Bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh như thế nào hợp lý, hiệu quả?

Thiếu sắt là tình trạng gặp ở nhiều trẻ em hiện nay. Những trẻ này cần được bổ sung sắt bằng thực phẩm hoặc các chế phẩm chứa sắt. Bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh như thế nào là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

1. Vai trò của sắt đối với cơ thể

Nếu coi cơ thể người có nhiều ngôi nhà với nhiều mô cơ quan thì sắt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên hồng cầu – chiếc xe chuyên chở oxy cũng như chất dinh dưỡng đi đến tất cả các mô tế bào (ngôi nhà) đó. Sắt chính là một dưỡng chất thiết yếu đối với sự tăng trưởng và phát triển của cả trẻ em và người lớn.

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em cần một lượng sắt cao hơn đến 9 lần so với cơ thể người trưởng thành (tính theo khối lượng cơ thể). Sắt tạo ra hemoglobin (huyết sắc tố) giúp máu mang oxy vận chuyển đến mọi tế bào. Nếu thiếu sắt, mô, cơ bắp và tế bào của trẻ sẽ thiếu hụt oxy cần thiết. Nếu tình trạng máu thiếu sắt trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể lực và trí tuệ của bé.

Trong thời gian bú mẹ, trẻ em được cung cấp nguồn sắt dồi dào từ sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng sắt sẽ dần giảm đi khi bé lớn lên và bước vào giai đoạn ăn dặm. Do vậy, việc bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh như thế nào, trong thời gian bao lâu để trẻ không thiếu sắt là điều cha mẹ cần hết sức lưu ý.

2. Bố mẹ nên bổ sung sắt cho bé khi nào?

Như đã chia sẻ trong phần trên, sắt là một trong những nguyên tố vi lượng quan trọng mà cơ thể rất cần để hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nhất là não bộ cần đủ một lượng sắt lớn để phát triển tốt nhất. Nếu bé bị thiếu sắt thì sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.

Do vậy, trước khi tìm hiểu bổ sung sắt cho trẻ như thế nào, cha mẹ cần nắm được thời điểm cho bé bổ sung thêm sắt. Cụ thể, nên bổ sung sắt cho bé (theo chỉ định của bác sĩ) khi trẻ có những biểu hiện của tình trạng thiếu sắt như:

  • Trẻ tăng cân rất chậm hay trong thời gian dài không tăng cân;
  • Da của bé nhợt nhạt;
  • Trẻ sơ sinh bú kém, thậm chí còn bỏ bú mẹ;
  • Trẻ khó chịu, quấy khóc thường xuyên;
  • Trẻ nếu bị thiếu sắt sẽ rất ít vận động vì bé yếu, mệt mỏi, cơ phát triển chậm hơn, bị viêm đường hô hấp và nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn khác.

3. Thời điểm nên bổ sung sắt cho trẻ

Chọn thời điểm bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh như thế nào hợp lý? Để có thể cân bằng lượng sắt cho con, cha mẹ nên lưu ý:

  • Với trẻ đủ tháng: Cần được bổ sung thêm sắt bắt đầu từ thời điểm 4 tháng tuổi cho đến khi bé ăn nhiều hơn 2 khẩu phần/ngày. Trong thời gian bú sữa mẹ, mẹ nên cho bé ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ, nếu cần có thể bổ sung các sản phẩm sữa bột cung cấp đầy đủ lượng sắt. Khi bé ăn dặm, cha mẹ nên thiết kế thực đơn dinh dưỡng bảo đảm, bao gồm các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như thịt xay nhuyễn, ngũ cốc,...;
  • Đối với trẻ thiếu tháng: Nếu người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ kiểm soát kém, con bị sinh non hoặc ít hơn 2,9kg khi sinh thì bé có thể không nhận đủ lượng sắt trong thai kỳ. Những bé sinh non cần được đặc biệt quan tâm và bổ sung sắt từ sớm khi con 2 tuần tuổi cho đến khi ăn dặm 1 tuổi. Nếu bé trong giai đoạn bú mẹ, mẹ nên bổ sung thêm sữa tăng cường chất sắt như nguồn dinh dưỡng chính.

4. Cách bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh phù hợp

Hướng dẫn cách bổ sung sắt cho trẻ như sau:

  • Nếu bé sử dụng sữa công thức thì có nghĩa đang nhận được đầy đủ lượng sắt và vitamin D, do vậy hãy tiếp tục cho trẻ dùng sữa công thức trong 12 tháng đầu đời;
  • Với trẻ bú mẹ: AAP khuyến cáo trẻ sơ sinh bú mẹ một phần và hoàn toàn nên được bổ sung sắt lỏng với liều 1mg/kg/ngày bắt đầu từ khi 4 – 6 tháng và tiếp tục cho đến khi bé khoảng 6 tháng tuổi, có thể ăn thức ăn đặc có chứa sắt. Bắt đầu từ khi bé mới sinh, nên bổ sung 400IU vitamin D hằng ngày, tiếp tục dùng cho đến khi bé được 1 tuổi;
  • Nếu bé sinh non, bé có thể cần bổ sung một lượng sắt cao hơn là 2mg/kg/ngày, bắt đầu ngay trong tháng đầu tiên sau sinh. Cha mẹ nên gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên về các nhu cầu dưỡng chất cụ thể phù hợp cho;
  • Nếu mẹ trong quá trình ăn chay, hãy bổ sung một lượng B12 phù hợp và xin ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để bảo đảm chế độ ăn uống và chất bổ sung hợp lý;
  • Không cho bé uống sữa bò tươi cho đến khi bé được 1 tuổi vì sữa tươi làm giảm hấp thu sắt. Trẻ sử dụng sữa bò tươi (thay vì sữa mẹ hay sữa công thức tăng cường sắt) trong 12 tháng đầu đời có nhiều khả năng bị thiếu máu do bị thiếu sắt vì lượng đạm quá nhiều trong sữa bò cũng có thể khiến thận của trẻ bị quá tải;
  • Sau thời điểm 6 tháng tuổi, nên cho bé dùng thức ăn giàu sắt như thịt, ngũ cốc, rau xanh,... Sau 4 – 6 tháng, lượng sắt dự trữ tự nhiên của trẻ từ lúc mới sinh sẽ bắt đầu giảm. Cha mẹ nên cho bé sử dụng các loại protein và rau xanh để cung cấp cho trẻ tất cả dưỡng chất cần thiết. Một số thực phẩm giàu sắt gồm: Đậu nành, rau bina, đậu lăng, đậu xanh, đậu đen, đậu tây, đậu phụ, thịt bò và trứng;
  • Nếu bé cần bổ sung các loại vi chất, cha mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về loại thuốc cũng như liều lượng bảo đảm an toàn cho sự phát triển tối ưu của trẻ;
  • Thiết sắt hay thừa sắt đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ. Sắt là một kim loại nặng có thể gây độc cho tế bào, mô cũng như các cơ quan. Thừa sắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Nếu cha mẹ bổ sung sắt không phù hợp và quá liều trong thời gian dài, con dễ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tổn thương gan, tăng đường máu,... Do đó, bổ sung sắt cho bé trong thời gian bao lâu, như thế nào là điều mà cha mẹ cần hết sức lưu ý và tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.

Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh như thế nào mà các bậc phụ huynh nên tham khảo. Bổ sung sắt cho bé bằng việc thay đổi chế độ ăn kết hợp với sử dụng các chế phẩm chứa sắt chính là lựa chọn phù hợp. Cha mẹ nên xin ý kiến bác sĩ, không tự ý cho bé dùng thuốc bổ sung sắt để tránh nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe