Các biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật tuyến giáp thường ít xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, cũng giống như các loại phẫu thuật khác, điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Các thông tin sau đây sẽ giúp mọi người có thêm kiến thức về việc điều trị ung thư tuyến giáp để có quyết định đúng đắn cho bệnh lý của mình.

1. Tổng quan về ung thư tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến có hình bướm, nằm ở dưới cổ và có chức năng sản xuất các hormone điều chỉnh hầu hết các quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể. Theo đó, vai trò của tuyến giáp có ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể và cân nặng.

Ung thư tuyến giáp là khi hình thành các tế bào ác tính không kiểm soát được xảy ra trong các tế bào của tuyến giáp. Bệnh lý này có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào lúc ban đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, khối u giáp ở vùng cổ có thể gây đau và sưng kèm theo nổi hạch.

Bản chất của ung thư tuyến giáp có nhiều loại, có loại phát triển rất chậm nhưng có loại phát triển nhanh. Tuy nhiên, một điều may mắn là nếu được phát hiện sớm, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

2. Các phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp

2.1. Cắt thùy giáp

Mổ điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật cắt thùy là một can thiệp nhằm loại bỏ thùy giáp chứa khối ung thư. Trong đó, khối u có thể nằm ở thùy phải, thùy trái hay nằm ngay eo giáp, phần nối liền giữa hai thùy.

Chỉ định của cắt thùy giáp là để điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa dạng nhú hoặc nang có kích thước nhỏ và không có dấu hiệu lan rộng ra bên ngoài tuyến giáp. Đôi khi can thiệp này cũng được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp nếu kết quả sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ không cho ra chẩn đoán rõ ràng.

Một lợi thế của phẫu thuật này là các bệnh nhân không cần phải uống thuốc nội tiết tố tuyến giáp kéo dài vì vẫn còn một phần tuyến giáp được bảo tồn. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp là khối u vẫn có thể có nguy cơ tái phát trên nhu mô giáp còn lại. Vì vậy, sau phẫu thuật cắt thùy giáp, người bệnh vẫn phải thăm khám định kỳ và tầm soát ung thư bằng xạ hình tuyến giáp cũng như đo nồng độ hormone tuyến giáp thường xuyên trong máu.

2.2. Cắt tuyến giáp

Khác với cắt thùy giáp, can thiệp cắt tuyến giáp là một phẫu thuật bóc tách lấy hoàn toàn nhu mô giáp. Đây là phẫu thuật phổ biến nhất cho ung thư tuyến giáp với tính triệt để cao, hạn chế nguy cơ tái phát so với cắt thùy giáp.

Tuy nhiên, vẫn tương tự như với cắt thùy giáp, phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ vẫn có đường mổ không dài hơn đáng kể. Điểm hạn chế là nằm ở việc người bệnh sẽ cần uống thuốc nội tiết tố tuyến giáp (levothyroxin) hàng ngày trong suốt cuộc đời còn lại sau đó.


Để điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể được chỉ định cắt tuyến giáp
Để điều trị ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể được chỉ định cắt tuyến giáp

2.3. Nạo bỏ hạch bạch huyết

Nếu ung thư tuyến giáp đã cho các tế bào di căn đến các hạch bạch huyết ở vùng cổ, chúng cũng sẽ được nạo vét đồng thời với phẫu thuật trên tuyến giáp.

Tuy vậy, các phẫu thuật viên chỉ có thể nhận biết và can thiệp trên các hạch có kích thước lớn nổi bật, thường là chỉ có một hoặc hai hạch bạch huyết được cho là có chứa ung thư. Phần còn lại sẽ được điều trị bằng iốt phóng xạ bổ sung sau đó.

3. Các biến chứng có thể gặp trong phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp

Trong tay một bác sĩ phẫu thuật tuyến giáp có kinh nghiệm, phẫu thuật tuyến giáp nhìn chung là một can thiệp an toàn với ít biến chứng. Tuy nhiên, không khác với các phẫu thuật khác, phẫu thuật tuyến giáp nói chung, phẫu thuật ung thư tuyến giáp nói riêng, không thể tránh được các biến chứng nhất định.

3.1. Chảy máu ở vùng cổ

Bất kỳ một can thiệp ngoại khoa nào cũng luôn luôn ẩn chứa nguy cơ chảy máu. May mắn là lượng máu mất trung bình cho các cuộc phẫu thuật tuyến giáp thường ít và yêu cầu cần phải truyền máu bồi hoàn là cực kỳ hiếm.

Tuy nhiên, vấn đề là việc chảy máu ở vùng cổ có khả năng đe dọa đến tính mạng khi khối máu tụ gây đẩy lệch hay chèn ép khí quản, người bệnh trở nên khó thở, thiếu oxy máu. Chính vì vậy, sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được theo dõi rất kỹ đối với biến chứng này. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào về xuất huyết hậu phẫu, kèm theo bệnh nhân khó thở, vùng cổ diễn tiến sưng to liên tục..., người bệnh sẽ cần can thiệp phẫu thuật cầm máu.

