Biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là hiện tượng đĩa đệm bị lệch và lồi ra ngoài vị trí bình thường giữa các đốt sống. Tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Nhận diện thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí thông thường giữa các đốt sống, chèn ép lên các rễ thần kinh và tủy sống. Cơ thể người có 24 đốt sống có khả năng cử động, không dính trực tiếp với nhau mà được tách biệt bởi các đĩa đệm (khoang giữa các đốt sống). Những đĩa đệm này giúp cột sống cử động mềm mại hơn và có tác dụng giảm xóc, làm cho các chuyển động của cơ thể linh hoạt hơn.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống nhưng phổ biến nhất là ở vùng thắt lưng. Tùy theo vị trí bị ảnh hưởng, các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau:

  • Thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng thường gây ra chứng đau thắt lưng.
  • Nếu thoát vị đĩa đệm chèn ép lên dây thần kinh tọa, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau lan từ lưng xuống chân, thường gọi là chứng đau tọa.
  • Thoát vị đĩa đệm ở vùng cổ có thể gây đau cổ và vai gáy. Nếu chèn ép rễ thần kinh cánh tay, cơn đau có thể lan xuống cánh tay cùng bên ảnh hưởng. 
Khi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa (thần kinh hông) sẽ dẫn đến chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân.
Khi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa (thần kinh hông) sẽ dẫn đến chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân.

2. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Một số nguyên nhân chính gây ra vấn đề liên quan đến cột sống và đĩa đệm:

  • Tư thế không đúng: Các hoạt động như làm việc, mang vác vật nặng không đúng cách có thể gây tổn thương cột sống và dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
  • Chấn thương: Lực tác động mạnh từ các sự kiện như ngã, chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông có thể làm thay đổi cấu trúc và vị trí của đĩa đệm cột sống.
  • Lão hóa tự nhiên: Khi tuổi tác tăng lên, cột sống trở nên kém linh hoạt hơn. Vòng sụn bên ngoài trở nên xơ hóa, lượng nước và tính đàn hồi của nhân nhầy giảm, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 35 đến 50.
  • Cân nặng dư thừa: Thừa cân làm tăng áp lực lên cột sống. Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 12 lần so với người bình thường.
  • Bệnh lý cột sống: Các vấn đề như gù vẹo cột sống, gai đôi hoặc thoái hóa cột sống có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
  • Nghề nghiệp: Các công việc yêu cầu kéo, đẩy, gập người hoặc khuân vác nặng,cũng như những công việc văn phòng yêu cầu ngồi lâu một chỗ, đều có thể làm tăng áp lực lên cột sống và đĩa đệm, dễ dẫn đến thoát vị.
  • Đi giày cao gót: Việc thường xuyên đi giày cao gót có thể làm tăng nguy cơ lồi đĩa đệm, thoát vị cũng như biến dạng cơ bắp và dây chằng ở chân. 
Thoái hóa tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.
Thoái hóa tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.

3. Các biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt và lao động hằng ngày mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí làm người bệnh có nguy cơ bị liệt hoặc tàn phế nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Một số biến chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bao gồm:

3.1 Rối loạn đại tiểu tiện

Khi đĩa đệm lệch khỏi vị trí và chèn ép lên các dây thần kinh ở vùng thắt lưng dẫn đến rối loạn cơ tròn, người bệnh có thể bị mất kiểm soát khả năng đại tiểu tiện. Điều này bắt đầu bằng các triệu chứng như bí tiểu ở vùng xương cùng, sau đó có thể tiến triển đến tình trạng đái dầm và nước tiểu rỉ ra không tự chủ.

3.2 Ảnh hưởng đến dây thần kinh

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cũng có thể gây tổn thương các dây thần kinh chạy dọc qua vùng lưng, dẫn đến đau nhức và khó chịu. Cơn đau ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn khi thoát vị đĩa đệm tiến triển đến giai đoạn cục bộ.  

Không chỉ vùng cột sống thắt lưng bị ảnh hưởng mà cơn đau còn lan tỏa xuống cả chân tay. Những hoạt động đơn giản như vận động, làm việc nặng, ho, hắt hơi, đi lại hay thậm chí là đứng ngồi lâu cũng đủ để làm tăng cường cảm giác đau nhức.

