Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Suy thận là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng thận không còn khả năng hoạt động hiệu quả. Đo mức độ lọc cầu thận là xét nghiệm để chẩn đoán suy thận. Siêu âm thận, MR/CT, sinh thiết là cách tìm nguyên nhân và đánh giá tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị có thể giải quyết nguyên nhân gây suy thận hoặc tập trung vào việc thay thế chức năng thận.
1. Những thông tin cơ bản về suy thận
Thận giúp duy trì sự cân bằng điện giải và chất lỏng thích hợp trong cơ thể, loại bỏ chất thải và loại bỏ độc tố khỏi máu. Thận tạo ra nước tiểu, mang đi các sản phẩm đào thải và chất lỏng dư thừa. Chúng cũng tạo ra các hormone, kích thích việc tạo ra các tế bào hồng cầu trong tủy xương và làm chắc xương.
Thuật ngữ suy thận mô tả một tình trạng thận mất khả năng thực hiện các chức năng này một cách hiệu quả. Sự tích tụ của chất thải có thể gây ra sự mất cân bằng hóa học trong máu và có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Bệnh nhân suy thận có thể bị thiếu máu thấp hoặc loãng xương theo thời gian.
Suy thận mãn tính có thể do nhiều bệnh khác nhau gây ra (như bệnh tiểu đường, viêm cầu thận mạn, tăng huyết áp, ...) và làm chức năng thận bị suy giảm theo thời gian. Các tình trạng khác có thể dẫn đến suy thận cấp tính, như giảm lưu lượng máu đến thận (nhồi máu thận), tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu (do sỏi niệu quản) hoặc tổn thương do nhiễm trùng, tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Suy thận cấp tính có thể xảy ra nhanh chóng và để lại những tổn thương vĩnh viễn cho thận. Trong nhiều trường hợp, nó xảy ra ở những bệnh nhân đã bị bệnh nặng và cần được chăm sóc đặc biệt. Các triệu chứngcó thể bao gồm:
- Phù
- Mệt mỏi
- Máu trong nước tiểu
- Hụt hơi
- Huyết áp cao
- Buồn nôn
- Buồn ngủ
- Dễ bị bầm tím
Thay đổi trong việc đi tiểu, chẳng hạn như giảm lượng nước tiểu/ hoặc thiếu hoàn toàn (vô niệu).
2. Các biện pháp đánh giá tình trạng suy thận
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và các nguyên nhân nghi ngờ gây ra bệnh sẽ được xét nghiệm để chứng minh nguyên nhân. Để chẩn đoán suy thận, bác sĩ thường dựa vào xét nghiệm máu để đánh giá khả năng thải của thận thông qua lượng Ure và Creatine trong máu và có thể chỉ định thêm các xét nghiệm sau:
- Siêu âm thận: Đây là cách kiểm tra hình ảnh bằng cách sử dụng sóng âm tần số cao để xem thận trong thời gian thực. Đây thường là xét nghiệm đầu tiên để kiểm tra thận.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) kết hợp thiết bị tia X đặc biệt với máy tính để tạo ra nhiều hình ảnh bên trong cơ thể. Từ hình ảnh này có thể phát hiện được một số nguyên nhân gây suy thận. Phối hợp với tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch khi chụp CT scan có thể đánh giá chức năng của từng thận.
Chụp CT bụng rất phổ biến trong y tế, đây là kỹ thuật sử dụng để phát hiện và chẩn đoán nhiều bệnh lý. Hình thức là sử dụng tia X để quan sát các cấu trúc, chi tiết của bộ phận trong cơ thể cần xác minh. Kết quả của CT là hình ảnh các cấu trúc trong cơ thể hiện thị qua màn hình máy tính chuyên dụng. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Nó rất hữu hiệu trong việc tầm soát ung thư và phát hiện sớm các khối u và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. Nhưng hạn chế của nó là do sử dụng tia X nên nếu áp dụng nhiều lần đó thể khiến người bệnh bị nhiễm xạ. Nó không được khuyến cáo dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai, trong một số trường hợp bệnh nhân dùng thuốc cản quang có thể bị dị ứng với thuốc.
- Chụp niệu đồ MRI hoặc CT: Quy trình này được sử dụng để đánh giá chức năng thận và hình thái của đường bài niệu ở những bệnh nhân có các bất thường ở hệ thống thận tiết niệu như xuất hiện máu trong nước tiểu để xác định các nguyên nhân gây bệnh và dùng theo dõi bệnh nhân có tiền sử ung thư.
- Xạ hình thận: Đây là một quá trình kiểm tra y học hạt nhân. Trong kỹ thuật này, thận được đánh giá bằng một máy đo phóng xạ và máy ảnh gamma. Xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin về cả chức năng của thận và quá trình bài tiết nước tiểu của người bệnh.
- Sinh thiết: Đây là thủ thuật lấy một mẫu mô thận nhỏ dưới sự hướng dẫn của siêu âm hoặc CT scan được sử dụng để chẩn đoán xác đinh bệnh, nhưng thông thường các xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn thường được áp dụng trước sinh thiết thận.
3. Điều trị suy thận
Các lựa chọn điều trị bệnh suy thận không giống nhau ở mỗi bệnh nhân và nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy thận, nhưng hầu hết bệnh nhân điều trị suy thận đều yêu cầu nằm viện. Các lựa chọn điều trị được phân thành thành hai nhóm là điều trị nguyên nhân gây suy thận và điều trị thay thế chức năng thận. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Các thủ thuật can thiệp như đặt ống hỗ trợ (Stent) niệu quản và phẫu thuật cắt thận. Thủ thuật này bao gồm việc đưa các stent nhỏ vào niệu quản để dẫn nước tiểu xuống bàng quang hoặc một ống nối với túi dẫn lưu bên ngoài. Cả hai lựa chọn đều được sử dụng để mở khóa niệu quản nhằm cho phép dòng nước tiểu thông đi từ thận nếu đây được xác định là nguyên nhân gây suy thận.
- Điều trị phẫu thuật như lấy sỏi thận, ghép thận.
- Lọc máu, bao gồm chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc: Các quy trình này loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa khỏi máu và do đó thay thế (một số) chức năng thận. Ghép thận là cách thay thế chức năng thận hoàn chỉnh và hiệu quả nhất nhưng có thể không phù hợp với tất cả bệnh nhân.
Suy thận là tình trạng bệnh lý nguy hiểm do đó bệnh nhân cần phải được thăm khám định kỳ để phát hiện sớm, và khi có các triệu chứng của suy thận thì phải được khám và điều trị tích cực ngay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org