hoặc đã bị bệnh tiểu đường. Việc bổ sung chất xơ có thể đem lại cho bạn những lợi ích sức khỏe sau:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách kiểm soát tốt lượng đường huyết của bạn
- Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim
- Giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó thúc đẩy giảm cân hiệu quả
Bạn có thể bổ sung chất xơ thông qua những loại thực phẩm sau: rau, trái cây, đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
2.3 Ăn ngũ cốc nguyên hạt
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, việc ăn ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và duy trì được lượng đường trong máu ở mức phù hợp. Bạn nên cố gắng ăn ít nhất một nửa ngũ cốc là ngũ cốc nguyên hạt.
Hiện nay có nhiều loại thực phẩm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt đã được chế biến sẵn, bao gồm bánh mì, ngũ cốc, hoặc các sản phẩm mì ống.
2.4 Kiểm soát cân nặng
Thừa cân là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đái tháo đường typ2 . Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ2 lên gấp 7 lần. Trong khi đó, béo phì có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 20 – 40 lần so với người có cân nặng bình thường.
Khi bạn giảm được khoảng 7 -10% trong lượng hiện tại đã có thể giảm được một nửa nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
2.5 Điều chỉnh chế độ ăn uống
Các chế độ ăn kiêng low-carb hoặc chế độ ăn kiêng lỗi mốt khác chỉ có thể giúp bạn giảm được cân nặng lúc đầu, nhưng hiệu quả ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và tác dụng dài lâu của chúng vẫn chưa được chứng minh. Việc loại trừ hoặc hạn chế nghiêm ngặt tiêu thụ một nhóm thực phẩm cụ thể, bạn có thể đang làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu từ những loại thực phẩm đó. Thay vì vậy, bạn nên đa dạng hóa và kiểm soát khẩu phần trong chế độ ăn uống lành mạnh của mình.
Dưới đây là bốn thay đổi trong chế độ ăn uống có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của bạn, bao gồm:
- Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt hoặc các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế và các loại carbohydrate đã qua chế biến khác
- Không uống các loại đồ uống có đường, thay vào đó hãy chọn nước lọc, cà phê hoặc trà
- Lựa chọn các loại chất béo lành mạnh
- Hạn chế ăn thịt đỏ, tránh tiêu thụ nhiều thịt đã qua chế biến, thay vào đó hãy lựa chọn các loại hạt, đậu, thịt gia cầm hoặc cá.
2.6 Từ bỏ thuốc lá
Hút thuốc là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đái tháo đường typ2. Những người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn khoảng 50% so với những người không hút thuốc. Nhìn chung, càng hút thuốc nhiều thì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường càng cao.
2.7 Uống rượu ở mức độ vừa phải
Có nhiều bằng chứng cho thấy việc uống rượu vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này cũng có thể đúng đối với bệnh t đái tháo đường typ2. Khi uống một lượng rượu vừa phải, tối đa một ly một ngày (đối với phụ nữ) và tối đa hai ly một ngày (đối với nam giới), có thể làm tăng hiệu quả của insulin trong việc nhận glucose bên trong các tế bào.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng uống rượu ở mức vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ2 tuy nhiên nếu lạm dụng quá nhiều sẽ phản tác dụng, thậm chí khiến nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.
3. Bạn nên đến gặp bác sĩ khi nào?
Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị rằng bạn nên đi kiểm tra đường huyết định kỳ nếu có các yếu tố nguy cơ cao sau:
- Từ 45 tuổi trở lên, ít vận động.
- Bị thừa cân, có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ví dụ như có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường , tiền sử cá nhân về tiền đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ hoặc lối sống kém lành mạnh.
Khi từ 45 tuổi trở đi bác sĩ thường khuyên bạn nên khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cứ ba năm một lần. Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ mối quan tâm của mình về phòng ngừa bệnh tiểu đường với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và đưa ra các đề xuất phòng ngừa bệnh hiệu quả dành cho bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, hsph.harvard.edu