Trung thất nằm ở vị trí trung tâm của lồng ngực, chứa nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể. Mỗi cơ quan trong trung thất có biểu hiện bệnh tật riêng.
1. Trung thất là gì?
Trung thất là khoang nằm trong lồng ngực, được giới hạn bởi nền cổ ở phía trên, cơ hoành ở phía dưới, xương ức ở phía trước, các cột sống ở phía sau và lá thành màng phổi hai bên.
Để thuận tiện trong điều trị lâm sàng, trung thất được chia thành ba vùng là:
- Trung thất trước
- Trung thất giữa
- Trung thất sau.
1.1 Trung thất trước
Trung thất trước chứa tuyến ức hoặc di tích của tuyến ức, tuyến giáp và tuyến cận giáp trong lồng ngực, bạch mạch và nhóm bạch huyết trong lồng ngực, tổ chức mỡ và mô liên kết liên kết.
1.2 Trung thất giữa
Trung thất giữa gồm có tim, màng ngoài tim, khí quản, phế quản, quai động mạch chủ và các mạch máu lớn, các tĩnh mạch và xoang tĩnh mạch trên, rốn phổi, hạch bạch huyết, thần kinh hoành và dây X.
1.3 Trung thất sau
Trung thất sau gồm thực quản, ống ngực, hạch bạch huyết, đoạn dưới dây thần kinh X, động mạch chủ xuống, tĩnh mạch Azygos, chuỗi hạch giao cảm, tổ chức liên kết.
2. Các bệnh lý trung thất thường gặp
2.1. Tràn khí trung thất
Có hai dạng bệnh tràn khí trung thất là tràn khí trung thất xác định được nguyên nhân và tràn khí trung thất tự phát không rõ nguyên nhân.
- Tràn khí trung thất có nguyên nhân là những trường hợp mà nguyên nhân của tràn khí trung thất được xác định rõ như do vỡ phế nang, đập vỡ khí phế quản hoặc thực quản, do chấn thương, thủng tạng rỗng, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật,...
- Tràn khí trung thất tự phát là sự xuất hiện của khí tự do trung thất mà không rõ nguyên nhân. Cơ chế của tràn khí trung thất tự phát có thể xảy ra do sự chênh lệch áp suất giữa các phế nang và tổ chức kẽ phổi dẫn đến vỡ phế nang
Khi bị tràn khí trung thất, người bệnh thường có triệu chứng:
- Đau ngực, khó thở
- Với tràn khí trung thất tự phát có thể gặp hiện tượng tràn khí dưới da.
Điều trị tràn khí trung thất có nguyên nhân theo nguyên nhân gây bệnh. Điều trị tràn khí trung thất tự phát chủ yếu là điều trị hỗ trợ, gồm các biện pháp như nghỉ ngơi, cho bệnh nhân thở oxy, dùng kháng sinh dự phòng, thuốc giãn phế quản,...
2.2. Viêm trung thất
2.2.1. Viêm trung thất cấp
Viêm trung thất cấp là tình trạng nhiễm khuẩn mô liên kết lỏng lẻo ở trung thất, bao quanh các cơ quan trong trung thất. Đây là một bệnh lý trung thất rất nặng, tiến triển nhanh, có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Viêm trung thất cấp có thể do:
- Nhiễm khuẩn tại chỗ: Do nhiễm khuẩn của thực quản, khí quản bị chấn thương, chọc thủng hoặc do niêm mạc bị xây xước do nội soi, hóc xương cá...Ổ nhiễm khuẩn này phát triển, lan rộng, xuyên qua các mô liên kết, đột nhập trung thất, gây nhiễm khuẩn trung thất.
- Nhiễm khuẩn ở các vị trí sát trung thất lan đến như viêm xương-tủy đốt sống cổ, viêm màng phổi, viêm phổi, ổ viêm xương-tủy xương ức,...
- Nhiễm khuẩn từ xa đến trung thất như nhiễm khuẩn từ cổ xuống trung thất, nhiễm khuẩn từ ổ bụng lên trung thất,...
Viêm trung thất cấp có các triệu chứng của nhiễm khuẩn nặng như: Sốt cao, rét run, khó thở, mặt tím tái, mạch đập nhanh, có thể đau dữ dội xương ức, phù đáy cổ trên xương ức, khí thủng dưới da,...
Đây là bệnh lý trung thất cần được điều trị cấp cứu, hồi sức tích cực kết hợp, cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh liều cao, mở dẫn lưu trung thất, nếu có vết thương thực quản mà chưa khâu nối lại được thì làm thủ thuật mở thông dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân.
