Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm được xem như một giải pháp hữu hiệu khi các phương pháp điều trị bảo tồn như thuốc giảm đau, vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí và mức độ thoát vị đĩa đệm, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và kinh nghiệm của bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng để giúp bệnh nhân đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Theo thống kê đáng lo ngại từ Bộ Y tế, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến 30% dân số nước ta. Bệnh lý này không chỉ phổ biến mà còn có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi 20-55 tuổi.
Phát hiện muộn và điều trị sai cách khiến bệnh tái phát nhiều lần, tăng mức độ nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mất khả năng vận động.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm xuất phát từ hai yếu tố chính: chấn thương đột ngột và tổn thương tích lũy.
Chấn thương đột ngột bao gồm các tác động đột ngột lên cột sống như cúi người khiêng vật nặng, té ngã từ trên cao. Tổn thương tích lũy xảy ra do những chấn thương lặp đi lặp lại vì tính chất công việc. Ví dụ, người lao động nặng thường xuyên mang vác vật nặng, tài xế ngồi lâu trên xe rung lắc liên tục. Lâu dần, đĩa đệm bị vỡ rách, bong tróc và dây chằng dọc sau rách, dẫn đến nhân nhầy đĩa đệm trào ra ngoài.
Do đó, việc nhận biết sớm các triệu chứng và chủ động điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, cải thiện chất lượng sống người bệnh.

2. Triệu chứng chính của thoát vị đĩa đệm
- Thoát vị đĩa đệm thường biểu hiện rõ nhất qua triệu chứng đau thần kinh tọa. Cơn đau có thể xuất hiện từ từ và trầm trọng dần theo thời gian hoặc bùng phát đột ngột sau động tác sai tư thế như cúi người khiêng vật nặng, sau tai nạn, chấn thương. Cơn đau này thường bắt đầu ở vùng thắt lưng, sau đó lan xuống mông và dọc một bên chân theo đường phân bố của rễ thần kinh bị chèn ép.
- Rễ L3, L4: Đau từ thắt lưng lan xuống mặt trước đùi, mặt trước trong cẳng chân, mặt trong lòng bàn chân, kẽ ngón chân 1 và 2.
- Rễ L5: Đau từ thắt lưng lan xuống mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mu bàn chân đến ngón chân 1.
- Rễ S1: Đau từ thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, gót chân, bờ ngoài bàn chân đến ngón chân 5.
- Rối loạn cảm giác: Bắt đầu với cảm giác tê bì, sau đó mất hoàn toàn cảm giác ở các chi dưới, theo phân bố theo rễ thần kinh.
- Liệt vận động: Bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt hoàn toàn một hoặc cả hai chân.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể cảm thấy căng tức hoặc tê bì, mất cảm giác ở vùng hậu môn, sinh dục và bí tiểu.
3. Chẩn đoán qua hình ảnh học
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm qua chụp cộng hưởng từ MRI:

4. Điều trị bảo tồn và phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
4.1 Điều trị bảo tồn
4.1.1 Không dùng thuốc
Người bệnh nên nằm nghỉ tại giường một thời gian, từ 1 đến 2 ngày trong giai đoạn đau nhiều và chỉ hoạt động trở lại khi đã giảm đau. Sau đó, người bệnh nên tập luyện các động tác kéo giãn cột sống và tăng cường sức mạnh khối cơ thân trên như hít xà đơn, hít đất, bơi lội …
4.1.2 Dùng thuốc
Quy trình điều trị thường trải qua các giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, thuốc chống co cứng cơ và/hoặc corticoid dạng uống.
- Giai đoạn 2: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, sử dụng đai lưng hỗ trợ.
Để giảm đau do chèn ép thần kinh, có thể sử dụng phong bế rễ thần kinh chọn lọc hoặc tiêm ngoài màng cứng (thường dùng Hydrocortisol). Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng và có thể mang lại hiệu quả giảm đau trong 3-4 tháng.
Sau khi cơn đau cấp thuyên giảm, bệnh nhân cần tham gia chương trình phục hồi chức năng để dự phòng tổn thương trong tương lai.
Ngoài ra, có thể kết hợp các phương pháp Đông y như châm cứu, bấm huyệt để tăng hiệu quả điều trị.
4.2 Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Mặc dù 80% trường hợp thoát vị đĩa đệm có thể điều trị bảo tồn (bao gồm nghỉ ngơi, sử dụng thuốc và tập luyện thể chất) sẽ mang lại kết quả tích cực, phẫu thuật có thể cần thiết cho 20% trường hợp còn lại. Việc chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tiến triển của tình trạng bệnh:
- Đau thần kinh tọa cấp tính nặng: Cơn đau dữ dội không đáp ứng với thuốc giảm đau, lúc này phẫu thuật có thể được xem xét.
- Điều trị bảo tồn thất bại: Nếu sau 6-8 tuần điều trị tích cực bằng các phương pháp bảo tồn, phẫu thuật có thể là lựa chọn tiếp theo.
- Thoát vị đĩa đệm tái phát: Phẫu thuật có thể được chỉ định để ngăn ngừa tái phát thêm.
- Biến chứng: Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như liệt vận động hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa, phẫu thuật là biện pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề.
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm nhằm loại bỏ phần đĩa đệm bị thoát vị chèn ép rễ thần kinh, từ đó giảm đau, phục hồi vận động cho bệnh nhân, tạo điều kiện quay lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
4.2.1 Phẫu thuật cắt đĩa đệm qua đường mổ nhỏ lối sau
Phẫu thuật này bắt đầu với đường rạch nhỏ (khoảng 3cm) ở phía sau cột sống để tiếp cận đĩa đệm bị tổn thương. Sau khi rạch da, bác sĩ sẽ cắt một phần dây chằng vàng và bản sống để lấy ra phần đĩa đệm bị thoát vị. Đây là phương pháp ít xâm lấn, không đòi hỏi trang thiết bị phức tạp, do đó được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

4.2.2 Phẫu thuật cắt đĩa đệm vi phẫu qua ống banh nội soi
Bệnh nhân sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm với phương pháp này có thể rút ngắn thời gian nằm viện. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề cao và thành thạo trong sử dụng kính hiển vi phẫu thuật chuyên dụng có giá thành cao.

4.2.3 Phẫu thuật cắt đĩa đệm nội soi qua lỗ liên hợp, lỗ liên bản sống
Phương pháp phẫu thuật nội soi cột sống qua lỗ liên hợp, lỗ liên bản sống là kỹ thuật tiên tiến được thực hiện đầu tiên tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, mang lại hiệu quả cao, ít biến chứng và giảm thiểu đau đớn sau mổ. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể xuất viện nhanh chóng, chỉ trong vòng 1-2 ngày.
Ưu điểm của kỹ thuật xâm lấn tối thiểu trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là ít tổn thương mô lành, giảm đau, hồi phục nhanh và xuất viện sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.