Bóng đèn tiết kiệm năng lượng có thể cản trở giấc ngủ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến chúng ta không thể ngủ được vào ban đêm, ví dụ như cafein, tiếng ồn, bệnh lý... Gần đây, các nhà nghiên cứu đã bổ sung thêm một nguyên nhân gây mất ngủ mà nhiều người chưa từng nghĩ đến, đó là bóng đèn tiết kiệm năng lượng LED được bật khi trời tối.

1. Ánh sáng và nhịp sinh học

Thời cổ xưa, con người chỉ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tự nhiên và bổ sung ánh sáng từ ngọn lửa vào ban đêm. Họ sẽ ngủ một giấc dài và sâu khi trời tối, từ từ thức dậy khi mặt trời mọc với đầu óc tỉnh táo, sẵn sàng bắt đầu một ngày mới.

Mắt người phát hiện ánh sáng mặt trời có màu trắng, nhưng trên thực tế luồng sáng tự nhiên này chứa phổ màu đầy đủ và thay đổi vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Vào ban ngày, các tế bào ở đáy mắt của chúng ta phát hiện ra mặt trời sáng, trong đó ánh sáng xanh lam chiếm ưu thế. Đáp lại, những tế bào này báo hiệu cơ thể sản xuất hormone và các chất hóa học khác để hỗ trợ sự tỉnh táo, minh mẫn. Trong ánh sáng buổi tối yếu ớt, tông màu xanh lam mất đi, đồng hồ sinh học sẽ thiết lập cơ chế chuẩn bị cho chúng ta đi ngủ.

Ánh sáng chúng ta tiếp xúc vào ban ngày cũng đóng vai trò trong việc sản sinh melanin vào ban đêm. Melatonin là một loại hormone chuẩn bị cho cơ thể đi vào giấc ngủ và bóng tối là tín hiệu cơ thể sản xuất ra hormone này.

Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời khiến não tiết ra hormone serotonin - giúp ổn định tâm trạng và cải thiện sự tập trung, đồng thời thúc đẩy cảm giác bình tĩnh. Mức serotonin tiết ra vào ban ngày lại quyết định mức melatonin sản sinh vào ban đêm. Giảm serotonin vào ban ngày tương đương với giảm melatonin vào ban đêm.


Bóng đèn tiết kiệm năng lượng có thể làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ
Bóng đèn tiết kiệm năng lượng có thể làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ

2. Tác động của bóng đèn tiết kiệm năng lượng

Kể từ khi phát minh ra bóng đèn cách đây gần 150 năm, chúng ta đã mang ánh sáng nhân tạo vào trong cuộc sống của mình. Trước đây, bóng đèn sợi đốt và bóng đèn halogen cũ tạo ra ánh sáng ấm và dịu hơn. Sau đó, bóng đèn điốt phát quang (LED) ra đời và được nhiều người sử dụng vì tiết kiệm năng lượng và bền hơn bóng đèn thông thường.

Tuy nhiên điều này có thể liên quan đến sức khỏe của chúng ta. Người lao động thời hiện đại thường dành thời gian ban ngày để tiếp xúc với ánh sáng đèn điện thay vì nắng mặt trời cung cấp. Theo chuyên gia, con người thường xuyên sinh hoạt trong nhà chỉ được tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo - cường độ thấp hơn 100 lần so với ánh sáng tự nhiên ngoài vào ngày đẹp trời.

Vào buổi tối, chúng ta chiếu sáng ngôi nhà của mình bằng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng LED phát ra ánh sáng xanh - dù rất sáng nhưng lại làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ. Trong vài năm gần đây, tác động tiêu cực của đèn LED và ánh sáng trắng xanh chói phát ra từ nguồn sáng này chỉ mới bắt đầu được công nhận. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với ánh sáng xanh kéo dài có thể dẫn đến đục thủy tinh thể, chứng mất ngủ và rối loạn tâm trạng. Nghiên cứu gần đây ở Úc cho thấy rằng ánh sáng vào ban đêm trong các ngôi nhà dùng đèn LED đã ức chế mức melatonin tới 50%.