2.2.2. Viêm trung thất mạn tính
Viêm trung thất mạn tính gồm hai bệnh cảnh chính viêm xơ hóa trung thất và viêm dạng u hạt trung thất.
- Viêm xơ hóa trung thất là bệnh gây xơ các mô liên kết trung thất, bệnh thường gây chèn ép khí quản, chèn ép mạch máu và thần kinh, gây liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược và dây thần kinh hoành.
- Viêm dạng u hạt trung thất: Các triệu chứng của bệnh thường nghèo nàn, chẩn đoán bệnh qua phim X-quang phổi và nội soi sinh thiết hạch trung thất.
2.3. U trung thất
2.3.1. U trung thất là gì?
U trung thất là nhóm bệnh lý trung thất thường gặp nhất, chiếm hơn 90% các trường hợp, trong đó phần lớn là u trung thất ác tính. Các u trung thất thường gặp theo các vị trí nhất định trong trung thất:
- Các u thường gặp ở trung thất trước gồm các u tuyến ức, kén tuyến ức, u tế bào mầm, bướu giáp, u tuyến cận giáp, các u lympho, các u tổ chức liên kết.
- Các u thường gặp ở trung thất giữa gồm u khí quản, u lympho, di căn ung thư.
- Các u thường gặp ở trung thất sau gồm các u, kén thần kinh, u thực quản, nang giả tụy, thoát vị cơ hoành.
2.3.2. Triệu chứng của u trung thất
Các triệu chứng thường gặp là:
- Mệt mỏi toàn thân, cảm sốt, chán ăn, sụt cân,... do khối u chèn ép và gây bội nhiễm đường hô hấp.
- Ho, khó thở, thở tiếng rít hoặc khò khè, có khi ho ra máu
- Khó nuốt do u chèn vào thực quản
- Đau ngực do u chèn ép vào dây thần kinh liên sườn; khàn tiếng do bị chèn ép dây thần kinh quặt ngược; rối loạn nhịp thở, cao huyết áp, tăng tiết nước bọt do u chèn ép vào dây thần kinh X; co đồng tử, sụp mí, hẹp khe mi, bừng đỏ nửa mặt một bên,... do bị chèn ép đám rối giao cảm cổ.
- Khi u chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây triệu chứng phù mặt, vai, cổ, đầy hố thượng đòn, tím môi, nhức đầu,...chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây to gan, cổ trướng, phù chi dưới; chèn ép tĩnh mạch đơn gây tuần hoàn bàng hệ ở thành ngực.
- Nếu u trung thất chèn ép ống ngực có thể thấy tràn dịch màng phổi dưỡng chấp, cổ trướng dưỡng chấp, phù chi dưới lan dần lên chi trên.
- Nếu u chèn ép, phát triển to ra có thể gây phù nề và sưng vùng thành ngực và xương ức nơi sát với khối u.
2.3.3. Điều trị u trung thất
Chẩn đoán u trung thất bằng thăm khám lâm sàng, kết hợp với các kỹ thuật cận lâm sàng như chụp X-quang lồng ngực, chụp vi tính cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ MRI, nội soi và xét nghiệm sinh thiết khối u,...
Mọi u trung thất đã được chẩn đoán xác định, nếu không có chống chỉ định nên được phẫu thuật loại bỏ sớm. Phẫu thuật vừa là phương pháp điều trị, vừa giúp chẩn đoán giai đoạn tiến triển, mô bệnh học, từ đó giúp xác định kế hoạch điều trị bổ sung sau phẫu thuật như hóa trị, xạ trị,...
Phương pháp phẫu thuật một số u trung thất thường gặp:
- U thần kinh: Thường gây mê nội khí quản và mổ qua đường mở ngực sau bên dưới do các u thần kinh thường ở trung thất sau. Nếu bị u bao Schwann có thể sử dụng phương pháp mổ nội soi lồng ngực. Trong trường hợp u thần kinh ác tính xâm lấn mạnh các cơ quan xung quanh thì đôi khi phẫu thuật chỉ lấy được một phần khối u.
- U quái: Thường ở trung thất trước nên mở dọc giữa xương ức là đường mổ thích hợp nhất. Khó khăn khi mổ u quái ở trung thất là u thường dính vào các cơ quan xung quanh, nên quá trình mổ dễ gây tổn thương cho cơ quan đó.
- U tuyến ức: Nếu u tuyến ức có triệu chứng nhược cơ nặng thì cần điều trị nội khoa trước khi mổ. Đường mổ thuận lợi nhất là mở xương ức theo đường dọc giữa 2⁄3 trên hoặc toàn bộ xương ức.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.