3.3 Gây liệt tàn phế

Biến chứng nghiêm trọng nhất của thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng là khả năng gây liệt, tàn phế cả đời. Người bệnh có thể mất hoàn toàn khả năng vận động và đi lại, buộc phải nằm một chỗ.  

3.4 Teo cơ chi

Khi đĩa đệm chèn ép vào các dây thần kinh có thể gây ra tình trạng không đủ máu lưu thông đến các cơ. Cơ bị thiếu máu sẽ dần teo lại, gây khó khăn cho người bệnh trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống.

3.5 Rối loạn cảm giác

Thoát vị đĩa đệm thường gây tê chân, một biến chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng phổ biến liên quan đến rối loạn cảm giác. Người bệnh có thể cảm thấy rối loạn nhiệt độ (nóng lạnh) và mất cảm giác tê bì ở những vùng da tương ứng với rễ dây thần kinh bị tổn thương.

3.6 Hội chứng đau khập khiễng cách hồi

Hội chứng đau khập khễnh cách hồi và rối loạn vận động là những hệ quả thường gặp của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tình trạng này khiến người bệnh mất khả năng kiểm soát sức khỏe và không làm chủ được cuộc sống của mình, buộc bệnh nhân phải dừng lại nghỉ giữa chừng khi đi lại. Đây cũng là một dấu hiệu đặc trưng của đau rễ thần kinh xuất hiện ngắt quãng. 

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây tê chân, ảnh hưởng đến thần kinh.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây tê chân, ảnh hưởng đến thần kinh.

4. Những điều người bệnh thoát vị đĩa đệm cần hạn chế để tránh biến chứng

Nhiều người cho rằng khi mắc bệnh thoát vị đĩa đệm chỉ cần hạn chế chế độ ăn uống là đủ. Tuy nhiên, để hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa các biến chứng của thoát vị đĩa đệm hiệu quả, người bệnh cần hạn chế các điều sau:

  • Kiêng rượu bia, đồ uống có cồn.
  • Chế độ ăn: Cần hạn chế các loại thức ăn khó tiêu, đồ uống có gas và đặc biệt là các thực phẩm có hàm lượng mỡ cao như thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm-bông, các loại bánh kẹo, đồ ngọt.
  • Tránh thực phẩm giàu purin và fructozo: Các thực phẩm như cá trích, thịt gia súc, gan và thịt lợn muối.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm mà còn khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc những căn bệnh khác. 
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có thể gặp phải những hạn chế sau trong sinh hoạt:

  • Khi thay đổi tư thế, hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng và từ từ để cơ thể có thời gian thích ứng, giúp tránh bị đau đột ngột. Khi bệnh nhân từ nằm ngửa muốn ngồi dậy, hãy ngồi dậy từ từ trước rồi mới đứng lên, thực hiện theo từng bước, tránh việc bật dậy ngay lập tức từ tư thế nằm.
  • Khi nâng vật nặng, hãy giữ đúng tư thế: Ngồi từ từ, giữ lưng thẳng và sử dụng sức mạnh của chân thay vì của lưng để khiêng.  
  • Hạn chế chạy nhảy, vì việc này có thể gây chấn thương do áp lực nén lên đĩa đệm.  
  • Tránh đi xe trên đường xóc hoặc mấp mô.  
  • Ngoài ra, không nên mang vác nặng lệch người và cố gắng tránh ngồi quá lâu ở một tư thế, vì điều này có thể gây căng thẳng trực tiếp cho đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Bên cạnh việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp, người bệnh thoát vị đĩa đệm cũng cần tư vấn từ bác sĩ để xây dựng một phác đồ điều trị thích hợp. Với sự tiến bộ của công nghệ y học hiện đại, khả năng điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm thành công và khôi phục chức năng vận động cho người bệnh ngày càng được cải thiện.

Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống cổ qua đường sau là một kỹ thuật phổ biến tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, với tỷ lệ thành công vượt 95%. Phương pháp này không chỉ mang lại nhiều lợi ích nổi bật như giảm đau hiệu quả, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật, mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ cao. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe