Các biến chứng viêm khớp dạng thấp rất nguy hiểm và thậm chí có thể gây ra tàn phế. Bệnh có khả năng tiến triển nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là cần thiết để làm chậm tiến trình phát triển của bệnh. Hãy cùng tìm hiểu các biến chứng của bệnh thông qua bài viết dưới đây nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, chủ yếu gây ra tổn thương ở các khớp. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tiến triển và ảnh hưởng đến các cơ quan khác như phổi, mắt, tim, mạch máu, da…
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khoảng 1-5% dân số, với tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới từ 2 đến 3 lần. Phụ nữ mang thai có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn bình thường từ 2 đến 3 lần. Bệnh có thể khởi phát triệu chứng ban đầu ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường là từ 35 đến 50 tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ hơn.
Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tấn công các khớp khỏe mạnh của cơ thể, dẫn đến tổn thương chủ yếu ở các khớp nhỏ và vừa. Mặc dù là một dạng rối loạn tự miễn, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh có thể liên quan đến các yếu tố như nhiễm trùng, yếu tố miễn dịch, di truyền, hormone và môi trường sống. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi khác có thể bao gồm lối sống và yếu tố tâm lý.
Một số triệu chứng nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp:
- Đau, sưng, nóng và đỏ tại khớp: Các triệu chứng điển hình này thường xuất hiện ở các khớp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các biểu hiện này cũng có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác ảnh hưởng đến khớp.
- Sưng đau có tính đối xứng: Đau và sưng các khớp một cách đối xứng là một đặc điểm khá điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều này có nghĩa là nếu khớp gần của ngón tay trỏ bên phải bị đau thì khớp tương ứng bên trái cũng sẽ sưng và đau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp viêm khớp dạng thấp chỉ ảnh hưởng đến một khớp duy nhất.
- Cứng khớp vào buổi sáng: Viêm khớp dạng thấp thường dẫn đến tình trạng mất sụn khớp, khiến sụn dần mất đi và lộ ra phần xương, làm tình trạng viêm nặng hơn. Điều này gây ra cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng, dẫn đến việc cử động khớp trở nên khó khăn. Thời gian cứng khớp vào buổi sáng trong bệnh viêm khớp dạng thấp thường kéo dài hơn 1 giờ, giúp phân biệt với cứng khớp do thoái hóa khớp.
- Hạt dạng thấp: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể thấy xuất hiện các hạt nổi trên bề mặt da, đặc biệt thường gặp ở vùng khuỷu tay.
- Các triệu chứng khác: Bên cạnh các dấu hiệu chính, người bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, sốt. Nếu bệnh kéo dài có thể dẫn đến teo cơ, biến dạng khớp, mất chức năng vận động khớp và các dấu hiệu của thiếu máu mạn tính. Ngoài ra, bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác, gây ra các triệu chứng như đau mắt, khô mắt và đau tức ngực.
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng được thực hiện để đánh giá một cách chính xác hơn và hỗ trợ tiên lượng bệnh, đồng thời theo dõi quá trình điều trị. Sau khi được chẩn đoán, việc điều trị cần được tiến hành ngay để hạn chế các đợt bùng phát và ngăn ngừa biến chứng viêm khớp dạng thấp trong tương lai, nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
2. Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?
Viêm khớp dạng thấp nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra các biến chứng viêm khớp dạng thấp nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tàn phế. Khi bệnh tiến triển theo hướng mãn tính với các đợt tiến triển liên tiếp sẽ nhanh chóng làm biến dạng khớp và có thể đến mức không thể phục hồi.
3. Các biến chứng viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh. Các biến chứng nghiêm trọng từ viêm khớp dạng thấp bao gồm:
3.1. Biến dạng khớp
Khi sụn khớp bị tổn thương do tấn công của bệnh, các đầu xương dưới sụn sẽ bị bào mòn và phản ứng viêm mạnh mẽ xảy ra, khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn và gặp khó khăn trong vận động. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các khớp bị dính lại với nhau, gây ra biến dạng khớp và làm mất khả năng vận động bình thường.
