Các bài tập thoát vị đĩa đệm cổ có thể tham khảo

Thực hiện các bài tập thoát vị đĩa đệm cổ một cách thường xuyên và đều đặn giúp bệnh nhân hỗ trợ giảm đau, tăng cường hiệu quả điều trị và cải thiện tình trạng co cứng cổ cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ và tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSCK I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Tìm hiểu về bệnh thoát vị đĩa đệm cổ

Cột sống cổ là vùng cầu nối quan trọng giữa đầu và cột sống chung. Cột sống cổ bao gồm 7 đốt sống được ký hiệu từ C1 đến C7, các đốt sống này nối với nhau bằng các đĩa đệm và hệ thống liên mấu khớp sau, bên, các dây chằng. Tầm độ vận động cột sống cổ tương đối cao và linh động do vậy cột sống cổ rất dễ bị thương tổn đặc biệt các đĩa đệm cột sống cổ.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một vấn đề phổ biến tại Việt Nam, gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, đồng thời, bệnh tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mắc phải.

Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm tình trạng thoái hóa đĩa đệm do tuổi tác, chấn thương cổ do hoạt động vận động hoặc thể thao, ngồi làm việc không đúng tư thế trong thời gian dài, các chuyển động đột ngột ở vùng cổ, và yếu tố di truyền về bệnh cơ xương khớp.

Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể được phân loại thành các loại sau:

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép vào tủy sống, gây ra các bệnh liên quan đến tủy;
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép vào rễ thần kinh, gây ra các vấn đề về rễ thần kinh;
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép đồng thời cả rễ thần kinh và tủy sống, gây ra các tình trạng bệnh lý kết hợp giữa rễ và tủy.

Thoát vị đĩa đệm cổ thường gây ra những cơn đau ở vùng cổ, lan ra vai và gáy, gây đau đầu và cảm giác tê bì ở cánh tay. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt, rối loạn cảm giác ở cổ vai và hai bên tay. Nếu không chữa trị kịp thời, thoát vị đĩa đệm cổ có thể dẫn đến các biến chứng như rối loạn tiền đình, thiếu máu não, và yếu liệt 1 tay hoặc cả 2 tay, rối loạn cảm giác. 

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một vấn đề phổ biến tại Việt Nam.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một vấn đề phổ biến tại Việt Nam.

2. Một số bài tập thoát vị đĩa đệm cổ

Nhiều người thường cho rằng quá trình chữa bệnh thoát vị đĩa đệm cần hạn chế vận động càng nhiều càng tốt, nhưng điều này hoàn toàn không đúng.

Hiệu quả của điều trị phụ thuộc vào quá trình kết hợp các phương pháp điều trị chuyên môn cùng với sự kiên nhẫn trong khi tập luyện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Dưới đây là một số bài tập thoát vị đĩa đệm cổ được bác sĩ khuyến khích áp dụng trong quá trình điều trị bệnh nhằm giảm đau và cải thiện tình trạng co cứng cổ cho bệnh nhân:

2.1 Bài tập căng cổ sang bên

Để thực hiện bài tập căng cổ sang bên này, người bệnh cần làm theo các bước sau:

  • Ngồi thẳng lưng trên sàn với chân bắt chéo.
  • Tay phải được duỗi thẳng ra, đặt tay trái lên đỉnh đầu.
  • Nhẹ nhàng đẩy đầu sang bên trái.
  • Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây.
  • Từ từ nâng đầu thẳng lên trở lại tư thế ban đầu.
  • Lặp lại bài tập này 5 lần cho mỗi bên. 
Bài tập thoát vị đĩa đệm cổ bằng cách căng cổ sang bên
Bài tập thoát vị đĩa đệm cổ bằng cách căng cổ sang bên

2.2 Bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình

Để thực hiện bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình người bệnh làm theo các bước sau:

  • Ngồi lưng thẳng vuông góc với sàn nhà.  
  • Hai chân chụm vào nhau và gập đầu gối trái sang bên phải sao cho gót chân trái chạm vào mông bên phải.  
  • Chân phải gập và đặt vào bên cạnh đầu gối trái.
  • Thực hiện động tác xoay cổ, vai và eo về phía bên phải, giữ cột sống thẳng.  
  • Đặt tay phải ra phía sau, sau đó chống tay trái lên đầu gối phải.  
  • Giữ tư thế này trong khoảng 60 giây
  • Sau khi hoàn thành, trở về tư thế ngồi thẳng ban đầu và đổi bên, thực hiện động tác tương tự với bên còn lại.
  • Trong quá trình tập cần lưu ý hít thở sâu và chậm.

Bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình
Bài tập tác động hai bên cổ, ngồi vặn mình

2.3 Bài tập duỗi cổ

Để thực hiện bài tập thoát vị đĩa đệm cổ này, người bệnh có thể làm theo các bước sau:

  • Ngồi gập gối lên trên gót chân và ngả người ra sau, chống hai tay sao cho lòng bàn tay tiếp xúc với sàn, đầu ngón tay hướng ra phía ngoài.
  • Thực hiện động tác nâng ngực lên, uốn cong lưng và hạ thấp đầu ra phía sau
  • Sau đó, duỗi cổ và kéo căng cơ ngực.
  • Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây
  • Từ từ nâng đầu và thân người lên để trở về tư thế ban đầu.

2.4 Bài tập đứng cúi gập người

Bài tập đứng cúi gập người không chỉ hỗ trợ trong việc chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ mà còn giúp tăng cường sự linh hoạt cho phần thân trên. Để thực hiện bài tập thoát vị đĩa đệm cổ này, người bệnh cần làm theo các bước sau:

  • Đứng thẳng, hai bàn chân song song mặt đất, giữ lưng thẳng, ngực ưỡn.  
  • Vươn hai tay lên cao và hướng thẳng lên trần nhà
  • Hít sâu và sau đó gập người về phía trước hết mức, khi tay chạm sàn thì thở ra.  
  • Cố gắng giữ lưng thẳng trong lúc tập luyện.
  • Giữ tư thế này trong khoảng 5 giây
  • Sau đó, nâng người trở về tư thế ban đầu
  • Lặp lại bài tập khoảng 5 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.  

Người bệnh cần thực hiện mỗi động tác một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn để tránh gây ra chấn thương hoặc căng cứng không mong muốn. 

Bài tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm cổ này giúp tăng cường hoạt dịch các đốt sống
Bài tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm cổ này giúp tăng cường hoạt dịch các đốt sống

2.5 Bài tập giúp thư giãn vùng cổ, vai và lưng

Bài tập kháng lực khá phù hợp để thực hiện tại nhà và văn phòng. Cách thực hiện như sau:

  • Áp cả 2 lòng bàn tay lên trước trán và đẩy nhẹ đầu ra sau (chú ý giữ đầu cổ thẳng và tạo ra một lực để chống lại lực đẩy từ tay, đồng thời không được dồn lực quá nhiều)
  • Giữ vững tư thế trong khoảng 10 giây và dừng lại.
  • Thực hiện 5 lần trong mỗi lần tập (không nên tập quá nhiều để tránh tình trạng trật khớp cổ).

2.6 Bài tập giúp thư giãn vùng cổ, vai và lưng

Bài tập giúp thư giãn vùng cổ, vai và lưng có khả năng hỗ trợ lưu thông máu tốt, đồng thời phù hợp với nhiều người bệnh. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bài tập, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3. Các bài tập người thoát vị đĩa đệm cổ nên tránh

Để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, người bị thoát vị đĩa đệm cổ nên tránh thực hiện những bài tập gây tác động mạnh đến vùng cột sống, chẳng hạn như:

  • Những bài vận động mạnh, cần phải chạy nhảy lên xuống.
  • Nâng tạ.
  • Những bài tập cần xoay cổ nhanh và đột ngột.
  • Chạy bộ nhanh.

4. Những lưu ý khi tập bài tập thoát vị đĩa đệm cổ tại nhà

Để tăng khả năng điều trị bệnh, người bệnh cần được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây đau và tiếp cận đúng phương pháp điều trị. Để nâng cao hiệu quả khi thực hiện các bài tập thoát vị đĩa đệm, người bệnh còn cần chú ý kết hợp nhịp nhàng giữa hơi thở và chuyển động.  

Bên cạnh đó, người bệnh hãy chọn những loại trang phục có độ co giãn và thấm hút mồ hôi tốt. Nếu gặp phải các triệu chứng như đau cột sống, người bệnh nên dừng tập và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Dù các bài tập thoát vị đĩa đệm cổ có thể giảm đau nhưng quá trình chữa bệnh triệt để vẫn cần sự can thiệp chuyên môn. Để có kết quả tốt nhất, người bệnh cần được thăm khám và tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp.  

Do đó, người bệnh hãy đến các đơn vị chuyên khoa Cột sống uy tín để xác định nguyên nhân gây đau một cách chính xác và tiến hành điều trị tận gốc. Điều này không chỉ giúp người bệnh thoát khỏi cơn đau mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một cơ sở y tế đa khoa hàng đầu, chuyên về quá trình thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp, và nhiều bệnh khác.  

Vinmec đã áp dụng các phương pháp y học hiện đại để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này, mang lại hiệu quả cao và hạn chế tối đa tình trạng tái phát của bệnh.

Để có được thành công lớn này, Vinmec đã đầu tư từ trang bị đầy đủ cho đến cơ sở vật chất hiện đại, cùng với các quy trình thăm khám và điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn. Điều này đảm bảo rằng mỗi bệnh nhân sẽ nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt nhất, mang lại kết quả tối ưu trong việc điều trị bệnh. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe