Phân su có màu xanh đậm, được sản xuất trong ruột của thai nhi. Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ thải phân su trong vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, do những áp lực mà bé trải qua trước hoặc trong khi sinh có thể khiến trẻ thải phân su ngay khi còn trong tử cung. Sau đó, phân su này lẫn với nước ối khiến bé hít phải hỗn hợp phân su và nước ối vào phổi ngay trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Tình trạng này được gọi là hội chứng hít phân su (MAS) rất nguy hiểm.
1. Trẻ sơ sinh hít ối phân su có nguy hiểm không?
Hội chứng hít phân su (MAS) được định nghĩa là tình trạng suy hô hấp nguy hiểm ở trẻ sơ sinh được sinh ra trong nước ối nhuốm phân su. Tần suất trẻ sơ sinh hít phân su chiếm gần 9 - 25 % ở trẻ sinh ra sống. Gần 5% trẻ sinh ra có nước ối nhuốm phân su sẽ bị hội chứng hít phân su (MAS) và gần 50% những trẻ này đòi hỏi phải thở máy.
Yếu tố tác động đến việc bài tiết phân su của thai trong tử cung gồm: thiếu máu rau thai, thai phụ bị tiền sản giật, thai phụ bị cao huyết áp, thiểu ối, người mẹ nghiện hút đặc biệt là thuốc lá và cocain. Hít phân su trước hoặc trong khi sinh có thể làm tắc đường thở, cản trở việc trao đổi khí và là nguyên nhân của tình trạng suy hô hấp nặng.
Biểu hiện viêm phổi hít phân su là trẻ sinh ra thường có tầm vóc to, người phủ đầy phân su, miệng hầu đầy nước ối phân su. Trẻ sơ sinh bị ngạt nước ối có biểu hiện suy hô hấp, thở nhanh, thở khó, rên rỉ, tím tái, ngưng thở... Nhịp tim chậm, giảm trương lực cơ, trẻ có thể ngạt nặng, chết lâm sàng.
2. Các biến chứng của hội chứng hít phân su
- Phân su trong phổi có thể gây viêm và nhiễm trùng, còn gọi là viêm phổi hít phân su.
- Phân su cũng có thể chặn đường thở, làm phì đại phổi. Nếu phổi phì đại quá nhiều, nó có thể vỡ hoặc suy. Sau đó, không khí từ bên trong phổi có thể tích tụ trong khoang ngực và xung quanh phổi. Tình trạng này, được gọi là tràn khí màng phổi, gây khó khăn cho việc tái tạo phổi. Tràn khí màng phổi chiếm 15% - 30% tổng số trẻ sơ sinh bị hít phân su, đặc biệt ở những trẻ thở máy, có bẫy khí. Chọc hút khí hoặc dẫn lưu khí là cần thiết ở những em bé này.
- Hội chứng hít phân su làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị tăng huyết áp phổi dai dẳng. Huyết áp cao trong các mạch máu phổi sẽ hạn chế lưu lượng máu và khiến bé khó thở đúng cách. Huyết áp phổi ở trẻ sơ sinh là một tình trạng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng. Tăng áp động mạch phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh chiếm 1/3 trong số trẻ hít phân su.
- Mặc dù hội chứng hít phân su thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra các biến chứng sức khỏe đáng kể cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, nếu hội chứng này nghiêm trọng hoặc không được điều trị, nó có thể gây tử vong cho trẻ. Trong những trường hợp hiếm, hội chứng hít phân su nghiêm trọng có thể hạn chế oxy đến não trẻ, gây tổn thương não vĩnh viễn, 20% trẻ có thể có vấn đề về thần kinh.
- Giảm chức năng phổi: có 5% trẻ sống được nhưng phụ thuộc oxy đến 1 tháng tuổi. Chức năng phổi bất thường: bao gồm tăng dung tích cặn chức năng, tần suất bị viêm phổi cao. Những trẻ hít ối phân su được cứu sống mà phải thở oxy dài ngày có nguy cơ bị bệnh phổi mạn, tăng nhạy cảm đường thở (dễ phát triển bệnh hen suyễn, viêm phổi) chậm phát triển tâm thần, điếc.
3. Khuyến cáo của bác sĩ
- Tuy hít ối phân su ở trẻ sơ sinh là tai biến đáng sợ cho các ông bố bà mẹ nhưng phần lớn các trường hợp là không nghiêm trọng. Việc theo dõi cẩn thận và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tình trạng nặng cũng như những di chứng về sau.
- Những thai kỳ có nguy cơ cao như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mãn... cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh.
- Quản lý thai nghén và chăm sóc sản khoa tốt để giảm tỷ lệ sinh thai già tháng.
- Theo dõi nhịp tim thai nhi để phát hiện tình trạng thiếu oxy của thai ở sản phụ có nước ối nhuốm phân su.
- Với sản phụ mang thai ≥ 41 tuần thường được khuyến cáo can thiệp hơn là theo dõi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.