Biếng ăn tâm lý ở trẻ em điều trị như thế nào?

Biếng ăn tâm lý là một rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở trẻ, ảnh hưởng tới phát triển tinh thần và thể chất. Hãy tìm hiểu nguyên nhân và một số biện pháp khắc phục chứng biếng ăn của trẻ.

1. Biếng ăn tâm lý là gì?

Biếng ăn tâm lý, hay còn được gọi là chán ăn thần kinh, hay ngắn gọn là chứng biếng ăn là một loại rối loạn ăn uống. Đó là một hình thức tự bỏ đói. Trẻ em và thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe này thường suy nghĩ về cơ thể một cách méo mó. Các em nghĩ rằng mình đã quá thừa cân nặng.Từ đó, các em tự hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn ăn vào hàng ngày và một số hành vi khác, dẫn đến không thể tăng cân.

Có 2 dạng biếng ăn tâm lý:

  • Loại hạn chế: Trẻ em mắc biếng ăn hạn chế thường gặp hơn. Trẻ thường không muốn ăn các thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo.
  • Loại Bulimic (binging và purging): Trẻ em mắc chứng cuồng ăn, ăn quá nhiều (vô độ) sau ăn lại nôn trớ. Bệnh nhân cũng có thể uống lượng lớn thuốc nhuận tràng hoặc các loại thuốc khác để làm sạch ruột.

2. Nguyên nhân chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ

Hiện nay, y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân của chứng biếng ăn tâm lý. Tuy nhiên, chứng biếng ăn thường bắt đầu như một chế độ ăn kiêng thường xuyên rồi từ từ giảm cân cực đoan và không lành mạnh.

Một số yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến chứng biếng ăn:

  • Thái độ xã hội đối với ngoại hình, đặc biệt là sự kỳ thị đối với người thừa cân/béo phì
  • Ảnh hưởng quan niệm về béo/gầy trong gia đình
  • Sự mất cân bằng hóa học trong não

Trẻ biếng ăn có nhiều khả năng có tiền sử gia đình về:

  • Vấn đề cân nặng
  • Mắc một bệnh lý nào đó dẫn đến chán ăn
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác (ví dụ: Trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích...)

Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy trẻ biếng ăn tâm lý thường sống trong môi trường gia đình khác cứng nhắc, thường xuyên có thể chỉ trích. Ứng xử của cha mẹ với con cái thường ở 2 thái cực đối lập: Ít tôn trọng trẻ và bảo vệ trẻ quá mức. Trẻ biếng ăn có thể là những đứa trẻ sống phụ thuộc và chưa trưởng thành về mặt cảm xúc, thích tách mình ra khỏi những người khác. Các em có thể có các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lo âu.

3. Các triệu chứng khi trẻ biếng ăn tâm lý?

Các triệu chứng biếng ăn tâm lý ở mỗi trẻ có thể khác nhau. Trẻ có thể có các dấu hiệu sau:

  • Có trọng lượng cơ thể thấp
  • Trẻ sợ bị béo phì, ngay cả khi trẻ đang giảm cân
  • Có cái nhìn méo mó về trọng lượng, kích thước hoặc hình dạng của của mình. Ví dụ, trẻ thường xuyên thấy mình quá béo, ngay cả khi rất nhẹ cân.
  • Không muốn tăng cân để duy trì trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu
  • Ở trẻ em gái, trễ 3 kỳ kinh nguyệt mà không do nguyên nhân về nội tiết hoặc không tìm được nguyên nhân khác
  • Hoạt động thể chất nhiều để giảm cân nhanh
  • Ít có cảm giác đói, không muốn tham gia nấu ăn hoặc có những hành vi ăn uống kỳ lạ
  • Thu mình với xã hội, cáu kỉnh, ủ rũ hoặc chán nản

Nhiều biểu hiện thể chất liên quan đến chứng biếng ăn thường là do đói và suy dinh dưỡng, bao gồm:

  • Da rất khô (khi bị véo và buông ra da vẫn không đàn hồi)
  • Mất nước
  • Đau bụng
  • Táo bón
  • Hôn mê
  • Chóng mặt
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh
  • Gầy bất thường (tiều tụy)
  • Mọc lông tơ mịn trên cơ thể
  • Vàng da

Những triệu chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ em nói trên có thể giống như các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, cha mẹ cần cho con đến gặp bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán sớm. Việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng, có thể ngăn ngừa các vấn đề biến chứng trong tương lai.

4. Điều trị biếng ăn tâm lý ở trẻ như thế nào?

Điều trị biếng ăn tâm lý sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, lứa tuổi và sức khỏe chung của trẻ cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Điều trị thường bao gồm sự kết hợp của nhiều yếu tố như:

  • Liệu pháp tâm lý cá nhân
  • Sự hỗ trợ của gia đình
  • Cung cấp thông tin các quy luật phát triển thể chất để trẻ dần thay đổi hành vi
  • Phục hồi dinh dưỡng với các thực phẩm phù hợp cho trẻ
  • Sử dụng thuốc chống trầm cảm, nếu trẻ bị trầm cảm

Biếng ăn tâm lý không chỉ đơn thuần là việc trẻ ăn ít mà có thể trở nên một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, suy dinh dưỡng và kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trong quá trình điều trị, phục hồi sức khỏe cho trẻ bị biếng ăn tâm lý, cha mẹ và gia đình đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ phương pháp điều trị nào. Có như vậy, trẻ mới có thể dần trở lại cuộc sống bình thường, ổn định tâm lý trong quá trình phát triển về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe