Ung thư phổi nên ăn gì và kiêng gì?

Ung thư phổi nên ăn gì là câu hỏi được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Quá trình duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp đóng vai trò vô cùng quan trọng để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Người bệnh ung thư phổi nên ăn gì?

1.1. Trái cây và rau xanh

Trái cây và rau xanh có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp giảm triệu chứng bệnh, cung cấp vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho người mắc ung thư phổi. Ngoài ra, các loại thực phẩm này cũng giàu carbohydrate có lợi, hỗ trợ cơ thể sản xuất năng lượng cần thiết.

Trong các loại rau có màu xanh chứa nhiều folate, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tế bào hồng cầu và giúp tế bào phát triển khoẻ mạnh.

Các loại quả có màu cam như cam, quýt, đu đủ… cũng là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang thắc mắc ung thư phổi nên ăn gì. Trong những loại trái cây màu cam có chứa nhiều carotenoid, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa sự nhiễm trùng…  

Trong khi đó, quả mọng (chẳng hạn như mâm xôi, việt quất, dâu tây…) chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất chống oxy hoá, những chất được cho là có khả năng giảm nguy cơ ung thư.

1.2. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ và dinh dưỡng dồi dào hơn so với các loại ngũ cốc đã được tinh chế. Đặc biệt, loại thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác bao gồm cả bệnh tim mạch và ung thư.

Bên cạnh đó, các loại ngũ cốc như lúa, gạo, mạch, kê, ngô, yến mạch... cung cấp vitamin B và carbohydrate kích thích sản xuất serotonin - hormone có tác dụng giảm cảm giác chán ăn, lo âu và buồn bực.

Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ và chất dinh dưỡng
Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ và chất dinh dưỡng

1.3. Các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, và sữa chua chứa một lượng lớn canxi và protein, cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.  

Tình trạng mệt mỏi và chán ăn là các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi. Do đó, người bệnh nên sử dụng sữa trong những bữa ăn phụ nhằm bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. 

Sữa và chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai là một trong những loại thực phẩm nằm trong danh sách “ung thư phổi nên ăn gì”
Sữa và chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai là một trong những loại thực phẩm nằm trong danh sách “ung thư phổi nên ăn gì”

1.4. Thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

Người mắc bệnh ung thư phổi nên ưu tiên các loại đồ ăn nhạt và tránh ăn đồ mặn để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thay vào đó, người bệnh nên tập trung vào các thực phẩm giàu chất xơ và dễ tiêu hóa như súp, cháo...

1.5. Thực phẩm giàu protein

Bệnh nhân mắc ung thư phổi đôi khi gặp phải vấn đề ho ra máu, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu máu. Do đó, người bệnh cần thực hiện một chế độ ăn uống cân đối để cung cấp đủ đạm cho cơ thể.

Trong chế độ ăn uống này, người bệnh nên bổ sung protein từ các sản phẩm sữa ít béo như sữa tươi, phô mai, sữa chua.

1.6. Chất béo thực vật

Các nguồn chất béo rất có lợi cho cơ thể, giúp kích thích quá trình hấp thụ dưỡng chất, từ đó ngăn chặn tình trạng giảm cân không mong muốn ở bệnh nhân ung thư phổi.  

Ngoài ra, bác sĩ còn khuyến khích người bệnh bổ sung các loại hạt ngũ cốc, bơ đậu phộng vào chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm này có thể được thêm vào các món salad hoặc sử dụng làm ngũ cốc, sữa chua.  

Các nguồn chất béo thực vật dồi dào (bao gồm dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng) cũng nên được tích hợp vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bệnh nhân.

1.7 Uống nước trà xanh mỗi ngày

Uống 2 tách trà xanh mỗi ngày có thể hỗ trợ cơ thể bệnh nhân ung thư phổi hấp thụ các hợp chất polyphenols có trong trà xanh. Điều này giúp kích hoạt khả năng chống oxy hóa và ngăn ngừa quá trình phát triển của ung thư một cách hiệu quả. 

Người bệnh ung thư phổi nên uống trà xanh mỗi ngày
Người bệnh ung thư phổi nên uống trà xanh mỗi ngày

1.9 Uống nhiều nước

Bệnh nhân cần uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để tránh tình trạng mất nước. Ngoài ra, người bệnh có thể lựa chọn nước ép trái từ nhiều loại quả khác nhau để chế độ dinh dưỡng được đa dạng hơn

2. Các loại thực phẩm bệnh nhân ung thư phổi nên tránh

Ngoài vấn đề ung thư phổi nên ăn gì, nhiều người bệnh cũng quan tâm ung thư phổi kiêng ăn gì. Dưới đây là một số thực phẩm mà người bệnh nên hạn chế, bao gồm:

2.1. Không hút thuốc, không rượu bia

Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá và các loại đồ uống chứa cồn như rượu, bia,... đều được xác định là những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Do đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư phổi cần tuân thủ nguyên tắc không hút thuốc lá và tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn.

2.2. Tránh hải sản nếu có dị ứng các hải sản này

Để hỗ trợ cho quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư phổi cần hạn chế việc ăn hải sản như tôm, cua và cá vì các loại hải sản này có khả năng gây ho đàm hoặc dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

2.3. Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Người bệnh ung thư phổi nên hạn chế thực phẩm giàu dầu mỡ và béo. Tiêu thụ nhiều dầu mỡ sẽ gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu và chán ăn, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị bệnh. 

Cần tránh xa các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ
Cần tránh xa các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ

2.4. Đồ nướng, đồ hun khói

Dựa vào ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm được hun khói và nướng có tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và quá trình điều trị bệnh ung thư phổi. Vì vậy, đây là loại thực phẩm mà bệnh nhân ung thư phổi nên tránh xa.

3. Một số lưu ý cho bệnh nhân ung thư phổi nên ăn gì?

Bệnh ung thư phổi cùng với tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị có thể dẫn đến những biến đổi vị giác, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược… Do đó, người bệnh gặp khó khăn trong quá trình ăn uống và duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng.

Người bệnh có thể sử dụng một số cách để ăn uống hiệu quả trong quá trình điều trị như sau:

  • Chia nhỏ 3 bữa chính thành 6-8 bữa nhỏ mỗi ngày, các bữa ăn cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ.
  • Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn.
  • Uống nước trong bữa ăn để làm mềm thức ăn và giúp việc nuốt dễ dàng hơn.
  • Ăn từng miếng nhỏ và nuốt hoàn toàn trước khi thêm thức ăn mới.
  • Ăn khi cảm thấy đói và có thể ăn được, không quan trọng thời gian trong ngày.
  • Ngồi thẳng hoặc nghiêng 45 độ khi ăn và sau bữa ăn ít nhất 30 phút.
  • Lựa chọn thực phẩm mà bệnh nhân yêu thích.

Đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm và chế biến chúng theo nhiều cách khác nhau để kích thích cảm giác thèm ăn. Sử dụng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ.

Nhìn chung, các thông tin này là một phần của chế độ dinh dưỡng khoa học được đề xuất cho những người quan tâm đến vấn đề "ung thư phổi nên ăn gì". Trên thực tế, các loại thực phẩm có lợi cho bệnh nhân ung thư phổi có thể thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh. Do đó, người thân nên dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân để cung cấp các bổ sung dinh dưỡng phù hợp, đúng đắn và kịp thời. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe