Bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Đối với viêm kết mạc dị ứng, thuốc kháng histamin và corticosteroid sẽ giúp giảm ngứa, sưng và đỏ mắt. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt nhân tạo cũng có thể được sử dụng để làm dịu mắt và cung cấp độ ẩm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Sơ lược về bệnh viêm kết mạc
Kết mạc là lớp màng mỏng và trong suốt, bao bọc toàn bộ bề mặt ngoài của nhãn cầu và bên trong mí mắt. Vai trò của lớp kết mạc là bảo vệ và bôi trơn nhãn cầu, đảm bảo hoạt động bình thường của mắt. Khi lớp kết mạc bị viêm do các yếu tố khác nhau, tình trạng này được gọi là viêm kết mạc hay đau mắt đỏ.
Nguyên nhân chính gây viêm kết mạc thường là do virus, vi khuẩn hoặc do phản ứng dị ứng với bụi, phấn hoa, lông động vật,... Những biểu hiện thường gặp khi bị đau mắt đỏ bao gồm: kết mạc bị đỏ, mắt ngứa và đau, chảy nước mắt liên tục, nhạy cảm ánh sáng, thị lực giảm sút, mí mắt bị sưng, và có chất dịch vàng xanh tiết ra từ mắt.
Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp và không quá khó để chữa trị, nhưng có nguy cơ tái phát và lây lan cao. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng tránh và cách ly hợp lý. Dùng thuốc là điều cần thiết nhằm kiểm soát triệu chứng và tiêu diệt mầm bệnh, nhưng bệnh nhân cần sử dụng đúng theo chỉ định y khoa để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho mắt.
2. Viêm kết mạc nhỏ thuốc gì tốt nhất?
Trong điều trị viêm kết mạc, bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêm hoặc thuốc uống. Thuốc nhỏ mắt, vốn là dung dịch vô trùng, giúp chữa trị các vấn đề về mắt. Bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
Đây là các loại thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc phổ biến nhất:
- Kháng sinh: Được dùng hiệu quả khi nguyên nhân bệnh là do vi khuẩn gây ra. Một số loại kháng sinh phổ rộng thường được khuyến cáo bao gồm: Ofloxacin, Neomycin, Tobramycin, Polymyxin B, Sulfacetamid,... Những loại thuốc này mang lại tác dụng nhanh chóng khi nhỏ vào mắt, nhưng người bệnh không nên kéo dài thời gian sử dụng quá 7 ngày.
- Các loại thuốc kháng viêm: Khi bị viêm kết mạc, thuốc kháng viêm thường là lựa chọn phổ biến để giảm sưng, đỏ mắt do tình trạng viêm gây ra. Các loại thuốc này bao gồm corticosteroid (như prednisolon, dexamethasone, fluoromethane) hoặc NSAID (như indomethacin, diclofenac),... Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyến cáo tránh lạm dụng thuốc kháng viêm dạng viên kéo dài do nguy cơ gây các tác dụng phụ như tăng huyết áp hoặc viêm loét dạ dày - tá tràng. Đối với thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid, việc sử dụng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng như tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể.
- Thuốc chống histamin H1: Loại thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh do dị ứng. Các hoạt chất phổ biến trong thuốc bao gồm clorpheniramin, antazoline, diphenhydramin,... Tuy nhiên, người bị viêm kết mạc mà đồng thời mắc tăng nhãn áp hoặc viêm tuyến tiền liệt không nên sử dụng.
- Nhóm thuốc nhỏ mắt kết hợp: Được khuyến nghị khi điều trị bệnh nhờ sự pha trộn của các hoạt chất kháng sinh, chống viêm và corticosteroid…
- Dùng thuốc nhỏ mắt giảm kích ứng: Đối với nguyên nhân do kích ứng, các loại thuốc nhỏ mắt nhân tạo chứa chất bôi trơn có thể mang lại hiệu quả tích cực. Những thành phần thường gặp trong các sản phẩm này là Polyvidone, Glycerin, Polyvinyl alcohol... giúp giảm khô mắt. Ngoài ra, các hoạt chất như tetrahydrozoline và naphazoline cũng được bổ sung để giảm sung huyết ở mắt.

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: cảm giác châm chích hoặc rát mắt, nổi mẩn đỏ, ngứa mắt, tầm nhìn mờ trong thời gian ngắn, đau mắt, đỏ mắt, sưng mắt, các vấn đề về thị lực, buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, lo âu, lú lẫn, khó đi tiểu, và nhiều triệu chứng khác. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu các tác dụng phụ trở nặng.
3. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị viêm kết mạc mắt
Bên cạnh việc tìm hiểu bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì, cách chăm sóc bệnh nhân cũng là vấn đề được nhiều người chú ý. Dưới đây là một số điều quan trọng mà bệnh nhân và người thân cần lưu ý:
- Bệnh nhân nên vệ sinh mắt mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Chúng ta có thể mua nước muối này tại các hiệu thuốc, việc sử dụng nhiều lần sẽ giúp làm sạch mắt, đồng thời giảm bớt sự khó chịu.
- Chườm lạnh hoặc chườm ấm lên mắt hoặc sử dụng nước nhỏ mắt nhân tạo có thể giúp giảm các triệu chứng và đem lại sự thoải mái cho người bệnh.
- Nên tránh đeo kính áp tròng cho đến khi tình trạng viêm kết mạc được điều trị dứt điểm. Trước khi tiếp tục sử dụng, hãy khử trùng và làm sạch kính áp tròng thật kỹ.
- Hãy rửa tay sạch sẽ bằng nước ấm và xà phòng thường xuyên, đặc biệt trước khi tiếp xúc với mắt để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
- Tránh dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khăn giấy, khăn tắm, kính mắt, vỏ gối hay đồ trang điểm mắt với người khác.
- Không nên dụi mắt bằng tay bẩn hoặc đeo kính bảo vệ mắt, nhất là khi ra ngoài hoặc tham gia các hoạt động có thể làm tổn thương mắt.
- Cần tránh để đầu lọ thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt hoặc mi mắt khi sử dụng để không làm nhiễm bẩn lọ thuốc.
- Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như bụi, lông thú nuôi, phấn hoa,... là điều cần thiết để giảm nguy cơ viêm kết mạc.
- Hãy đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước rửa mặt.
Các thông tin đã cung cấp ở trên nhằm trả lời câu hỏi về bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì, giúp bệnh nhân đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tránh tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.