Biến chứng viêm khớp dạng thấp này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể khiến người bệnh mất khả năng đi lại bình thường, đặc biệt là ở các khớp quan trọng như cổ chân và gối.
3.2. Nhiễm trùng
Trong điều trị viêm khớp dạng thấp, người bệnh thường phải sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng bởi các vi sinh vật gây bệnh hơn.
3.3. Loãng xương
Viêm khớp dạng thấp không chỉ tăng nguy cơ mắc loãng xương mà cả các loại thuốc dùng để điều trị bệnh cũng có thể gây ra tình trạng này. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân, do đó, trong quá trình điều trị, cần áp dụng các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ loãng xương.
3.4. Hội chứng Sjogren
Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển nặng, có thể gây ra biến chứng là hội chứng Sjogren. Đây là một hội chứng tự miễn gây giảm lượng dịch tiết ở miệng và mắt, dẫn đến tình trạng khô mắt và khô miệng. Tình trạng này có thể gây viêm niêm mạc miệng và khô mắt, ảnh hưởng xấu đến thị lực.
3.5. Tổn thương thần kinh ngoại biên
Viêm khớp ở vị trí khớp cổ tay có thể tăng nguy cơ chèn ép thần kinh ngoại biên, dẫn đến tình trạng tê bì và cảm giác bỏng rát ở bàn tay, gây ra hội chứng ống cổ tay.
3.6. Tỷ lệ mỡ cao
Mặc dù, chỉ số khối cơ thể (BMI) của bệnh nhân bình thường nhưng tỷ lệ mỡ cao hơn so với cơ khi mắc viêm khớp dạng thấp.
3.7. Tim mạch
Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như thu hẹp lòng mạch và tăng nguy cơ đau thắt ngực hay đột quỵ.
3.8. Hô hấp
Bệnh có thể gây ra tình trạng tăng nghẽn đường dẫn khí và tăng áp lực phổi. Người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi kẽ gây ra triệu chứng khó thở.
3.9. Viêm loét dạ dày
Trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc kháng viêm corticoid và chống viêm không steroid gây tổn thương dạ dày, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
3.10. Ung thư hạch
Do rối loạn miễn dịch trong bệnh lý này, người bệnh có nguy cơ cao mắc các loại ung thư, đặc biệt là ung thư hạch.
Biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ giúp người bệnh chậm lại tiến trình của bệnh, kiểm soát tốt hơn và phát hiện sớm các biến chứng nếu có.
4. Làm sao để kiểm soát biến chứng viêm khớp dạng thấp?
Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp không thể điều trị dứt điểm, các biện pháp điều trị hiện có vẫn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, làm chậm sự tiến triển của bệnh và giúp hạn chế các biến chứng. Do đó, khi được chẩn đoán mắc bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Tránh tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định vì điều này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác do phản ứng của thuốc.
Áp dụng một lối sống lành mạnh, tăng cường vận động các khớp để hạn chế tình trạng dính khớp và biến dạng khớp. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh, hoạt động thể chất có thể tạm ngừng trong một thời gian ngắn nhưng khi cơn đau giảm, bệnh nhân nên tiếp tục vận động để tránh việc khớp bị cứng lại do ngừng hoạt động quá lâu.
Chế độ ăn uống nên giảm thiểu các thực phẩm chứa lượng chất béo cao, ngừng hút thuốc lá và tăng cường ăn rau xanh và trái cây.
Biến chứng viêm khớp dạng thấp rất nghiêm trọng và có thể làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân một cách đáng kể. Do đó, điều quan trọng nhất là người bệnh cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ ngay từ khi phát hiện bệnh. Điều này nên được kết hợp với việc thay đổi lối sống để giảm nguy cơ biến chứng của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.