3.2. Khàn giọng hay thay đổi giọng nói

Có hai sợi dây thần kinh gần tuyến giáp giúp kiểm soát vận động của dây thanh âm. Tổn thương dây thần kinh thanh quản do phẫu thuật tuyến giáp có thể khiến bạn bị mất giọng nói hoặc bị khàn tiếng.

May mắn là biến chứng này thường trở nên tốt hơn trong vòng một vài tuần hậu phẫu nhưng có thể mất đến 6 tháng để giải quyết vấn đề này. Ngay cả khi người bệnh bị khàn giọng vĩnh viễn, mặc dù rất hiếm gặp, vẫn có thể cải thiện được chất lượng giọng nói với các chuyên gia tai mũi họng về sau này.

3.3. Hạ canxi máu

Hạ canxi máu do nồng độ canxi trong máu thấp có thể xảy ra sau phẫu thuật tuyến giáp và tuyến cận giáp vì tuyến cận giáp có thể không hoạt động bình thường ngay sau phẫu thuật. Trong phần lớn các trường hợp, hạ canxi máu do suy tuyến cận giáp khá phổ biến và chỉ xảy ra tạm thời.

Các tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ, kích thước bằng một hạt gạo. Chúng nằm gần hoặc gắn vào tuyến giáp và kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Mỗi thùy tuyến giáp có hai tuyến cận giáp. Sau khi phẫu thuật tuyến giáp và trước khi được xuất viện về nhà, nồng độ canxi máu của người bệnh sẽ được kiểm tra. Đồng thời, người bệnh cũng được hướng dẫn về việc bổ sung canxi trong tuần đầu tiên hoặc hai tuần sau khi phẫu thuật tuyến giáp.

Khi hạ canxi máu cấp tính xảy ra với các triệu chứng như tê và ngứa ran, đặc biệt là quanh môi và ở tay và chân, cũng như các cơn chuột rút cơ bắp, người bệnh cần nhập viện để được bổ sung canxi qua đường tĩnh mạch.

3.4. Tụ dịch trong vết mổ

Tụ dịch trong vết mổ tuyến giáp có bản chất là huyết thanh hay dịch viêm phản ứng. Nếu số lượng ít, dịch sẽ tự hấp thu, người bệnh không cần can thiệp gì.

Ngược lại, nếu dịch thành lập liên tục, vị trí vết mổ có cảm giác như đầy hơn hoặc sưng lên. Lúc này, vết mổ có thể cần được tiểu phẫu dẫn lưu.

3.5. Nhiễm trùng

Tương tự như mọi can thiệp ngoại khoa khác, phẫu thuật tuyến giáp vẫn phải đối diện với nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra tại vết mổ do chăm sóc hậu phẫu kém hay nhiễm trùng bên dưới vết thương.

Các trường hợp này cần phải điều trị với kháng sinh kết hợp với vệ sinh sát trùng tại chỗ. Hơn nữa, nếu vùng cổ sưng đỏ, chảy dịch mủ, người bệnh sốt cao, cần xem xét chỉ định phẫu thuật dẫn lưu ổ nhiễm.


Có thể dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng khi phẫu thuật tuyến giáp
Có thể dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng khi phẫu thuật tuyến giáp

4. Bệnh nhân có nguy cơ cao đối với phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Các nhà phẫu thuật tuyến giáp đã xác định ba nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng của phẫu thuật nói chung và phẫu thuật ung thư tuyến giáp nói riêng:

  • Bệnh nhân trên 65 tuổi:

Bệnh nhân lớn tuổi có khả năng bị biến chứng cao gấp ba lần so với những người dưới 65 tuổi. 10% bệnh nhân lớn tuổi bị biến chứng sau phẫu thuật nói chung và 19% bị biến chứng liên quan đến phẫu thuật tuyến giáp. Đối với bệnh nhân dưới 65 tuổi, chỉ có 3% có các biến chứng chung và 6% có các biến chứng liên quan đến phẫu thuật tuyến giáp.

  • Bệnh nhân ung thư tuyến giáp tiến triển:

Khi tình trạng ung thư giáp tiến triển với các dấu hiệu của hội chứng cường giáp trên lâm sàng, chỉ định phẫu thuật tuyến giáp sẽ rất thận trọng. Mọi sai sót trong can thiệp có thể thúc đẩy di căn phát triển hơn và khó kiểm soát hơn so với quyết định điều trị hóa xạ trị đơn thuần.

  • Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm:

Các bệnh lý nội khoa mạn tính trên hệ tim mạch, hô hấp hay các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh thận mạn sẽ khiến cho khả năng chịu đựng cuộc mổ kém hơn, tăng nguy cơ xảy ra biến chứng trong lúc mổ cũng như trong thời gian hậu phẫu.

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp là cách thức được ưu tiên lựa chọn nhằm điều trị triệt để bệnh lý này. Dù đây là can thiệp ngoại khoa tương đối đơn giản vì tuyến giáp có vị trí dễ tiếp cận, phẫu thuật ung thư tuyến giáp vẫn có thể không tránh khỏi các biến chứng. Vì thế, để việc điều trị đạt hiệu quả tối ưu, nên cân nhắc thực hiện tại các cơ sở y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe