Biến chứng thận của bệnh đái tháo đường gồm biến chứng ở cầu thận (còn gọi là xơ hóa cầu thận), bệnh lý xơ vữa mạch máu ở thận, bệnh lý nhiễm trùng ở thận và đường niệu. Chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân tiểu đường là cần thiết trong điều trị bệnh hiệu quả cũng như phòng ngừa biến chứng.
1. Các phương pháp chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân tiểu đường
Trong chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân tiểu đường, hai phương pháp chủ yếu để chẩn đoán suy thận là xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu.
1.1 Kiểm tra albumin trong nước tiểu
Bình thường nước tiểu không chứa albumin, sự hiện diện của protein trong nước tiểu là dấu hiệu của tổn thương thận.
1.2 Kiểm tra urê máu
Nitơ urea hình thành khi protein bị phá vỡ nên nếu nồng độ của nitơ ure trong máu cao hơn so với bình thường có thể là một dấu hiệu của suy thận.
1.3 Xét nghiệm Creatinin trong máu
Thận loại bỏ creatinine từ cơ thể bằng cách đưa creatinine đến bàng quang, nơi nó được giải phóng cùng nước tiểu. Nếu thận bị tổn thương thì không thể loại bỏ creatinine đúng cách từ trong máu khiến nồng độ creatinin cao trong máu.
1.4 Sinh thiết thận
Nếu nghi ngờ bệnh nhân có bệnh thận do tiểu đường nhưng không chắc chắn, bác sĩ có thể sinh thiết thận. Sinh thiết thận là một thủ thuật ngoại khoa, cần lấy một mẫu nhỏ của một hoặc cả hai quả thận để quan sát và đánh giá.
Với các phương pháp trên, phương pháp kiểm tra albumin trong nước tiểu vẫn thường được dùng nhất trong chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân tiểu đường.
Trong giai đoạn đầu tiên đái tháo đường, đạm niệu không có, bệnh nhân nên làm kiểm tra 6 tháng/lần.
Lượng vi đạm niệu đầu tiên đo được tùy theo cách lấy nước tiểu, thường vào khoảng 30-299mg/24h hoặc 30-299 microgam/mg creatinin. Khi thấy có vi đạm niệu phải kiểm tra 3 tháng/lần và điều trị đặc hiệu.
Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh sẽ chuyển sang loại đạm niệu lâm sàng, tức là đạm niệu lớn hơn 300mg/24h, lúc này bệnh thận do đái tháo đường đã biểu hiện rõ rệt.
Khi bệnh thận ở bệnh nhân suy thận đã có những biểu hiện rõ ràng, khả năng lọc của thận giảm dần, trong vòng 5-10 năm sẽ chuyển thành suy thận giai đoạn cuối. .
2. Chẩn đoán xác định bệnh thận đái tháo đường
Chẩn đoán xác định dựa vào tế bào học, phần lớn trường hợp chẩn đoán dương tính là dựa vào kết hợp Albumin niệu, tăng huyết áp và giảm mức lọc cầu thận.
2.1 Albumin niệu
Có thể được định lượng bằng các kỹ thuật miễn dịch đặc biệt như miễn dịch phóng xạ, ELISA... có thể xác định albumin niệu.
Ở người bình thường albumin được bài tiết trong nước tiểu không vượt quá 20-30 mg/ngày hoặc 15-20 μg/phút. Khi trong nước tiểu có albumin từ 30mg đến 300mg/ngày (từ 20 đến 200 μg/phút) đây là một dấu hiệu cho biết bệnh nhân đang bị microalbumin niệu. Khi albumin niệu từ 300mg/24giờ trở lên gọi là tiểu albumin niệu đại thể.
Việc bài tiết albumin trong nước tiểu là khác nhau giữa các thời điểm trên cùng một cá thể, nên cần làm xét nghiệm albumin niệu nhiều lần để đánh giá.
2.1 Huyết áp
Tăng huyết áp là một triệu chứng của bệnh thận do đái tháo đường, với huyết áp động mạch phụ thuộc vào giai đoạn của biến chứng thận. Khi microalbumin niệu thì huyết áp tâm thu vào ban đêm giảm một ít, hiện tượng này không còn khi có albumin niệu đại thể.
2.2 Mức lọc cầu thận
Mức lọc cầu thận giảm là triệu chứng để chẩn đoán suy thận cũng là biến chứng của đái tháo đường giai đoạn cuối, được đánh giá qua hệ số thanh thải creatinin.
Ngoài ba dấu chứng trên, đánh giá có tổn thương cầu thận trong bệnh thận đái tháo đường còn dựa vào: Thời gian mắc bệnh đái tháo đường, những biểu hiện của bệnh mạch máu vi thể.
3. Chẩn đoán phân biệt suy thận ở bệnh nhân tiểu đường
Ở những bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc Insulin trong thực hành không cần sinh thiết thận để khẳng định chẩn đoán nếu thời gian đái tháo đường đã hơn trên 10 năm và có bệnh lý võng mạc do đái tháo đường.
Ngược lại, sinh thiết thận là cần thiết nếu không đủ 2 yếu tố này hoặc bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng hướng đến một bệnh nguyên khác.
Đối chiếu 2 yếu tố albumin niệu và huyết áp thường cho phép phân biệt giữa bệnh nhân đái tháo đường và bệnh đái tháo đường kèm tăng huyết áp có biến chứng thận.
Chẩn đoán suy thận ở bệnh nhân tiểu đường có vai trò rất quan trọng trong quản lý và điều trị bệnh suy thận do đái tháo đường. Sàng lọc phát hiện bệnh càng sớm thì điều trị càng dễ dàng, ít biến chứng.
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã áp dụng kỹ thuật sàng lọc suy thận sớm cho người bệnh tiểu đường bằng xét nghiệm nước tiểu L-FABP theo công nghệ Nhật Bản trên máy xét nghiệm AU680 tự động hiện đại, cho kết quả nhanh chóng và chính xác.
Bệnh nhân có các bệnh lý về thận nói chung và cần chẩn đoán sớm suy thận do đái tháo đường nói chung với kỹ thuật sàng lọc suy thận sớm bằng xét nghiệm nước tiểu sẽ được sàng lọc sớm và chẩn đoán chính xác, giúp điều trị và dự phòng hiệu quả hơn. Vinmec Times City là bệnh viện đầu tiên áp dụng phương pháp mới này tại Việt Nam
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.