Tác động của ánh sáng nhân tạo đối với chu kỳ ngủ - thức của chúng ta là rất lớn. Ví dụ khi thức khuya, chúng ta lại càng tỉnh lâu hơn do tiếp xúc với ánh sáng xanh, đồng thời các hormone điều chỉnh cảm giác đói hoặc no cũng bị tác động và bạn cũng có nhiều thời gian để ăn khuya. Vào những khoảng thời gian đêm muộn, hormone căng thẳng của bạn luôn tăng cao khiến bạn thèm đồ ăn vặt. Hầu như không có người nào chọn ăn rau salad vào lúc 11 giờ đêm.

Sự gián đoạn nhịp sinh học cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới cho là có thể gây ung thư. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy những người làm việc theo ca đêm (tiếp xúc với nhiều ánh sáng nhân tạo vào ban đêm) có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn sau 15 năm làm việc.

Tuy nhiên ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị như màn hình máy tính và điện thoại cũng không phải là xấu hoàn toàn. Tùy thuộc vào thời điểm tiếp xúc với ánh sáng xanh trong ngày, chu kỳ giấc ngủ và sức khỏe của chúng ta mới bị ảnh hưởng. Ánh sáng xanh giúp chúng ta tỉnh táo, vì vậy bạn nên tiếp xúc vào buổi sáng. Đó là lý do tại sao mặt trời mọc có tông màu lạnh và ánh sáng mặt trời có dấu vết của ánh sáng xanh, sáng.


Nếu bạn ngủ ở nơi có nhiều ánh sáng vàng và dịu nhẹ thì sẽ tốt hơn là ánh sáng trắng và lạnh
Nếu bạn ngủ ở nơi có nhiều ánh sáng vàng và dịu nhẹ thì sẽ tốt hơn là ánh sáng trắng và lạnh

3. Làm sao để ngủ ngon mà vẫn dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng?

Mặc dù tất cả ánh sáng đều có thể ngăn chặn melatonin, nhưng mắt người đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng xanh. Vì vậy ánh sáng xanh do bóng đèn tiết kiệm năng lượng tạo ra có thể có tác động tiêu cực mạnh mẽ vào ban đêm. Chuyên gia cho biết nếu bạn ngủ ở nơi có nhiều ánh sáng vàng và dịu nhẹ thì sẽ tốt hơn là ánh sáng trắng và lạnh.

Từ thực tế này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Houston đã tìm ra cách để chúng ta vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ thị lực và giấc ngủ sâu. Cụ thể, họ đã phát triển một loại bóng đèn LED có con chip phát ra ánh sáng dải màu tím ít gây hại cho sức khỏe. Vật liệu đặc biệt trong con chip này hấp thụ năng lượng ánh sáng tím này và chuyển đổi, giúp bóng đèn phát ra ánh sáng dịu nhẹ đối với mắt người. Bộ não con người phản ứng bằng các tín hiệu cho thấy đã gần đến thời gian buồn ngủ.

Ánh sáng từ các đèn LED màu tím này vẫn bao gồm một số ánh sáng màu xanh chứ không chặn hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phiên bản đèn LED màu tím sẽ giúp cải thiện giấc ngủ, nhưng hiện tại vẫn cần thực hiện một số chỉnh sửa trước khi được bán rộng rãi trên thị trường.

Ngoài ra, một số công ty đèn điện khác cũng đang cố gắng tạo ra một hệ thống chiếu sáng chước tông màu lạnh của mặt trời mọc; sau đó tự động chuyển sang ánh sáng xanh, tươi sáng vào ban ngày; phát ra tông màu cam và đỏ giống như ánh hoàng hôn; và mờ dần vào buổi tối để phù hợp với nhịp điệu tự nhiên của con người. Một công ty khác cũng đang nghiên cứu tạo ra các sản phẩm chiếu sáng đèn LED không có ánh sáng xanh để cải thiện giấc ngủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, stuff.co.nz

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe