U trung thất thường sẽ âm thầm phát triển và khó phát hiện, hầu hết các trường hợp có khối u trung thất là do tình cờ phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bệnh tình đã đến giai đoạn muộn. Lúc này, phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u trung thất nhỏ là điều cần phải làm.
1. U trung thất là gì?
Trung thất là trung tâm của ngực, bên trong trung thất là các cơ quan như tuyến ức, thực quản đoạn ngực, tim, màng ngoài tim, các mạch máu lớn và các dây thần kinh...
U trung thất sẽ xuất hiện khi các tế bào mầm hay các tế bào tăng sinh phát triển ở mô tuyến ức hoặc mô thần kinh hay mô bạch huyết. U trung thất nằm bên trong lồng ngực, có thể ở trước hoặc sau trung thất. Nó cũng chiếm đến 90% bệnh lý về trung thất.
U trung thất có thể là khối u nguyên phát hoặc thứ phát, nó có thể hình thành từ những tế bào lành tính hay ác tính quá phát. Dựa trên nguồn gốc hình thành của u nang, bệnh lý này cũng được phân thành nhiều loại.
2. Biểu hiện u trung thất
Các biểu hiện khi xuất hiện u trung thất đó là: Đau ngực, khó thở khi bệnh nhân nằm ngửa. Gặp khó khăn khi thở, khò khè, thở rít và có thể xuất hiện ho ra máu. Nếu như khối u chèn vào thực quản, bệnh nhân có thể bị khó nuốt. Lâu dài, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng mệt mỏi, sút cân, suy nhược cơ thể, nặng hơn có thể bị bội nhiễm đường hô hấp, sưng phù nề và đau các khớp.
Mức độ tổn thương giải phẫu và rối loạn bệnh lý đôi khi có thể không tương xứng với nhau, tức là những khối u ác tính lại hiếm xuất hiện các triệu chứng còn các khối u lành lại có biểu hiện sớm và rõ ràng.
U trung thất sẽ lớn dần theo thời gian và chèn ép hay xâm lấn những cơ quan chủ chốt khác như tim, phổi, các mạch máu... Điều này sẽ làm cản trở tuần hoàn và hô hấp. Các khối u ác tính còn có khả năng di căn tới màng tim hay phổi và đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Nội soi trung thất là gì?
Phẫu thuật nội soi trung thất là sự xâm nhập tối thiểu vào lồng ngực để xử trí và điều trị bệnh lý với sự hỗ trợ của các dụng cụ nội soi chuyên dụng và màn hình video.
- Phương pháp nội soi trung thất được thực hiện bằng cách rạch một đường nhỏ trên ngực, tạo thành lối vào để đưa các ống nội soi trung thất vào trong lồng ngực. Các ống soi này có gắn camera để bác sĩ có thể nhìn được hình ảnh trực tiếp trên màn hình.
- Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên cũng có thể tiến hành một số xét nghiệm nếu cần thiết. Bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm nhỏ ra khỏi lồng ngực bệnh nhân và đem đi xét nghiệm để có được chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
3.1 Chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u trung thất
Những trường hợp được chẩn đoán:
- Có u trung thất với kích thước đo được trên phim cắt lớp vi tính là nhỏ, dưới 5cm. Khối u không xâm lấn hoặc xâm lấn ít vào tạng lân cận ở trong lồng ngực hay là khối u nang.
3.2 Trường hợp chống chỉ định
Các trường hợp người bệnh bị tổn thương phổi đối diện và không thể tiến hành thông khí 1 phổi hay người mắc các bệnh toàn thân nặng sẽ không được chỉ định làm phẫu thuật này. Chống chỉ định cho người bệnh mắc bệnh máu, bệnh mãn tính năng, huyết động sau chấn thương không ổn định, chấn thương ngực từ trước đó...
4. Thực hiện kỹ thuật nội soi lồng ngực cắt u trung thất nhỏ dưới 5cm
Sau khi đã chuẩn bị xong và thực hiện những thao tác cần thiết, phẫu thuật viên sẽ bắt đầu thực hiện kỹ thuật mổ như sau.
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ dùng dao điện để nội soi phẫu tích khối u, tức là gỡ dính và đốt các vị trí có sự chảy máu trong khi phẫu tích. Mục đích của việc phẫu tích là để làm rõ và tiếp cận các mạch nuôi khối u để kiểm soát nó.
- Quá trình phẫu tích có thể cần đến dụng cụ clip cầm máu hay khâu cầm máu đối với những mạch máu lớn. Những khối u trung thất có vị trí gần tĩnh mạch chủ, ống ngực hay thần kinh hoành... cần phải hết sức cẩn thận để tránh làm tổn thương những thành phần này.
- Phẫu thuật viên lấy mẫu bệnh phẩm ra khỏi khoang màng phổi, dùng túi chuyên dụng để gửi đi giải phẫu bệnh lý. Sau đó kiểm tra độ kín của diện bóc tách khối u khỏi các nhu mô phổi và diện bóc tách u ở trung thất... Kiểm tra xì khí mỏm cắt bằng cách đổ huyết thành vô khuẩn vào trong khoang màng phổi rồi phồng phổi để kiểm tra. Nếu còn có hiện tượng xì khí qua mỏm thì phải khâu lại ngay. Sau đó hút sạch nước để kiểm tra diện bóc tách trung thất. Nếu như có chảy máu thì phải khâu hoặc đốt điện nội soi để xử lý.
- Cuối cùng là cầm máu trocar, bơm rửa ngực lại sau đó đặt dẫn lưu silicon vào bên trong khoang màng phổi và hút liên tục dẫn lưu để phòng tắc nghẽn do máu cục. Sau đó đóng đường mở nhỏ, đóng các lỗ trocar sau khi nở phổi tốt.
5. Nội soi lồng ngực, cắt u trung thất có để lại biến chứng không?
Hầu hết các phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u trung thất đều không để lại biến chứng. Một số ít trường hợp có thể bị ống nội soi đè lên dây thần kinh tạm thời khiến cho bệnh nhân bị khàn tiếng, đôi khi tình trạng này có thể không thể hồi phục.
Bệnh nhân có thể bị mất máu quá nhiều trong quá trình nội soi và cần được truyền máu hoặc chuyển sang phương pháp mổ hở. Khí đó, bệnh nhân có thể có nguy cơ tràn khí màng phổi, tức là bị rò khí ra ngoài từ bên trong phổi. Lúc này bệnh nhân cần được can thiệp bằng các ống dẫn lưu ở giữa 2 xương sườn trong vòng vài ngày.
Những biến chứng nặng nhưng hiếm gặp khác đó là xẹp phổi và rách thực quản.
Sau khi phẫu thuật, nếu người bệnh gặp phải những vấn đề sau thì phải báo ngay với bác sĩ:
- Chảy máu vết mổ, nhiều và trong thời gian dài
- Sốt cao, xuất hiện khàn tiếng không dứt hoặc có dấu hiệu nặng dần
- Ngực đau dữ dội, cổ bị sưng
- Xuất hiện tình trạng khó nuốt, khó thở
Các bác sĩ luôn khuyến cáo mọi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý nguy hiểm như u trung thất nếu có.